Mấy tuần nay, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Hành động này của Trung Quốc trong những ngày qua đã bị Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ và giới chuyên gia lên án mạnh mẽ.
Việt Nam đã trao công hàm phản đối, yêu cầu Bắc Kinh rút các tàu vi phạm khỏi vùng biển Việt Nam, còn Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu Trung Quốc “dừng ngay các hoạt động bắt nạt... khiêu khích, gây bất ổn” trong thông cáo ngày 20/7.
Các chuyên gia trả lời Zing.vn trong loạt bài phân tích những ngày qua đã gọi đây là hành động “rõ ràng không thể chấp nhận”, là “mức độ gây hấn mới” của Bắc Kinh, và kêu gọi các cường quốc trên thế giới có trách nhiệm hơn với hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
|
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. Ảnh: Việt Linh. |
Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói với Zing.vn rằng vụ việc “làm xói mòn lòng tin”, "đi ngược lại mọi lời hứa của Bắc Kinh về hòa bình, hợp tác".
Cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ cũng nói các nước cả trong và ngoài khu vực đều có lợi ích từ một Biển Đông thượng tôn pháp luật và kêu gọi quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc.
Không chấp nhận hành xử kiểu "sức mạnh là lẽ phải"
- Việc tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nên được nhìn nhận thế nào, thưa ông?
- Tuyên bố của Bộ Ngoại giao ngày 19/7 là rất xác đáng, nói lên tổng thể vấn đề, thể hiện sự chính nghĩa, chủ trương hoà bình, hoà hiếu, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cần phải nhấn mạnh và nói rõ rằng: Tàu Hải Dương 8 và các tàu của Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, ở đây là thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được quy định theo luật pháp quốc tế.
Đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, làm xói mòn lòng tin và tạo ra nhiều hệ lụy đối với khu vực và quốc tế. Không thể chấp nhận hành xử theo kiểu “sức mạnh là lẽ phải”.
Do đó, phải nhấn mạnh luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận việc Trung Quốc dùng “đường lưỡi bò” phi lý hay sức mạnh để mở rộng tranh chấp, xâm lấn vùng biển của nước khác, vi phạm luật pháp quốc tế.
- Hành động của Trung Quốc đang đi ngược lại các tuyên bố muốn vươn ra thế giới một cách hòa bình?
- Thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế là điều quan trọng nhất trong thế giới ngày nay, đối với mọi nước lớn, nhỏ. Càng là nước lớn, càng có trách nhiệm đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực, bao gồm việc tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Việt Nam và ASEAN luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, cùng nỗ lực phấn đấu cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực. Trung Quốc luôn nói vươn lên hòa bình, muốn hợp tác và làm đối tác với các nước. Đây là lúc Trung Quốc phải chứng tỏ điều đó.
Việc Trung Quốc đang làm hiện nay đã đi ngược lại những gì Trung Quốc đã nói và làm xói mòn lòng tin của các nước trong khu vực.
|
Tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc. |
Các ngoại trưởng ASEAN cần có tiếng nói mạnh mẽ
- Việt Nam và các nước cần làm gì để đối phó với hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế này?
- Trước hết, đó là thượng tôn pháp luật. Phải nói và làm rõ cái đúng cái sai. Phải để công luận thấy rõ điều đó và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Khu vực và quốc tế cũng phải lên tiếng và làm cho Trung Quốc thấy rõ, bằng thượng tôn pháp luật, Trung Quốc mới thực sự là đối tác trách nhiệm, đóng góp vào xây dựng lòng tin, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực này.
Biển Đông là một phần rất quan trọng của khu vực và trên thế giới. Hoà bình, an ninh, tự do hàng hải và trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông là lợi ích chung, của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Vì vậy, các nước, cộng đồng và công luận quốc tế phải có tiếng nói phản bác, đẩy lùi sự vi phạm của Trung Quốc.
Biển Đông hòa bình, ổn định cũng sẽ là tiền đề giúp cho hợp tác, hội nhập, liên kết trong khu vực. Vì vậy, đó chính là trách nhiệm và lợi ích của các nước trong khu vực, trong đó có của Trung Quốc. ASEAN càng cần phải thúc giục Trung Quốc đóng góp vào chuyện đó và không làm phức tạp thêm tình hình.
- ASEAN có thể làm gì trước hành động của Trung Quốc?
- ASEAN luôn có vai trò quan trọng về hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực.
Do đó, ASEAN cần phải tiếp tục lên tiếng trước những hành vi vi phạm và yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ ASEAN, cũng như trong các cơ chế của ASEAN và các đối tác.
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN sắp tới ở Thái Lan cần phải có tiếng nói mạnh mẽ về việc này.
Thực tế, ASEAN cũng đã có những tuyên bố quan trọng về Biển Đông. Đặc biệt, đó là các nguyên tắc nhấn mạnh thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật pháp quốc tế, công ước luật biển; về hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải; ủng hộ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết hòa bình các tranh chấp; hợp tác, xây dựng lòng tin ở khu vực.
Việt Nam luôn đề cao và ủng hộ các lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Khu vực này và cộng đồng quốc tế không chấp nhận việc dùng sức mạnh, vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm vùng biển hợp pháp của các nước khác.
Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Trung Quốc, luôn mong muốn vun đắp quan hệ tốt đẹp hai nước, nhưng Việt Nam cần làm rõ với khu vực và quốc tế về các vi phạm nêu trên, nói rõ và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng các vùng biển hợp pháp của Việt Nam.
|
Tàu hải cảnh 3901 của Trung Quốc tham gia hộ tống tàu Hải dương Địa chất 8. Bắc Kinh thích áp dụng biện pháp hù dọa thông qua các tàu hải cảnh và tàu dân quân thay vì lực lượng quân sự chính thức. Ảnh: SCMP. |
Các nước trong và ngoài khu vực có trách nhiệm lên tiếng
- Những diễn biến vừa qua liên quan đến tàu Hải Dương 8 liệu có ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC)?
- Biển Đông vừa qua vẫn chứng kiến những diễn biến phức tạp. Việc vi phạm luật pháp quốc tế, tôn tạo, quân sự hoá, trong đó có những hành vi xâm phạm các vùng biển hợp pháp của Việt Nam đang diễn ra.
Vì vậy, Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) sắp tới cần phải làm sao góp phần ngăn chặn, không để xảy ra các vi phạm này.
Do đó, COC cần nhấn mạnh hơn nữa việc thượng tôn pháp luật, nhất là các nguyên tắc luật pháp quốc tế, công ước luật biển và Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời cũng cần phải cập nhật tình hình và bổ sung kinh nghiệm thực hiện DOC trong gần hai thập kỷ qua, trong đó có nguyên tắc về tôn trọng vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước theo công ước luật biển.
- Ông có thể giải thích thêm việc các nước cần có tiếng nói phản đối Trung Quốc?
- Đúng vậy. Điều cần nhấn mạnh là thượng tôn pháp luật và bác bỏ các hành vi vi phạm.
Biển Đông quan trọng với tất cả. Cộng đồng quốc tế, các nước trong và ngoài khu vực đều có lợi ích và trách nhiệm đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở khu vực. Do đó cần phải có tiếng nói để nhấn mạnh phản bác các vi phạm nêu trên, kể cả trong khuôn khổ quốc tế, các cấu trúc, tiến trình của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Đã đến lúc các nước phải nói rõ lập trường của mình về thượng tôn pháp luật, về ủng hộ luật pháp quốc tế, trong đó có việc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Điều cần phải nhấn mạnh là ủng hộ, đứng về luật pháp quốc tế trước các hành vi vi phạm. Cái đòi hỏi chủ quyền phi lý, trái với luật pháp quốc tế thì phải phản bác.
Cần lưu ý rằng, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ngày 12/7/2016, phần liên quan đến việc áp dụng UNCLOS là một bộ phận của luật pháp quốc tế và sẽ luôn có giá trị pháp lý, trong đó bác bỏ “yêu sách lịch sử” và nhấn mạnh “đường lưỡi bò” là trái với công ước luật biển và không có giá trị.
- Xin chân thành cảm ơn ông.