Liên quan đến vụ sát hại nữ nhân viên ngoại giao Anh Rebecca Dykes ngay tại thủ đô Beirut, Lebanon Daily Mail cho biết, sáng ngày 18/12 cảnh sát Lebanon đã bắt giữ một người đàn ông có tên Tarek H, được cho là tài xế Uber.
Hãng thông tấn NNA của Lebanon đưa tin, Tarek đã nhận tội giết người. Theo lời khai của Tarek, đối tượng này đã đón cô Dykes ở quận Gemmayzeh vào tối muộn hôm 15/12 khi cô rời khỏi câu lạc bộ đêm Demo. Tarek cũng khai báo, y định cưỡng hiếp nạn nhân, sau đó bóp cổ cô tới chết trước khi vứt xác cô gần đường cao tốc Metn ở ngoại ô thủ đô Beirut.
|
Nữ nhân viên ngoại giao Anh Rebecca Dykes bị cưỡng hiếp, sát hại bởi người đàn ông có tên Tarek H, được cho là tài xế Uber. Ảnh: Daily Mail. |
Hiện, cảnh sát Lebanon đang điều tra liệu nữ cán bộ ngoại giao Anh có bị tấn công tình dục hay không. Dù vậy vẫn còn khá nhiều uẩn khúc xung quanh cái chết của Rebecca.
Vụ nữ nhân viên ngoại giao Anh bị sát hại sau khi bị cưỡng hiếp đã nối dài hơn danh sách các nạn nhân của tài xế Uber thời gian qua và đẩy cơn khủng hoảng “quấy rối tình dục” của Uber lên đỉnh điểm, khiến hình ảnh Uber tổn hại nghiêm trọng.
Tháng 12/2014, Ấn Độ từng chấn động trước tin tài xế Uber cưỡng hiếp khách. Vụ việc một phụ nữ New Delhi 26 tuổi bị tài xế Uber hiếp dâm ngay lập tức khiến chính quyền New Delhi ra lệnh đình chỉ hoạt động của Uber tại thành phố này.
Khi đó, không chỉ Ấn Độ, Thái Lan và một số nước châu Âu đã tuyên bố “cấm cửa” đối với loại hình taxi kiểu mới Uber. Nhiều nước khác chưa chính thức cấm Uber, nhưng cũng đã tỏ thái độ thận trọng trước dịch vụ này.
Song không dừng lại ở đó, mặc dù tiếp tục phát triển như vũ bão nhưng Uber vẫn liên tiếp dính vào các vụ bê bối tình dục. Đình đám nhất là việc nữ nhân viên phần mềm Susan Fowler tố cáo thường xuyên bị quấy rối trong quãng thời gian làm việc tại Uber vào đầu năm 2017 và nhiều vụ tài xế Uber tấn công tình dục hành khách tại Anh, Úc vào giữa năm nay.
Những sự việc này một lần nữa làm dấy lên làn sóng tẩy chay Uber từng xảy ra với sự tham gia của hàng nghìn tài khoản mạng xã hội.
Thông tin trên Zing cho biết, gần một nửa thủ phạm tấn công tình dục trên taxi hoặc xe thuê riêng tại London năm 2016 là lái xe cho Uber, dữ liệu do cảnh sát Anh công bố. Tỷ lệ này năm 2015 là hơn 1 phần 5. Chính quyền thủ đô Anh hồi tháng 9 đã ra tuyên bố tước giấy phép hoạt động của Uber tại thành phố này, sau những lo ngại về sức khỏe và an toàn.
|
Hiện Uber có mạng lưới hoạt động đã mở rộng đến 633 thành phố khắp thế giới. Ảnh minh họa. |
Sức nóng của cơn khủng hoảng này cũng đã lan tới Việt Nam khi mới đây (ngày 13/12), Công an quận Bình Tân đã tạm giữ hình sự nghi can Nguyễn Dương Khánh (25 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ) để điều tra làm rõ hành vi cướp tài sản và hiếp dâm. Theo cơ quan điều tra, Khánh là tài xế “xe ôm công nghệ” Uber. Nạn nhân của vụ việc là nữ hành khách đặt xe Uber qua hệ thống và gặp Khánh.
Trong khi người thân của nữ nạn nhân trên bức xúc đặt câu hỏi: “Tại sao bạn tôi đặt xe ôm qua hệ thống, có cả số điện thoại liên lạc mà tài xế Uber lại giờ trò đồi bại như vậy…” thì trả lời trên Dân Việt về trách nhiệm của mình, đại diện Uber Việt Nam chỉ gửi đi một thông điệp ngắn gọn: Chúng tôi đã khóa tài khoản của đối tác tài xế liên quan, trong thời gian chúng tôi thực hiện điều tra vụ việc.
Chính câu trả lời này đã khiến dư luận bức xúc bởi dường như, Uber sẽ vô can khi có sự cố xảy ra. Theo phân tích của một luật sư thì: Trong trường hợp khách hàng bị tài xế hiếp dâm, theo quy định của pháp luật, Uber không phải chịu trách nhiệm bởi tài xế thực hiện việc phạm tội không liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, tài xế không phải là người lao động mà chỉ là người hợp tác và chia phần trăm.
Nhưng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, Uber không thể nói vô can trong vụ hành khách bị tài xế Uber cưỡng hiếp bởi hành khách sử dụng công nghệ mạng (qua điện thoại thông minh) để dùng dịch vụ là vì tin tưởng, tín nhiệm Uber nên dù đã đêm khuya vẫn lựa chọn đi. Khách hàng đã chọn Uber chứ không hề biết tài xế cụ thể là ai.
“Theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp này Uber không phải chịu trách nhiệm pháp lý về bồi thường thiệt hại khi tài xế phạm tội. Tuy nhiên, xét về đạo lý kinh doanh thì cần chia sẻ rủi ro, cũng là cách để lấy lại niềm tin của khách hàng, tôi cho rằng Uber không thể nói vô can. Vụ việc này Uber cần có lời xin lỗi chính thức tới nạn nhân”, một luật sư khác phân tích trên Pháp luật TP.HCM.
Uber được thành lập vào năm 2009 tại California, Mỹ, chuyên cung cấp dịch vụ cho khách hàng sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh trực tiếp kết nối với lái xe và được trả một mức giá rẻ hơn so với các hãng taxi truyền thống. Tuy nhiên, Uber không nhận mình là hãng cung cấp dịch vụ vận tải mà luôn lấy pháp nhân một doanh nghiệp công nghệ. Các tài xế cho ứng dụng này cũng chỉ được xem là đối tác, thay vì nhân viên công ty.
Hiện Uber có mạng lưới hoạt động đã mở rộng đến 633 thành phố khắp thế giới, việc kiểm soát hành vi tài xế trở nên khó thì nguy cơ thiệt hại từ những bê bối tình dục đang lớn dần với dịch vụ gây tranh cãi này.
Ai cũng nhìn nhận, công nghệ kỹ thuật và mô hình kinh doanh mới đã đáp ứng các nhu cầu thị trường tốt hơn trước rất nhiều, trong đó, người tiêu dùng được hưởng lợi từ sự đa dạng trong lựa chọn và sự thuận tiện nhưng với câu trả lời của Uber, một lần nữa nhiều người đặt ra câu hỏi về sự an toàn cho hành khách khi công ty này không thể kiểm soát kỹ càng những lái xe tham gia dịch vụ cũng như tính pháp lý về trách nhiệm của Uber và một số hãng taxi công nghệ cao tương tự.