Vụ việc Chương trình Chuyển động 24h của VTV 24 - Đài truyền hình Việt Nam liên tiếp phát những phóng sự điều tra chứng minh giấy khai sinh 1995 của Công Phượng là gian lận vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, nhiều khán giả vẫn thấy những tư liệu mà VTV24 đăng phát để chứng minh giấy khai sinh năm 1995 của Công Phương hoàn toàn không có giá trị về mặt pháp luật là thiếu thuyết phục.
Dư luận cũng chưa có câu trả lời rõ ràng mục đích của chương trình, nhất là khi trên fanpage Facebook của Trung tâm tin tức VTV24 đã có một status mang tính “miệt thị” cầu thủ này. Áp lực mà chương trình mang lại cho Công Phượng và gia đình là rất lớn.
Trong khi nhiều ý kiến gay gắt với chương trình trên khi “công kích” một cầu thủ trẻ vừa mới bộc lộ chút ít tài năng thì nhiều ý kiến khác lại đặt ngược câu hỏi: “Nếu Công Phượng không phải sinh năm 1995, dù biết tuổi thật của mình nhưng Công Phượng vì mục đích gì đó đã im lặng thì Công Phượng và những người liên quan sẽ bị xử lý ra sao?"; "Nếu VTV24 đăng phát những tư liệu chứng minh Công Phượng không phải sinh năm 1995 nhưng kết luận từ cơ quan chức năng khẳng định Công Phượng sinh năm này thì chương trình này sẽ phải làm gì để chuộc lỗi khi công bố “bí mật đời tư” của Công Phượng?".
|
Chương trình Chuyển động 24h nói về vụ Công Phượng. |
Luật sư Hoàng Cao Sang, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật đã có sự phân tích liên quan đến vụ việc này.
Theo luật sư Sang nhìn nhận, mấy ngày gần đây dư luận lên án cách làm của VTV24 vì đã đưa thông tin, giấy tờ, tài liệu về năm sinh, hộ khẩu… của Công Phượng, có người cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật. "Tôi cho rằng dư luận phản ứng có hai lý do chính, một là tình yêu dành cho Công Phượng, hai là cách làm mang tính quy chụp của VTV dẫn đến người xem thấy phản cảm", ông Sang nói.
“Ở đây tôi không phân tích theo việc yêu hay không yêu mà tôi chỉ phân tích về khía cạnh mang tính pháp quy. Dưới góc độ pháp luật thì tôi cho rằng VTV24 hoàn toàn có quyền tự tìm hiểu về sự vụ và đưa thông tin đó lên khi dư luận đang có những nghi ngờ về việc gian lận tuổi của Công Phượng. Bởi lẽ, cơ quan báo chí có quyền và nghĩa vụ đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác (Khoản 4, điều 6 của Luật Báo chí), mà hành vi gian lận tuổi vừa vi phạm pháp luật vừa mang tính tiêu cực xã hội.
Chúng ta phải hiểu là quyền bí mật đời tư có nghĩa là không ai được quyền đưa những thông tin, câu chuyện của người khác khi những thông tin đó không liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật, không mang tính tiêu cực xã hội. Ví dụ anh đi thi đấu thể thao quốc tế, mà môn đó quy định cho lứa tuổi 19 mà anh trên 20 tuổi, rồi người ta nghi ngờ anh người ta điều tra làm rõ thì anh bảo đây là đời tư và cho là bị xâm phạm đời tư là không đúng. Hơn nữa, tinh thần thể thao là giao lưu, trung thực được đặt lên hàng đầu.
|
Luật sư Hoàng Cao Sang. |
“Qua báo chí tôi nhận thấy trong giấy khai sinh của Công Phượng có nhiều nghi vấn về giá trị pháp lý cho việc chứng minh Công Phượng sinh năm 1995. Bởi lẽ, trong giấy khai sinh của Công Phượng không ghi số và quyển, mà những thông tin này là những cơ sở gốc để xác nhận giấy khai sinh này có cấp đúng thủ tục, đúng thời gian hay không?. Bên cạnh đó, một số điều cũng đáng lưu ý trong quá trình xác định tuổi của Công Phượng sinh năm 1995 là sự chỉnh sửa trong hộ khẩu, làm lại giấy khai sinh năm 2010 của xã Mỹ Sơn.
Nhưng chỉ dựa trên những chứng cứ trên để khẳng định Công Phượng không phải sinh năm 1995 mà sinh năm 1993 là không có cơ sở, cần phải có nhiều chứng cứ khác để chứng minh việc này. Tôi cho rằng VTV chỉ nên đưa ra những nghi ngờ về độ tuổi khi nói về Công Phượng và cần làm rõ thêm”, Luật sư Sang cho hay.
“Nếu có căn cứ để khẳng định Công Phượng khai gian tuổi thì Công Phượng có thể bị phạt bằng cách không được chơi bóng ở bất kỳ giải đấu nào từ 1 đến 5 năm, tùy theo mức độ nghiêm trọng và sự phán quyết của Ban kỷ luật Liên Đoàn bóng đá Việt Nam và sự giám sát của Liên Đoàn bóng đá châu Á. Ngoài Công Phượng, huấn luyện viên của Công Phượng cũng sẽ bị xem xét kỷ luật là cấm làm huấn luyện viên từ 1 đến 5 năm. Và trưởng Đoàn cũng phải chịu mức hình phạt tương tư huấn luyện viên. Đối với CLB Hoàng Anh Gia Lai thì có trách nhiệm chi trả chi phí cho việc điều tra việc gian lận này. Nhưng tôi cho rằng hậu quả đáng sợ là người hâm mộ mất niềm tin vào Công Phượng và CLB Hoàng Anh Gia Lai. Đây là án phạt gấp ngàn lần án phạt của VFF dành cho Công Phượng và CLB Hoàng Anh Gia Lai.
Bên cạnh đó, nếu cơ quan chức năng ra kết luận có hiệu lực pháp luật là Công Phượng sinh năm 1995, không có việc gian lận tuổi thì VTV phải bồi thường thiệt hại cho Công Phượng và phải đăng tin công khai xin lỗi. Và án phạt dư luận dành cho VTV cũng không phải nhẹ”, Luật sư Sang nhận định thêm.
Theo Quy định về kỷ luật của VFF tại Khoản 2, điều 52: Giả mạo và làm sai lệch hồ sơ nêu rõ: Cầu thủ khai man tuổi dưới mọi hình thức, án phạt dành cho cầu thủ này sẽ là từ 1 đến 5 năm không được chơi bóng ở bất cứ giải đấu nào.
Trưởng đoàn, huấn luyện viên cũng sẽ bị cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm và đội bóng có cầu thủ bị gian lận về tuổi cũng sẽ phải nộp phạt khoản tiền từ 25 đến 50 triệu đồng. CLB, đội bóng chịu trách nhiệm chi trả các chi phí phát sinh trong quá trình điều tra gian lận.