"Uber bây giờ sao lại thế nhỉ?"

Google News

Uber tiện lợi, phần mềm của Uber có thể giám sát được hành trình của lái xe, xử lý phản hồi không tốt từ khách hàng. Nhưng phần mềm của Uber lại chưa thể kiểm soát được những chiêu “lách” của tài xế tại Việt Nam.

Hôm qua đi Uber, gặp một lái xe dễ chịu. Cười tươi. Mình có việc vào siêu thị 10 phút vẫn sẵn sàng chờ. Về đến nơi, mở cửa, xách hộ đồ thêm một đoạn…
Hình ảnh như thế này không hiếm trong thời gian đầu Uber mới vào Việt Nam, thời mà bây giờ nhớ lại, những bạn hay đi Uber mà tôi quen thường nói “Đời đầu của Uber”.
Đó là thời mà những hành khách đã ngán ngẩm lâu ngày với những chiếc taxi phần lớn là cũ, bẩn, lái xe cáu bẳn mà giá lại không mềm. Thời mà bỗng dưng có cảm giác chỉ cần ít ít tiền (ít hơn nhiều so với việc gọi taxi) lúc nào cũng như có ô tô riêng, đã thế lại xịn, lái xe thì lịch sự, phục vụ mọi lúc, mọi nơi.
Thành tựu công nghệ nối kết, chia sẻ đã đem đến cho cộng đồng thêm một từ khoá “Uber” để nói về sự tiện lợi, hiện đại và tiết kiệm.
Thời mà “đi Uber” người ta có thể sẽ gặp một người quen hoặc người không quen, có công việc ổn định, bỗng dưng thành người lái xe cho mình trên một quãng đường ngắn. Có thể là vì chủ xe và xe đăng ký sẵn dịch vụ Uber để trên đường đưa vợ đi làm, đưa con đi học trở về, thuận đường “làm cuốc Uber kiếm tiền cà phê hoặc tiền đổ xăng”…
Nhưng có vẻ niềm hân hoan không kéo dài lâu.
 Thành tựu công nghệ nối kết, chia sẻ đã đem đến cho cộng đồng thêm một từ khoá “Uber” để nói về sự tiện lợi, hiện đại và tiết kiệm. Ảnh minh họa
Cuối tuần trước, bạn bè tôi chia sẻ câu chuyện về cô bạn đồng nghiệp bị lái xe Uber đe dọa bóp cổ sau một trận cãi vã vì mâu thuẫn dịch vụ (tất nhiên là cô ấy đủ trình độ để tự cứu được mình).
Hôm đó, trong cuộc trò chuyện sau sự cố, chúng tôi nói với cô bạn đồng nghiệp rằng có thể bạn tài xế kia có vấn đề về sức khoẻ tâm thần.
Tất nhiên, những trường hợp như thế này không nhiều nhưng kiểu lái xe cáu kỉnh khi trao đổi điện thoại để đón khách hầu như ngày nào cũng gặp.
Tôi cũng gặp nhiều hơn những lái xe cáu gắt, gương mặt bơ phờ, mệt mỏi. Có lần tôi phát hoảng khi ra sân bay lúc 5 giờ sáng, gặp một lái xe nói anh ta đã chạy 24h liên tục.
Sau này tìm hiểu, được biết, Uber có quy định lái xe chỉ được chạy tối đa 80 giờ/tuần. Thế nhưng bằng nhiều cách luồn lách, như mượn tài khoản của người khác, lái xe đã chạy tới tối đa mức cảm thấy có thể chịu đựng.
Có tuần, tôi đi Uber liên tục, một ngày 3-4 chuyến. Khoảng 80% tài xế tôi gặp hàng ngày đều không thuộc đường, đều nói “từ tỉnh lên” hoặc “con đang đi học, thuê xe lái theo giờ kiếm tiền học”.
Và cũng khoảng 80% số đó là xe bé xíu và còn mới. Nhiều lái xe nói với tôi rằng, các chủ xe của họ có từ 3 đến 10 chiếc và cho thuê. Cũng có lần tôi gặp chủ xe, người đó cũng công khai kể “Em có 5 chiếc, mấy anh em thay nhau lái. Thỉnh thoảng em mới tự lái”.
Có lái xe nói họ mới bỏ nghề ruộng để đi học lái xe, vay tiền ngân hàng mua xe để lái Uber “vì thấy việc này đang kiếm được”.
Trên báo chí, người ta bắt đầu ít gọi Uber là dịch vụ “chia sẻ xe” hay “đi chung xe”, mà họ chuyển sang “dịch vụ gọi xe trực tuyến”. Có nghĩa rằng, những người đến đón tôi bây giờ phần nhiều sẽ là các tài xế chuyên nghiệp.
 Những người chạy Uber bây giờ phần nhiều là các tài xế chuyên nghiệp. Ảnh minh họa
Hôm qua, tôi phàn nàn với một chuyên gia công nghệ và là một chủ doanh nghiệp rằng, nếu chấp nhận hình thức thuê xe và cho thuê xe để lái Uber, tức là Uber Việt Nam đã không còn giống như tôn chỉ ban đầu của mình là chia sẻ và tận dụng nguồn lực dư thừa của phương tiện vận tải sẵn có.
Anh bạn tôi phản bác: Ưu việt của Uber là nhờ tính đột phá của công nghệ đã tạo thêm cơ hội việc làm cho nhiều người hơn, tạo ra một cái ‘chợ’ giao dịch vận tải và điều tiết nhu cầu cung cầu chỉ bằng phần mềm. Lái xe nhàn rỗi hay lái xe chuyên nghiệp thì khác gì nhau? Xe chính chủ hay xe thuê thì sao? Cái quan trọng cần kiểm soát là hạnh kiểm của lái xe…
Vâng, phần mềm của Uber có thể giám sát được hành trình của lái xe và có thể “thải hồi” khi có nhiều phản hồi không tốt từ khách hàng.
Nhưng phần mềm của Uber lại chưa thể kiểm soát được những chiêu “lách” của tài xế tại Việt Nam như mượn tài khoản để tăng giờ chạy, thỏa thuận riêng với khách hàng, hủy chuyến trước khi đi để tránh phí…
Một khi vì những mong muốn kiếm tiền của tài xế cao hơn khả năng chịu đựng của chiếc xe và sức khoẻ tinh thần của chính mình, thì việc bất chợt có hành khách bị đe doạ “bóp cổ” cũng không có gì là lạ. Nếu trong một lúc nhất thời sức khoẻ tâm thần bị sa sút đến mức nghiêm trọng, án mạng có thể xảy ra thì giải pháp “đuổi lái xe” tất nhiên là muộn rồi.
Với tư cách là một hành khách đã rời bỏ taxi truyền thống từ hai năm nay, tôi chỉ muốn đi những chuyến Uber mà ở đó tài xế là những người không bị sức ép quá căng thẳng về tài chính. Hoặc là, họ không coi nghề lái Uber là chìa khoá vạn năng để đổi đời đến mức mua xe thật rẻ và liên tục lái trên 18 tiếng mỗi ngày, để họ có thể cười tươi với tôi như ngày trước.
Tôi không thể đưa ra đề nghị Uber phải làm gì, chỉ là với tư cách hành khách từng vui mừng với đột phá công nghệ vận tải này, mong muốn vẫn sẽ được đi những chuyến xe dễ chịu như “Uber đời đầu”.
Theo Khám Phá

>> xem thêm

Bình luận(0)