Không thể nói là không tinh giản được
Báo cáo gửi Quốc hội mới đây của Bộ Nội vụ đã khiến nhiều đại biểu bất ngờ, vì tuy thực hiện đề án tinh giản biên chế, nhưng mục tiêu từ nay đến năm 2016 về cơ bản là vẫn giữ nguyên. Bộ máy hành chính không những không gọn lại mà càng ngày càng phình to. Phải chăng chúng ta không thể tinh giản được?
Vấn đề phình to biên chế trong các cơ quan Nhà nước bao giờ cũng là vấn đề phức tạp, khó giải quyết của các nền công vụ quản lý nhân lực theo mô hình chức nghiệp. Vì theo mô hình này, người ta tuyển người vào cơ quan số lượng phân theo ngạch, không theo vị trí việc làm có mô tả công việc cụ thể. Ta tuyển dụng theo kiểu áng chừng, kiểu "bốc thuốc" của thầy lang ngày xưa. Không thể nói không tinh giản được biên chế. Vấn đề là xác định công việc như thế nào để chuẩn hóa số người cần.
Bản chất của tinh giản biên chế là tăng hiệu quả, loại bỏ chỗ thừa, phải chăng hệ thống của ta đã hợp lý?
Tinh giản biên chế không có nghĩa là phải giảm mà nhằm làm tinh gọn, tăng chất lượng, năng lực thực thi công vụ. Làm gọn lại số lượng không quá thiếu, không thừa. Ta chưa tinh giản được, không có nghĩa là số lượng đã hợp lý. Điều này ai cũng biết.
Có ý kiến cho rằng, giữ nguyên biên chế hiện nay cho thấy rõ ràng là chưa có cách nào đụng được đến cái khối công chức khổng lồ, lớn gấp 4 lần bộ máy hành chính của Mỹ, nếu xét về số lượng công chức cho mỗi 100 triệu dân (315 triệu dân của Mỹ có 2,1 triệu công chức). Ông có bình luận gì về điều này?
Chủ trương giữ nguyên biên chế, không cho tăng là một chủ trương đã được "Bộ lại" cho biết từ trước. Nếu thiếu biên chế chỗ này chỗ khác thì điều chuyển nội bộ, số về hưu, nghỉ thì được tuyển bổ sung. Trong thời điểm này, cách thức ổn định đội ngũ công chức là đúng đắn có sức thuyết phục vì tính nhân văn của nó. Người ta thường bức xúc trước tình trạng biên chế lớn mà giải quyết công việc chất lượng không cao. Nhưng nếu sa thải số này thì phản ứng của xã hội sẽ ra sao? Dư luận có đồng tình không? Có lẽ không, nên phải chọn cách làm cho phù hợp và không thể nóng vội.
Nhưng so với Mỹ, tôi thấy cũng ái ngại?
Ta có số dân là 90 triệu với 535.000 công chức. Số lượng cán bộ, công chức của chúng ta ít so với số viên chức nhà nước rất nhiều. Nhiều thông tin cho thấy, khối các đơn vị sự nghiệp công, có những cơ quan, trung tâm có người thực hiện công việc ít, hoặc không có việc làm cho họ, như có Trung tâm với mấy chục người chỉ để cai quản 7 người nghiện. Nếu thực hiện phân tích công việc, xây dựng bản mô tả công việc cụ thể cho từng vị trí việc làm và những tính toán chuyên môn khác do đơn vị chuyên nghiệp độc lập tiến hành thì không biết các cơ quan tổ chức trong hệ thống chính trị sẽ xử lý như thế nào với số người được người ta xác định là "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, không hiệu quả gì.
|
TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý Nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia. |
Đội ngũ làm "lùn" chất lượng công vụ
Chuyện những quan chức trước khi về hưu còn làm một "mẻ lưới" vét bằng cách tuyển hay bổ nhiệm hàng chục biên chế mới đây khiến dư luận bất bình. Đây hẳn cũng là nhân tố làm biên chế "phình to"?
Hiện tượng này diễn ra không ít, gây ra những hậu họa khôn lường, mà những người gây ra thường không nghĩ tới hoặc vì "cái lợi bản thân" mà lờ đi. Cái dở nhất là làm bộ máy phình to. To ra về nhân sự, nhiều lên về số người có chức tước và "hoành tráng" về số lượng lớn lên của bộ máy tổ chức. Số này tiêu tốn tiền bạc, của cải, thời gian. Càng bóp càng to. Nguy hại hơn là có những người không đủ tiêu chuẩn, có người dưới ngưỡng yêu cầu vẫn được tuyển, được bổ nhiệm sẽ làm "chậm" sự phát triển chung, làm "lùn" chất lượng công vụ. Vì như nhiều người nói, người kém năng lực làm việc chuyên môn thường lắm "mưu hèn kế bẩn" để tồn tại, "trình độ có hạn, thủ đoạn có thừa".
Tôi thấy cái mất lớn là lòng tin của dân vào hệ thống công chức chứ?
Đúng thế, hại nhất là làm mất lòng tin của công chúng vào nền công vụ, với những cách làm, cách hành xử nhũng nhiễu, tham ô, suy thoái về đạo đức, không thể làm tấm gương tốt.
Để khắc phục điều này, nâng cao trách nhiệm, đánh thức lương tâm của đội ngũ công chức liệu có hiệu quả?
Chắc chắn là không được, nhưng lại rất cần phải đánh thức lương tâm, trách nhiệm. Vì nếu những ai có trách nhiệm, lương tâm thì đã không làm thế, mà đã làm thế thì không có trách nhiệm, vô lương tâm. Những người này không thể chỉ nâng cao và đánh thức mà được. Người ta chỉ nâng cao và đánh thức những ai thiếu trách nhiệm, sa ngã, thiếu tự chủ.
Trong một nền hành chính, số lượng công chức là bao nhiêu người có quan trọng không?
Rất quan trọng vì nó đảm bảo sự cân bằng, cân đối trong sử dụng nguồn lực công. Đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động công vụ, sử dụng đúng đắn tiền thuế của nhân dân, tài nguyên của đất nước. Về tỷ lệ cán bộ, công chức, có lần Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, cuối năm 2011 cả nước có hơn 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (chiếm hơn 3% tổng dân số). Còn nếu tính lực lượng hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước thì có khoảng 7,5 triệu người. Trong khi, ở Nga tỷ lệ cán bộ, công chức là 8,6%, Argentina 6,5%, Trung Quốc 2,8%...
Dân khó mà tin
Tình trạng tinh giản biên chế bằng cách giữ nguyên số lượng biên chế hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả gì?
Tại kỳ họp Quốc hội khóa XII cuối năm 2010, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về tăng biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, trong giai đoạn 2001 - 2010, biên chế Trung ương tăng 7,4%, biên chế địa phương tăng 41,2%. Trong 10 năm, biên chế chung tăng 52.221 người (hơn 25%). Như vậy, nếu không kìm giữ biên chế ổn định thì nó sẽ tiếp tục tăng, nhưng điều không hay có thể xảy ra là chất lượng thực thi công việc chưa chắc tăng theo.
Theo như ông vẫn chia sẻ thì rõ ràng chất lượng thực thi công vụ chưa tăng?
Đúng thế. Nhưng đừng kiềm chế một cách cơ học về số lượng, hô hào là không tăng biên chế, mà để nâng cao chất lượng thực thi công vụ thì phải đưa những người có năng lực thực sự vào hệ thống, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển công vụ. Cứ thử hỏi những người trực tiếp tiếp xúc với các thủ tục hành chính, những người bị "hành", sẽ ra ngay con số. Trong khi đó, "chạy" vào nhà nước bao nhiêu tiền thì ai cũng biết.
Còn nếu ngược lại thì sao thưa ông?
Nếu không tuyển được những cá nhân có tài năng vào công vụ, thì vẫn với những con người ấy, năng lực ấy có thể thấy chất lượng thực thi công vụ sẽ chưa được cải thiện, khó phát triển mạnh mẽ. Nếu không có sự đột biến thay đổi về thể chế, chính sách thì chỉ có thể giữ cho hoạt động công vụ ổn định, khó tạo ra sự biến chuyển, phát triển lớn. Và như thế khó có thể tạo được niềm tin, củng cố được niềm tin của công chúng vào công vụ.
Xin cảm ơn ông!
Vì sao bộ máy của ta ngày càng phình to như vậy? Cả xã hội đều biết. Đó là nạn chạy chỗ làm, chạy chức, chạy quyền. Không một người dân nào còn lạ gì cái giá của một chỗ làm trong bộ máy hành chính cấp huyện bao nhiêu triệu, cấp tỉnh, cấp bộ bao nhiêu triệu. Mà các giải pháp đến nay cũng mới chỉ hô hào phải nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đánh thức lương tâm của đội ngũ cán bộ công chức...