HN chặt 6.700 cây xanh: Chính quyền quyết tâm, dân tiếc nuối

Google News

(Kiến Thức) - Hơn 6.700 cây xanh đã và đang bị đốn hạ, chính quyền thủ đô quyết tâm thực hiện bao nhiêu thì hàng triệu người dân lại tiếc nuối bấy nhiêu.

Quyết định thay thế, trồng lại hơn 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố của Hà Nội đang gây nhiều tranh cãi. Theo Sở Xây dựng đề xuất xin nguồn kinh phí từ ngân sách 73 tỷ đồng để thay thế 6.700 cây, số kinh phí còn lại chủ yếu được huy động bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Nói về lý do thực hiện việc chặt hạ, thay thế hàng loạt cây xanh nói trên, trả lời trên báo chí, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Phan Đăng Long cho biết, hiện cây xanh trồng trên đường phố rất tạp, rất nhiều cây đổ, gây tai nạn… Ban đầu thành phố không hiểu biết về cây xanh đô thị, nhiều khi trồng lung tung, thậm chí để người dân trồng. Sau này tìm hiểu ra mới rõ ở đô thị thì cây phải có những tiêu chuẩn cụ thể. Trên cơ sở đó, công ty Công viên cây xanh đã tìm hiểu và thay thế.
"Muốn tạo ra đô thị văn minh hiện đại, trồng cây cũng theo quy hoạch để có 1 đô thị trong 10-15 năm nữa, tương lai đẹp và thực sự thích. Cái đó cũng phải hy sinh bước đầu, chấp nhận chặt hạ một số cây ở một số tuyến phố. Chuyện này không phải chuyện gì lạ đối với các nước đô thị phát triển”, ông Long nhìn nhận.
HN chat 6.700 cay xanh: Chinh quyen quyet tam, dan tiec nuoi
 Hơn 6700 cây xanh Hà Nội đã đang và sẽ bị đốn ngã.
Dù Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã lý giải nhưng phát ngôn của ông càng khiến dư luận xôn xao. Nhiều ý kiến tỏ ra khá gay gắt khi cho rằng, chỉ một quyết định mà hàng nghìn cây phải chặt hạ, kể cả những cây khỏe mạnh, xanh tốt. 
"Việc Thành phố tự đưa ra quyết định mà không tham khảo ý kiến người dân là quá vội vàng. Tôi cho rằng việc chặt hạ hàng loạt cây xanh không mang lại cho thủ đô diện mạo mới, ngược lại còn khiến nhiều con đường trơ trụi toàn bê tông và khói bụi. Chưa kể để thực hiện đề án này, phải mất khoản kinh phí lớn lên đến gần trăm tỷ đồng. Lãng phí tiền bạc và thậm chí lãng phí cả sức khỏe của người dân khi môi trường sống bị ảnh hưởng, chí ít là đến 15 năm sau khi hàng nghìn cây mới trồng mới có thể phủ xanh đô thị", ông Nguyễn Mạnh Tiến (ở Kim Liên, Hà Nội) nêu quan điểm.
Nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng gửi thư ngỏ tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Trong bức thư, ông Tuấn kiến nghị tạm dừng việc hạ chặt cây xanh một thời gian để người dân tự kiểm tra; thông báo trên báo chí cho mọi người biết có bao nhiêu cây như vậy ở trên mỗi tuyến phố cụ thể; đánh dấu nhận biết 6.700 cây đó để người dân bằng mắt mình kiểm nghiệm và thấy việc này thoả đáng không; để các nhà khoa học và người dân đưa ra ý kiến của mình về việc nên giữ lại hay bỏ những cây gì; làm rõ chọn cây mới trên cơ sở gì, khía cạnh kinh phí như thế nào.
Trong khi đó, nhiều người dân thủ đô khi đi qua một số tuyến phố Hà Nội nơi các cây cổ thụ đang bị đốn hạ đã không khỏi đau đớn, xót xa.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, so với các tỉnh thành khác, Hà Nội được biết đến là thủ đô xanh. Vậy mà giờ đây, ngay ở giữa thủ đô này, nhiều tuyến phố như đại công trường khi hàng loạt cây bị cưa đổ, chẳng khác nào những hình ảnh cây rừng bị tàn phá", bác Nguyễn Văn Nam (Quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
GS Văn Như Cương, người có phần lớn cuộc đời gắn bó với Hà Nội trao đổi với PV Kiến Thức về đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh cũng tỏ ra tiếc nuối.
“Tôi rất tiếc về việc này khi nhiều hàng cây ở thủ đô cũng có mấy chục năm tuổi, thậm chí có cây trải qua hai, ba đời người. Trong đó nhiều cây đến giờ vẫn to khỏe mà vẫn bị đốn hạ là điều đáng tiếc. Trước đây, muốn duy tu bảo dưỡng cây người ta thường chặt cành, những cây mối mọt thì người ta đào đi và trồng lại. Thực tế có trường hợp cây đổ trong mưa gió đè lên xe làm chết người nhưng lỗi là do người kiểm tra thiếu trách nhiệm. Họ phải biết cây nào sâu để cắt tỉa, chặt hạ trước. Hiện, có nhiều cách làm hay hơn là chặt số lượng cây lớn như vậy nếu chúng ta có chiến dịch, thực hiện cẩn thận", GS Văn Như Cương nhìn nhận.
Theo GS Văn Như Cương, hiện nay điều cần làm là cần nghiên cứu cho kỹ để tránh lãng phí mà được lòng dân. 
"Người ta nói tiền xã hội hóa nhưng đều là tiền cả và xét cho cùng là sự lãng phí. Hơn nữa, cái mất của người dân là mất đi một lượng cây lâu năm mà phải vài chục năm nữa thậm chí vài trăm năm nữa mới có được. Khi ra quyết định nào có ảnh hưởng đến người dân thì TP nên lắng nghe lấy ý kiến. Tôi tin nếu được ký tên trong thư ngỏ của nhà báo Trần Đăng Tuấn, lượng lớn người dân sẽ sẵn sàng. Tôi chỉ mong thành phố dừng lại, sửa kế hoạch làm sao cố giữ được những cây khỏe, chắc để không gian, cảnh quan thành phố mãi là “thủ đô xanh”", GS nói.
Rà soát lại việc cải tạo thay thế một số cây xanh

Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị. Đồng thời, Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai.

Hải Ninh

Bình luận(0)