Luân chuyển cán bộ: Vận dụng kiểu “lợi dụng”

Google News

(Kiến Thức) - Theo ông Bùi Văn Nhơn, chính sách điều động, luân chuyển cán bộ là một chính sách rất tốt để rèn luyện, thử thách, nâng cao năng lực cho cán bộ. 

Nhưng đáng buồn là có những người, những nơi vận dụng theo kiểu “lợi dụng” để phục vụ cho những mục đích cá nhân, có thể là lợi ích nhóm, gây nên sự không đồng tình của dư luận.
Chuyện không mới
- Câu chuyện về trưởng phòng giáo dục thị xã “không chịu ngồi ghế” bí thư phường ở Cửa Lò (Nghệ An) thời gian qua khiến dư luận khá quan tâm. Theo đó, ông Nguyễn Văn Tuân, trưởng phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò được luân chuyển sang làm bí thư Đảng ủy phường Nghi Thu (theo quy hoạch sẽ lên làm Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, phụ trách văn hóa – xã hội). Ông Phùng Đức Nhân, Bí thư phường Nghi Thu, lên làm trưởng phòng GD&ĐT thị xã Cửa Lò thay vị trí của ông Tuân. Hai người ở hai chuyên môn khác nhau được luân chuyển đến hai vị trí trái ngược, ông có bình luận gì về câu chuyện này?
Luan chuyen can bo: Van dung kieu “loi dung”
Ông Bùi Văn Nhơn, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính. 
- Đây không phải là điều gì mới cả. Việc điều động, luân chuyển cán bộ là chính sách tốt của Đảng, Nhà nước để nâng cao chất lượng cán bộ. Nhưng trong việc triển khai thực tiễn thì lại xuất hiện những tồn tại, mặt trái để một số cán bộ lợi dụng phục vụ cho lợi ích riêng. Đó là một hiện tượng trong bộ máy đã tồn tại từ lâu. Người ta vận dụng kiểu lợi dụng. Còn có ý đồ gì sau đó hay không thì rất khó nói.
- Theo quy định chung thì việc luân chuyển đó có vi phạm không?
- Không hề vi phạm bất cứ điều gì. Theo Luật cán bộ công chức thì cán bộ công chức phải tuân thủ sự điều động của tổ chức. Điều lệ Đảng cũng quy định Đảng viên phải tuân theo sự phân công của tổ chức. Quy định của Nhà nước cũng vậy. Thế nên không thể nói việc luân chuyển như vậy là đúng hay sai.
- Nhưng điều bất cập trong câu chuyện này là gì?
- Người ta có thể vận dụng quy định đó cho mục đích nào đó mà mình không biết. Hiện tượng này thực ra cũng đã phổ biến từ lâu rồi, nó không phải là cá biệt. Ở cấp nào cũng thế thôi. Nên nhiều khi có người nói đùa, muốn “cho chết luôn” thì cứ luân chuyển. Cũng có người luân chuyển là để đi lên, nhưng cũng có người luân chuyển là bị “đi xuống” đấy.
- Rõ ràng là trong câu chuyện luân chuyển này có vấn đề?
- Vấn đề nằm trong cách vận dụng chứ không phải trong quy định.
- Bản thân tôi thì thấy rất khó hiểu?
- Thì có gì đâu. Quy định về sử dụng cán bộ thì cũng chỉ nói chung chung chứ chưa trở thành luật. Nói chung chung về chuyên môn, phẩm chất đạo đức thôi. Mà ở trên cao thế thì dưới thấp cũng như thế thôi. Không trách địa phương được.
Thế nào cũng được
- Việc đưa một người không có kinh nghiệm, kiến thức vào làm ở một vị trí yêu cầu phải có chuyên môn, khách quan mà nói liệu có hợp lý?
- Về mặt quản lý thì có hai quan điểm. Xưa nay vẫn bảo quản lý không nhất thiết phải giỏi chuyên môn, chỉ cần nắm được định hướng và có kỹ năng lãnh đạo là được. Một quan điểm khác thì cho rằng cần phải có hiểu biết chuyên môn trong lĩnh vực đó thì mới quản lý sâu sắc được. Lãnh đạo ngành giao thông thì phải hiểu biết một tí về cầu, đường thì mới đưa ra được chính sách đúng, sát với thực tiễn. Tất nhiên là chuyên môn đã có chuyên gia làm, nhưng phải hiểu để lựa chọn phương án. Nên trong câu chuyện ở Cửa Lò, bây giờ mà phê phán người được luân chuyển là không có chuyên môn thì cũng rất khó. Nếu đem ra mà cái nhau thì cực kỳ khó.
- Tôi tưởng là theo quy định, trước khi đề bạt hay điều động luân chuyển, tổ chức phải thông qua ý kiến của người được đề bạt, điều động luân chuyển?
- Thường là thế, nhưng đó không phải là yếu tố mang tính quyết định mà chỉ dùng để thông báo. Người đó không đồng ý cũng không được, vì đó là sự phân công của tổ chức. Vì cán bộ công chức, đảng viên phải tuân thủ sự phân công đó. Trong luật không quy định rõ người được điều động luân chuyển đó phải đồng ý thì quyết định mới có hiệu lực.
- Trong chuyện này thì nó là cái gì mà khó hiểu quá?
- Tôi nghĩ thì nó chỉ là vấn đề lợi ích của từng vị trí mà thôi, còn chuyên môn nghề nghiệp chỉ là một chuyện. Nguyên nhân sâu xa nó là cái gì thì mình không biết, mà cũng không nói được. Còn thông tin bên ngoài thì mình cũng chỉ biết là như thế thôi. Thông tin ngoài lề tôi biết nhiều người ở những vị trí cao hơn, nhưng do “bị không thích” nên bị đẩy đi chỗ khác, rồi sự nghiệp cứ lụi đi thôi. Luân chuyển hay được cho đi học, nhiều khi cũng không phải là cái gì đáng mừng.
- Người được luân chuyển không muốn luân chuyển vì sai chuyên môn, liệu có kiện được không?
- Có mà “kiện củ khoai”.
- Theo ông đánh giá thì vị trí trưởng phòng giáo dục với bí thư phường, vị trí nào “có giá” hơn?
- Tôi nghĩ chuyên này do báo chí đưa lên, may ra có lãnh đạo nào đó quan tâm thì xử lý được, còn không thì không làm gì được. Nên rất khó để nói vị trí nào là “có giá” hơn. Hoặc có biết cũng khó nói.
“Phấn đấu không tốt” thì không “lên” được
- Nhưng một người tâm huyết với giáo dục, có nguyện vọng được tiếp tục cống hiến mà không được, thì có lẽ hơi phí?
- Thực ra nói thế cũng không hoàn toàn đúng hay sai. Anh say sưa thì cũng có người khác say sưa hơn anh. Tổ chức luân chuyển anh là để cất nhắc lên những vị trí cao hơn cơ mà? Cớ gì mà không nhận? Về lý thuyết thì không ai nói được gì trong câu chuyện này. Mọi việc đều được làm đúng quy trình, đúng quy định hết.
- Phải chăng tồn tại trong chuyện luân chuyển cán bộ không phải là mới, và cũng không hiếm?
- Đúng là nó có chuyện lợi dụng trong đó. Người ta có thể lợi dụng để sắp xếp cán bộ cho mình, ủng hộ những nhân vật của mình để lên cao hơn nữa.
- Hiện có quy định nào về việc luân chuyển sai thì bị xử lý?
- Làm gì có quy định nào như thế, việc luân chuyển là quyết định của cả tập thể, nhiều cấp, của tổ chức, Đảng ủy. Còn sau khi luân chuyển mà không phấn đấu được thì là do cán bộ làm không tốt chứ không phải là do luân chuyển .
- Giả sử người được luân chuyển mà không đi thì sao?
- Thì sẽ bị kỷ luật, vì nguyên tắc này buộc cán bộ công chức phải tuân thủ.
- Việc kỷ luật ấy liệu có “oan”?
- Không oan về luật pháp và các quy định. Nó khó là thế. Nhưng về tình thì có những cái cần phải nghĩ. Người ta đặt câu hỏi phải chăng bên trong nó là vấn đề lợi ích mà người ta giấu đi.
- Câu chuyện về cán bộ tôi thấy phức tạp quá?
- Tất nhiên rồi. Có ông làm tổ chức cán bộ về hưu rồi bảo làm tổ chức khó, thích A bảo A, thích B bảo B. Cần đưa người trẻ lên thì bảo người trẻ mới có sức chiến đấu, khi muốn đưa người lớn tuổi lên thì bảo vị trí này cần có kinh nghiệm, muốn đưa một tiến sỹ lên thì bảo vị trí này cần có trình độ cao, nhưng đưa người khác lên thì bảo cái nảy phẩm chất đạo đức quan trọng hơn... Tôi nói thế để thấy sự phức tạp.
- Phải chăng đó cũng chính là một dạng của tham nhũng?
- Đúng, người ta vận dụng để đem lại lợi ích cho cá nhân, nhóm nào đó, thì chính là tham nhũng rồi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Cho rằng việc điều chuyển vị trí công tác không hợp lý nên từ ngày 27/11, dù ban thường vụ và các phòng ban liên quan đã tổ chức họp về vấn đề này nhưng ông Tuân vẫn giữ quan điểm, quyết không chịu rời ghế trưởng phòng giáo dục. Ông Hoàng Sỹ Cường, Trưởng ban Tổ chức thị ủy Cửa Lò cho biết tới đây, ban thường vụ sẽ yêu cầu đồng chí Tuân chuyển phòng và bàn giao công việc. Nếu sau đó đồng chí Tuân cứ khăng khăng không thực hiện thì buộc ủy ban kiểm tra Thị ủy vào cuộc và phải tiến hành kỷ luật.
Tô Hội

Bình luận(0)