Xe dù, bến cóc và “cò”
8h30 ngày 3/2, trong vai hành khách chúng tôi đến cổng bến xe phía bắc Đắk Lắk đón xe đi Gia Lai. Lập tức cả 3 “cò” chạy lại hỏi “Anh, chị về đâu? Nha Trang hay Gia Lai?”. Chưa kịp trả lời, một cò khác lao tới: “Khách điện thoại của tao!”, rồi kéo tay lôi tôi về phía Cửa hàng xăng dầu số 18 (Km4, đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Buôn Ma Thuột), nơi có 3 chiếc xe 16 chỗ cũ kỹ chạy tuyến Buôn Mê Thuột - Gia Lai và một chiếc xe khách giường nằm chạy tuyến Đắk Lắk - Hà Nội đang đợi sẵn. Gã tỉ tê “Anh, chị về đâu cứ nói em. Đừng nghe mấy thằng “cò” đấy, nhà em có xe đi các tuyến, chất lượng mà uy tín lắm!”.
|
Lái xe vô tư mở cửa đu người ra ngoài đón khách. |
Tôi hỏi: "Xe đi Gia Lai khi nào chạy?" Gã hồ hởi: "Chạy luôn bây giờ!". Vừa nói gã vừa đẩy tôi lên chiếc xe 16 chỗ mang biển kiểm soát 47L – 484… của nhà xe Ngọc Q, trên xe lúc này có 6 người. Thấy có thêm khách, chiếc xe nổ máy, rề rề chạy. Đi được một đoạn, gã “cò” vỗ vai tôi: Anh, chị cho em xin hai trăm tư, trả tiền dầu rồi đi luôn. Lấy tiền xong, gã nhảy xuống, còn chiếc xe tấp vào cây xăng đứng, chỉ khi bắt thêm được 3 khách nữa mới chịu lăn bánh. Thế nhưng đi được khoảng 2km, tài xế bất ngờ cho xe quay ngược lại với lý do có khách điện thoại.
Từ 9h20 đến 10h45 phút chiếc xe này đảo đi, đảo lại đến 4 vòng quanh khu vực bến xe (mỗi vòng khoảng 10 km). Gặp khách, “cò” xe lại “xin tiền vô đổ dầu, đi luôn”. Trên băng ghế đầu có cụ bà ngoài 70 tuổi bị say xe, nôn thốc nôn tháo đòi trả lại tiền để đi xe khác, nhà xe tỏ ra thông cảm bằng việc dừng xe bên quán nước ven đường nghỉ tạm. Khi lượng khách đã chật, bốn vị khách ở cuối xe bất ngờ nhảy xuống. Hóa ra đó là “cò”, chúng lên xe ngồi, để hành khách nghĩ xe đã kín chỗ, sẽ chạy luôn.
Khi nhiều khách sốt ruột phàn nàn sao xe chưa chạy thì lơ xe đáp “chạy ngay bây giờ”, nhưng cứ chạy được một đoạn xe lại quay đầu. Chỉ đến khi lượng khách đã kín, chúng mới chạy. Bắt đầu hành trình, chiếc xe đột ngột tăng tốc, tài xế không cài dây bảo hiểm, vừa lái xe vừa nghe điện thoại, bấm còi inh ỏi. Lơ xe nhao hẳn người ra ngoài hò hét để xe khác nhường đường. Chóng mặt vì tốc độ, hành khách lại mất hồn khi xe đột ngột phanh gấp khiến cả xe lao đầu về phía trước. Mỗi lần đến vị trí có CSGT, chốt chặn, xe chạy chậm lại, lơ xe nhắc khách đóng cửa, kéo rèm, giữ trật tự, cúi thấp đầu…
Theo ghi nhận của chúng tôi, trước cổng bến xe đang tồn tại ít nhất 3 bến cóc phục vụ cho hàng trăm xe dù vào đón trả khách mỗi ngày. Đi cùng với đó là đội ngũ “cò” hùng hậu, như M Tàng, T quần đùi, T ngố, N xì ke…
“Treo đầu dê bán thịt chó”
Tuy chạy tuyến ngắn nhưng những chiếc xe dù không ngần ngại “treo đầu dê” bằng cách để bảng tuyến dài hơn như “Kon Tum”, “Đà Nẵng”, “Quy Nhơn”, “Hà Nội”, hay “Bình Phước”, “Bến xe Miền Đông”. Hết tuyến, lơ xe thường gãi đầu: Mong quý khách thông cảm, xe bị trục trặc bất ngờ, phải mang đi bảo dưỡng, chúng tôi sẽ bố trí xe khác của gia đình để tiếp tục hành trình, không ai phải trả thêm tiền nữa. “Xe nhà” mà họ nói, chính là những chiếc xe dù bất kỳ nào đó họ gặp trên đường, sau cuộc ngã giá ngắn gọn, khách sẽ bị bán không thương tiếc.
Gần 13 giờ ngày 4/2, vợ chồng anh Trần Văn Hoàn tay xách nách mang, đi xe buýt từ huyện Ea Sup lên bến xe Đắk Lắk để về Thanh Hóa, vừa xuống xe họ lập tức lọt vào vòng vây của cánh cò mồi. Được chào mời “xe nhà, giá rẻ, đi ngay”, vợ chồng anh yên tâm vào quán nước đợi xe nhà của cò “đi đổ dầu” sắp về đến nơi. Sau gần 2 tiếng ngồi đợi, vợ chồng anh bị đẩy lên một xe khách giường nằm chạy tuyến Bình Phước - Hà Nội bất chợt đi qua.
Nhiều nhà xe có đăng ký tại bến xe liên tỉnh bức xúc: Các xe của công ty, xí nghiệp chấp hành tốt, có bến bãi, đến giờ dù khách ít, khách nhiều vẫn phải xuất bến. Khách chưa đến cổng đã bị “cò” hốt hết rồi, gần Tết mà xe vắng tanh. Một lái xe khách tuyến Đắk Nông - Đà Nẵng phàn nàn: Mỗi lần dừng đón khách ở Buôn Ma Thuột, nhà xe luôn bị “cò” gây khó dễ. Không nghe theo sự sắp xếp của “cò” là chúng gây sự, đe dọa ngay.
Ban quản lý bến xe thường xuyên sử dụng hệ thống loa truyền thanh phát đi thông điệp: “Hiện nay, trước cổng bến xe có nhiều xe dù và “cò” xe hoạt động. Hành khách nên vào bến mua vé để tránh bị kẻ xấu lôi kéo, trộm cắp”. Song ngoài bến, ít người nghe được những cảnh báo bổ ích kia.
Hiểm nguy cận kề
Hình ảnh những chiếc xe dù 16 chỗ chất đống bàn ghế, xô thùng, thậm chí là gia súc, gia cầm sống trên nóc phóng như bay thực sự là nỗi khiếp đảm với không ít người dân. Mới đây nhất là vụ tai nạn xảy ra vào ngày 4/2, trên quốc lộ 14, đoạn qua địa phận thôn 4, xã Ea H’Leo, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk. Xe khách loại 16 chỗ mang BKS 47B - 013.14, chạy tuyến Đắk Lắk - Gia Lai va chạm với 1 chiếc xe máy đi cùng chiều, rồi đâm trực diện vào xe tải BKS: 47C - 070.41 lưu thông theo hướng ngược lại. Hậu quả là 6 người trên xe khách bị thương nặng, tài xế xe tải bị mắc kẹt trong cabin.
Trước thực trạng trên, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã có công văn về “Tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải khách” , công văn chỉ đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Phòng PC 64) khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng “cò mồi” tranh giành khách trước cổng bến xe, xe khách chạy lòng vòng bắt khách, đón trả khách không đúng quy định. Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xác minh nạn “xe dù, bến cóc”… song tình hình vận tải khách trước Tết Nguyên đán vẫn đang diễn ra phức tạp, các xe dù vẫn ngang nhiên hoạt động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Đại tá Nguyễn Văn Quy - Trưởng Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trước sự lộng hành của xe dù, bến cóc trên địa bàn, từ ngày 23/1 - 2/2 các lực lượng chức năng tỉnh đã kiểm tra 208 phương tiện chở khách, lập biên bản vi phạm 62 trường hợp. Tuy nhiên, tình trạng vẫn phức tạp. Từ nay đến Tết lực lượng chức năng sẽ tăng cường phối hợp giải quyết các tệ nạn này.