Vụ thảm sát kinh hoàng ở Bình Phước làm 6 người chết đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm và Điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho rằng, đó là hiện tượng không bình thường và là hệ quả tất yếu của các quá trình tiêu cực trong xã hội. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Hết sức liều lĩnh, không thể lường
- Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến vụ trọng án làm 6 người chết ở Bình Phước. Ông đánh giá thế nào về vụ án này?
- Vụ án gây sự bức xúc, quan tâm của dư luận xã hội bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng của nó, khi có 6 người bị giết và phương thức, thủ đoạn mà bọn tội phạm thực hiện: Đột nhập vào ban đêm, trói rồi đâm nạn nhân đến chết, lục soát và tẩu thoát. Những điều đó cho thấy hoạt động của tội phạm hết sức liều lĩnh, manh động và có tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ khi hành động; thể hiện sự lạnh lùng, chai sạn, quyết tâm thực hiện phạm tội đến cùng, phương thức che giấu tội phạm hết sức tinh vi.
- Với cá nhân ông là người nghiên cứu về tội phạm, ông có tưởng tượng nổi cách thức mà bọn tội phạm thực hiện như vụ thảm án ở Bình Phước không?
- Những người làm nghiên cứu như chúng tôi luôn quan tâm nghiên cứu về các nguyên nhân, điều kiện, tình huống, phương thức hoạt động của tội phạm, qua đó đề xuất những giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. Song ở mỗi vụ trọng án thì tính chất, hậu quả cũng như phương thức, thủ đoạn thực hiện phạm tội có khác nhau và nhiều khi cũng không lường hết được những hành vi của chúng.
|
Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn, Học viện Cảnh sát nhân dân nói về trọng án làm 6 người chết ở Bình Phước. |
Trọng án vì thiếu kỹ năng bảo vệ
- Đây không phải là lần đầu tiên trọng án có ít nhất từ hai nạn nhân bị giết xảy ra. Mới đây nhất, ở Nghệ An, một gia đình 4 người bị sát hại. Theo ông, điều gì khiến cho tình hình tội phạm nói chung và các vụ trọng án nói riêng có diễn biến phức tạp như thế?
- Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân. Bên cạnh đó những sức ép từ việc làm, đời sống; thói tham lam, ích kỷ, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá; tác động tiêu cực của môi trường thiếu lành mạnh như bạo lực, dâm ô, tệ nạn xã hội, các trào lưu thiếu chuẩn mực, nhất là qua internet, mạng xã hội... đã làm nhiều người, nhất là một bộ phận giới trẻ có nhận thức và hành vi lệch chuẩn. Trong khi đó, việc giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức và trách nhiệm công dân vẫn chưa thật sự hiệu quả.
Ngoài ra, có một phần nguyên nhân là vì nạn nhân đã thiếu đi kỹ năng để tự bảo vệ mình.
- Việc thiếu kỹ năng ấy biểu hiện như thế nào?
- Chẳng hạn, nạn nhân không có ý thức, không quan tâm đánh giá về mối nguy hiểm đối với mình trong quan hệ với các đối tác, quan hệ xã hội, những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh; không tìm hiểu, nghiên cứu về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; lộ liễu, khoe khoang về tài sản; không cảnh giác đề phòng những tình huống bất trắc có thể xảy ra đối với gia đình, cơ sở kinh doanh và bản thân mình...
- Tội phạm, đặc biệt trọng án có chiều hướng gia tăng thì phải chăng vì luật pháp của ta chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe?
- Tội phạm là hiện tượng xã hội tiêu cực. Pháp luật đặt ra là để mọi người tuân thủ, chấp hành tự giác để xã hội bình yên và phát triển. Chính sách hình sự của nhà nước ta là đúng đắn, tiến bộ và cũng đủ sức xử lý, răn đe, đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa nghiêm, hiệu lực của pháp luật chưa cao; năng lực thực thi pháp luật của một số cơ quan chức năng và người thực thi có khi còn hạn chế; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cũng như ý thức công dân ở nhiều người còn thấp.
Tích cực tự bảo vệ bản thân
- Phải chăng bây giờ, cuộc sống đang bất an quá khi trọng án có chiều hướng tăng?
- Tôi cho rằng nghĩ như thế là hơi bi quan và nghiêm trọng hóa vấn đề. Bởi những vụ trọng án chỉ là những hiện tượng mang tính đơn lẻ. Nếu quy các vụ án vào rồi cho rằng cuộc sống đang bất an là sai lầm về tư duy.
- Liệu những vụ án như ở Bình Phước có tiếp tục xảy ra?
- Không ai nói trước được điều gì. Nhưng với tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay (trong đó có toàn cầu hóa tội phạm) thì dự báo vẫn có thể xảy ra các vụ án với những phương thức, thủ đoạn mới và với hậu quả cũng rất nghiêm trọng.
- Chúng ta có ngăn chặn được trọng án không, thưa ông?
- Chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được.
- Bằng cách nào?
- Thực tế, những người giàu có, các cửa hiệu kinh doanh những loại hàng có giá trị như vàng bạc, đá quý... thường là địa chỉ mà tội phạm nhắm tới. Tuy nhiên, đã có không ít người chủ quan, mất cảnh giác.
Do đó, ở những gia đình này, mỗi người phải tích cực tự bảo vệ mình. Đầu tiên, cần đặt thiết bị giám sát camera ở vị trí quan sát tốt nhất, kẻ gian không thể vô hiệu hóa hoạt động; kết nối trực tiếp với cơ quan công an địa phương để phòng khi có đột nhập; đặt thiết bị báo động tự động; có cửa khóa an toàn (như khóa 2 lớp, khóa điện tử có mã hóa...); lưu ý cửa sổ, ban công, gác tum, sân thượng... để không tạo môi trường cho trộm đột nhập.
Đồng thời, cần thiết kế lối thoát nạn bí mật trong nhà, cửa hàng. Có ám hiệu khi xảy ra tình huống bất lợi. Đặc biệt, phải có kỹ năng để ứng phó với tội phạm, cập nhật các thủ đoạn của chúng, từ đó có cách xử trí phù hợp, an toàn khi có kẻ gian đột nhập (cần nhớ rằng tính mạng của con người là quan trọng nhất).
Bên cạnh đó, phải tuân thủ pháp luật như các điều kiện đảm bảo về an ninh trật tự trong kinh doanh; về khai báo tạm trú, tạm vắng... Không nên cho người làm thuê, nhân viên, người mới quen... ngủ lại trong cơ sở kinh doanh, nhà riêng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Sáng 7/7, người dân phát hiện 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi), chủ xưởng chế biến gỗ Quốc Anh ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước bị sát hại ngay tại biệt thự bên Quốc lộ 13. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, các nạn nhân bị giết bởi cùng một loại hung khí với vết đâm ở cổ giống nhau.
Hiện, công an đã bắt được hai nghi phạm là Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến (cùng 24 tuổi). Dương khai từng là người yêu của nạn nhân Ánh Linh, nhưng sau đó bị gia đình ông Mỹ ngăn cấm, Dương nảy sinh lòng thù hận. Rạng sáng 7/7, Dương rủ Tiến đến nhà người yêu cũ “đòi nợ” và hứa sẽ chia tiền cho Tiến. Tiến đã nhận lời. Biết Vỹ thích chơi game, Dương dụ Vỹ mở cổng để vào nhà ông Mỹ thực hiện ý đồ, hứa sẽ cho Vỹ 2 triệu đồng. Tuy nhiên, khi vào trong nhà, được Tiến giúp sức, Dương đã sát hại cả 6 người.
Đại tá Trần Thắng Phúc, Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước cho biết, các cơ quan tố tụng sẽ làm hết sức để trong vòng 1 tháng có thể đưa vụ án ra xét xử.