Dương Chí Dũng tuyên bố “đến chết không nhận tội“

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều người băn khoăn số phận Dương Chí Dũng sẽ ra sao khi gia đình Dũng đã nộp 4,7 tỉ tiền khắc phục hậu quả. Đây chắc chắn là một tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

17h39, Toà kết thúc ngày xét xử thứ nhất. Chủ toạ Nguyễn Văn Sơn thông báo, đúng 8h sáng mai, 23/4, Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.
16h33, Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, biên bản báo cáo giám định của đăng kiểm viên Lê Văn Dương không sai, kết luận đề xuất của Dương trong văn bản này cũng đúng.
16h29, Đại diện Vinalines cho rằng, bình quân 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ngày để bảo quản ụ nổi; đã có chủ trương bán ụ nổi để thu hồi vốn nhưng do cơ quan điều tra cho rằng, đây là vật chứng liên quan đến vụ án, do vậy, phải chờ giải quyết xong vụ việc.
16h24, Cán bộ hải quan Lê Ngọc Triện "kể khổ" (về hoàn cảnh gia đình), qua đó xin HỘI ĐỒNG XÉT XỬ giảm án, giảm mức bồi thường dân sự khi cho rằng, bồi thường 9 tỷ đồng là quá lớn.
16h15, bị cáo Lê Văn Lừng (cựu cán bộ hải quan Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) xin giảm án với lý do vợ ung thư, bố mẹ già yếu.
16h02, bị cáo Đức lập luận, nếu bản thân có động cơ, mục đích thì đã có việc tư lợi, nhận tiền chứ không thể cố sức để một món hàng như ụ nổi 83M được thông quan. Nói cách khác, bị cáo nhận thức chưa chuẩn nên dẫn đến sai sót.
15h54, về việc áp mã số ụ nổi, bị cáo Huỳnh Hữu Đức khẳng định đây là loại hàng hóa thông thường, không cần giấy phép của Bộ quản lý chuyên ngành cũng như giấy chứng nhận đảm bảo ô nhiễm môi trường. Vậy nên bị cáo và các đồng phạm đã cho phép thông quan.
Về quy định tuổi thọ của tàu biển, ụ nổi, tòa cho rằng làm hải quan, các bị cáo buộc phải biết điều này...
15h43, Hội đồng xét xử yêu cầu dẫn giải ba bị cáo bị cách ly sáng nay là Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng ra trước vành móng ngựa để thẩm vấn; yêu cầu chuyển các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và Trần Hải Sơn sang phòng bên cạnh để đảm bảo công tác xét xử.
14h45, Hội đồng xét xử yêu cầu Trần Hải Sơn xác nhận lại xem trong quá trình điều tra, bị cáo có bị ép cung, mớm cung hay không. Ông Sơn khẳng định không hề bị bất cứ tác động nào đến các lời khai trong quá trình điều tra.
14h42, HĐXX hỏi ông Mai Văn Phúc rằng, trong 4 người bị xét xử tội tham ô, người ở cương vị thấp hơn ông Phúc cũng có tiền bồi dưỡng mà ông không có thì vô lý không? Suy nghĩ gì?
Bị cáo Mai Văn Phúc bác bỏ, khẳng định không biết việc đó và những người khác ăn chia xong rồi thì bị cáo mới về nhận chức. Tuy nhiên, ông vẫn thừa nhận những sai phạm ở Vinalines có phần trách nhiệm của mình.
14h07, Ông Trần Hữu Chiều khai nhận tham gia khảo sát mua ụ nổi 83M và đoàn công tác không phân công ai là trưởng đoàn.
14h, phiên xét xử Dương Chí Dũng cùng đồng phạm tiếp tục.
11h20, HĐXX chuyển sang thẩm vấn cựu Tổng giám đốc Vinalines - Mai 
Văn Phúc.
Bị cáo Phúc cho rằng mình không phạm tội "Tham ô tài sản" vì "không nhận bất cứ đồng nào từ phía Trần Hải Sơn" liên quan đến số tiền 1,66 triệu USD.
11h13, về lý do xin giảm án tội Tham ô, bị cáo Trần Hải Sơn cho rằng, mình đã khai nhận toàn bộ sự thật vụ án và khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên khi Tòa hỏi “Bị cáo đã khắc phục được bao nhiêu rồi?”, bị cáo Sơn nói rằng “Bị cáo không rõ gia đình đã xử lý như thế nào ạ”.
11h11, bị cáo Trần Hải Sơn tỏ ra khá ấp úng khi trả lời các câu hỏi từ phía HĐXX về hành vi đưa tiền cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.
11h08, tại tòa, bị cáo Trần Hải Sơn tiếp tục khẳng định đã đưa cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người 10 tỷ đồng.
11h03, phát biểu tại tòa, bị cáo Trần Hải Sơn nói rằng, lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng là không đúng.
Bị cáo Trần Hải Sơn xin giảm án ở tội Cố ý làm trái và Tham ô. Ở tội Cố ý làm trái, bị cáo cho rằng mình chỉ vi phạm ở việc ký nháy vào văn bản mua ụ nổi. "Đây là một trong những quy trình của cơ quan để mua ụ nổi", bị cáo Sơn nói.
10h52, thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn, chủ tọa phiên tòa hỏi: "Khi tham gia đoàn khảo sát mua ụ nổi, ai là trưởng đoàn?
- “Dạ, anh Trần Hữu Chiều ạ", bị cáo Hải Sơn trả lời.
Theo bị cáo Trần Hải Sơn, ông Chiều chịu trách nhiệm về đoàn khảo sát, và là người ký biên bản với các bên liên quan.
10:46, Tòa tạm cho Dương Chí Dũng nghỉ và chuyển sang thẩm vấn bị cáo Trần Hải Sơn.
10h40, trả lời luật sư Ngô Ngọc Thủy, bị cáo Dũng mong muốn được Tòa làm rõ phía công ty ở Nga, và Singapore liên quan đến số tiền hơn 1,66 triệu USD. "Nếu họ có tài liệu chứng minh bị cáo nhận tiền này, bị cáo xin nhận luôn án tử hình ạ" - ông Dũng quả quyết.
10h36, luật sư Trần Đình Triển tham gia xét hỏi bị cáo Dương Chí Dũng. Cũng theo luật sư Triển, quá trình điều tra, ông Dũng có văn bản đề nghị cơ quan điều tra tiến hành kê danh sách cuộc gọi giữa ông Dũng và Trần Hải Sơn, nhưng trong hồ sơ không thấy tài liệu này.
Lập tức, luật sư Triển bị Chủ tọa nhắc nhở: "Đề nghị luật sư đặt câu hỏi, không phân tích". 
10h26, theo bị cáo Dũng, khi vụ án khởi tố, ông này đã "quá sai" khi quyết định bỏ trốn sang Campuchia để tạm lánh. Ông Dũng cũng cho rằng, còn nhiều điều ở phiên sơ thẩm chưa được làm sáng tỏ và tiếp tục cho rằng mình không phạm tội tham ô.
10h20, HĐXX hỏi bị cáo Dương Chí Dũng:
- Bị cáo có nhận tiền của Sơn không?
- Dạ, bị cáo có trời đất biết, chỉ là ngày tết ngày nhất, anh ấy đến biếu chai rượu, phong bì tết thôi, chứ không có số tiền hàng tỷ như vậy ạ. Để xảy ra tội cố ý làm trái, và tham ô trong cơ quan, bị cáo được Đảng, Nhà nước giao phó, do vậy, bị cáo cảm thấy có lỗi, nên bán hết tài sản, đã nộp lại 4,7 tỷ đồng.
- Đến nay, Tòa chưa nhận được bất cứ tài liệu thể hiện việc bị cáo khắc phục 4,7 tỷ này. Vậy bị cáo khắc phục số tiền đó cho tội nào? Cố ý làm trái hay Tham ô?.
- Dạ, bị cáo cứ khắc phục chung thế, chứ không cụ thể ở tội nào ạ...
10h08, tiếp tục thẩm vấn bị cáo Dũng, chủ tọa hỏi:
- Thế bị cáo muốn xin giảm án về tội cố ý làm trái, lý do là gì?
- Dạ, bị cáo chỉ là người đại diện HĐQT, cũng không can thiệp, chỉ đạo vào bất cứ việc gì của Tổng giám đốc khi triển khai mua ụ nổi.
10h06, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn hỏi: “Chi phí việc mua ụ là bao nhiêu?"
Bị cáo Dũng nói: “Dạ, theo báo cáo của Tổng Giám đốc là trên 26 triệu USD, cả mua và sửa chữa".
"Thế tiền lấy ở đâu" - chủ tọa tiếp. "Dạ, ban đầu là vay vốn ngân hàng, sau đó thành lập công ty cổ phần, lấy nguồn thu của công ty để trả nợ" - bị cáo Dũng đáp.
"Bị cáo thấy thế nào về hậu quả hơn 300 tỷ do mua ụ"? "Dạ, bị cáo thấy sai rồi ạ", Dương Chí Dũng nói.
10h, khai tại tòa, Dương Chí Dũng cho biết, theo tính toán, chi phí đưa ụ về, kể cả sửa chữa là 26 triệu USD. Tiền đầu tư là đi vay ngân hàng. Sau này, phương án trả nợ là thành lập công ty cổ phần để huy động vốn, bù đắp lại.
9h55, Tòa hỏi việc lập đoàn khảo sát ụ nổi 83M. Dương Chí Dũng cho biết, đây là một hạng mục của nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Khi nhà máy chưa được bổ sung vào quy hoạch mà đã tiến hành việc mua ụ nổi, Dương Chí Dũng xác nhận là không đúng quy trình. Lý do làm ngược quy trình là vì khi đó phía Nga rao bán ụ này. Khi đó, Vinashin đã mua về 2 ụ nhưng đều bị chìm đắm trong quá trình lai dắt về Việt Nam.
Bị cáo Dương Chí Dũng đổ cho Mai Văn Phúc là quyết định mua ụ nổi 83M.
Dương Chí Dũng nói khi đó bị cáo đề nghị mua ụ ở Na Uy vì còn mới nhưng không hiểu sao sau đó Tổng Giám đốc trình lên lại là ụ 83M. Có nhiều ụ nổi khác cũng được chào hàng thời điểm đó nhưng việc quyết định khảo sát ụ 83M, Dương Chí Dũng cũng khẳng định là do Mai Văn Phúc.
Trước khi đoàn khảo sát đi, cựu Chủ tịch Vinalines khẳng định không chỉ đạo về việc mua hay không mua ụ nổi với bất cứ ai. Khi anh em về báo cáo kết quả khảo sát, biếu cả một chai rượu, bị cáo cũng không hỏi rõ hơn thông tin gì. Bị cáo chỉ biết, ụ này đáp ứng yêu cầu nâng đỡ tàu 50.000 tấn, mua ụ cũ thì đỡ tiền đi vay.
Mục đích đưa ụ nổi về trước khi xây dựng nhà máy là để sửa chữa xong thì cho thuê để khai thác luôn. Ụ được đưa về neo đậu ở Đồng Nai (gần vị trí dự định làm nhà máy).
Khi đưa được về, đúng thời điểm xảy ra vụ Vedan nên việc thẩm định đánh giá tác động môi trường bị đình lại 2 năm. Và thực tế, cho đến bây giờ, ụ vẫn chưa được sửa chữa, chỉ là khối sắt phế liệu khổng lồ vẫn không ngừng gây tốn kém, bán thanh lý cũng không được.
9h48, bị cáo Dương Chí Dũng cho biết, sẽ bổ sung thêm yêu cầu kháng cáo và trình bày trong quá trình xét xử vụ án. Bị cáo sẽ quyết chống án đến cùng tội tham ô. Theo bị cáo, ở cương vị chủ tịch HĐQT Vinalines, việc để xảy ra việc "lại quả" là có lỗi, tuy nhiên bị cáo cho rằng việc kết tội này liên quan danh dự nên bị cáo "đến chết cũng không nhận tội".
9h47, Dương Chí Dũng khai, chủ trương đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam từ năm 2006, khi đó Dương Chí Dũng đang là Tổng GĐ Vinalines. Dự án triển khai sau khi HĐQT có văn bản báo cáo Bộ GTVT vì coi như báo cáo là được chấp nhận.
Văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng là “đồng ý về nguyên tắc”, Dương Chí Dũng cho rằng như thế là được triển khai. Tuy nhiên, văn bản này cũng nêu yêu cầu phải bổ sung dự án vào quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu biển. Về điểm này, Dương Chí Dũng nhận là sai, làm trái chỉ đạo Thủ tướng.
Mai Văn Phúc cũng biết về văn bản này và cũng không đề cập việc triển khai là trái ý kiến Thủ tướng.
Dương Chí Dũng tuyên bố "đến chết không nhận tội". 
9h44, trước khi thẩm vấn, chủ tọa phiên tòa yêu cầu lực lượng dẫn giải cách ly ba bị cao Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và bắt đầu xét hỏi bị cáo Dương Chí Dũng.
9h23, kết thúc phần thủ tục, phiên tòa bắt đầu chuyển sang phần thẩm vấn. Tòa bắt đầu tóm tắt lại nội dung vụ án cùng các nội dung kháng cáo.
09h21, sau 5 phút hội ý, chủ tọa phiên tòa cho rằng, trong quá trình xét xử, Tòa sẽ xem xét yêu cầu của luật sư về việc triệu tập nhân chứng (trong đó có người ở Liên bang Nga) được cho là có thể biết về tỷ lệ ăn chia cụ thể trong số tiền hơn 1,66 triệu USD liên quan trong vụ án.
Đối với nhân chứng là lái xe của bị cáo Sơn, bị cáo này đã có lời khai trong quá trình điều tra. Do vậy, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử vụ án.
Hai bị cáo Dương Chí Dũng (trái) và Mai Văn Phúc (phải) tại tòa sáng nay.
9h14, sau khi các luật sư có ý kiến triệu tập nhân chứng, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn quyết định tạm dừng xét xử để hội ý.
9h12, Luật sư Ngô Ngọc Thủy (bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng), cho rằng, đây là vụ án có bị cáo đang đối mặt với bản án cao nhất là tử hình. Vì thế, HĐXX cần xem xét đầy đủ các yếu tố, tài liệu liên quan đến vụ án. Luật sư Thủy cho rằng, đã cung cấp ý kiến của nhân chứng cho Tòa. Do vậy, yêu cầu triệu tập thêm nhân chứng này là rất chính đáng, giúp HĐXX làm rõ bản chất vụ án.
9h09, Luật sư Thắng đề nghị HĐXX triệu tập thêm 3 nhân chứng (2 ở Nga, 1 lái xe của Trần Hải Sơn, người được cho đã chở Dương Chí Dũng khi bỏ trốn).
Ngay sau đó, vị chủ tọa hỏi ý kiến đại diện cơ quan viện kiểm sát. Theo đó, kiểm sát viên này cho rằng, việc có thể triệu tập nhân chứng, có được là tốt. Tuy nhiên, những yêu cầu đó không nhất thiết, Tòa có thể tiếp tục vụ án.
Dương Chí Dũng cùng đồng phạm được dẫn giải vào phòng xét xử. 
8h58, Thẩm phán Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao Nguyễn Văn Sơn ngồi ghế chủ tọa phiên tòa.
Trước khi vào phần kiểm tra căn cước, các bị cáo khác đã được tháo còng tay, riêng bị cáo Mai Văn Phúc (cựu Tổng GĐ Vinalines) vẫn bị còng tay. Vị chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu lực lượng dẫn giải tháo còng tay đối với bị cáo Mai Văn Phúc.
Trước phiên xử phúc thẩm sáng nay, tòa cũng nhận được đơn xin xử vắng mặt của chị Phan Thị Thảo - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Sáng nay (22/4), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Dự kiến phiên xét xử kéo dài 3 ngày. Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Văn Sơn (thẩm phán Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội).
Phiên tòa có tất cả 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó, 3 luật sư Trần Đình Triển, Ngô Ngọc Thủy và Trần Đại Thắng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho Dương Chí Dũng.
Trao đổi với một tờ báo trước đó, Luật sư Trần Đình Triển - người bảo vệ quyền lợi của Dương Chí Dũng đã sang tận Singapore để lấy lời khai của ông Goh Hoon Seow, giám đốc điều hành công ty AP - nơi có liên quan đến số tiền 1 triệu 660 ngàn USD trong hợp đồng mua ụ nổi với giá 83 triệu USD trước đây.
8h50, chủ tọa phiên tòa đang công bố quyền và nghĩa vụ của các bị cáo, phổ biến nội quy phiên tòa...
8h47, bị cáo Mai Văn Phúc trả lời phần kiểm tra căn cước của Hội đồng xét xử.
8h45, bị cáo Dương Chí Dũng ra tòa trong trang phục áo sơ mi sáng màu.
8h42, HĐXX bắt đầu kiểm tra căn cước 9 bị cáo có đơn kháng án. Trong số các bị cáo, duy nhất bị cáo Bùi Thị Bích Loan – cựu kế toán trưởng Vinalines không chống án.
8h28, HĐXX bắt đầu làm việc, yêu cầu thư ký phiên tòa báo cáo các thành phần tham dự phiên tòa.
Các cơ quan Bộ Tài chính, Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT được mời tham gia phiên tòa nhằm làm rõ bản chất vụ án.
8h24, Thư ký phiên tòa đang kiểm tra căn cước bị cáo cùng các bên liên quan. Luật sư bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng, ông Trần Đình Triển chưa có mặt.
8h19, những người ra vào trụ sở TAND Tối cao phải xuất trình giấy tờ, kiểm tra chặt chẽ.
Xe thùng đưa Dương Chí Dũng cùng đồng phạm tới phiên tòa. 
7h54, những người được mời và triệu tập dự tòa, đang khẩn trương làm thủ tục để vào trong phòng xử.
Các phóng viên báo đài cũng tới rất sớm để đưa tin. Được biết, có khoảng 25 cơ quan báo, đài được cấp thẻ dự tòa.
7h50, một chiếc xe thùng duy nhất nhanh chóng tiến vào cổng toà. Đây chính là xe chở bị cáo quan trọng nhất - Dương Chí Dũng.
Ngay khi tiến vào bên trong, lực lượng công an nhanh chóng áp giải bị cáo vào trong phòng chờ xét xử. Các bị cáo khác cũng được dẫn vào trong phòng chờ.
7h48, ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân đã có mặt trước cổng trụ sở TAND tối cao (262 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) để theo dõi phiên tòa. Lực lượng công an, cảnh sát giao thông được bố trí chốt chặn tại các ngã tư dẫn tới tòa từ rất sớm để điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự.
 Ngay từ sáng sớm, rất đông người đã tập trung quanh khu vực TAND Tối cao khu vực Hà Nội.
Sáng qua (21/4), ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội, cho biết gia đình bị cáo Dương Chí Dũng đã đến Cục này nộp 4,7 tỉ đồng tiền khắc phục hậu quả trong vụ án xảy ra tại Vinalines.
Gia đình bị cáo Mai Văn Phúc cũng đã nộp 3,5 tỉ đồng tiền khắc phục hậu quả. Theo luật sư Trần Đình Triển, đây là nỗ lực của gia đình các bị cáo nhằm mong muốn Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc được giảm nhẹ hình phạt tại phiên tòa phúc thẩm.
Dù cơ quan chức năng không tiết lộ số tiền này để khắc phục hậu quả cho hành vi nào nhưng theo các luật sư, việc gia đình bị cáo nộp tiền để khắc phục hậu quả vẫn được coi là một tình tiết để giảm nhẹ mức án cho bị cáo.
Liên quan tới quy định về khắc phục hậu quả bằng tiền trong Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam, pháp luật có nêu rõ: “Quy định pháp luật liên quan tới vấn đề khắc phục hậu quả bằng tiền được nêu rõ tại Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân Tối cao, mục 4 hướng dẫn xử lý với tội Tham ô tài sản: Người phạm tội phải bị xử phạt tử hình, nhưng người phạm tội đã bồi thường được một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội đã bồi thường thay cho người phạm tội) thì có thể không xử phạt tử hình người phạm tội và tùy vào số tiền đã bồi thường được mà có thể xử phạt người phạm tội tù chung thân hoặc tù có thời hạn.
Nghị quyết 01/2001 còn nêu rõ trường hợp được coi là đã bồi thường một phần đáng kể giá trị tài sản bị chiếm đoạt nếu: Đã bồi thường được ít nhất một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt; Đã bồi thường được từ một phần ba đến dưới một phần hai giá trị tài sản bị chiếm đoạt, nếu có căn cứ chứng minh rằng người phạm tội (hoặc người thân thích, ruột thịt... của người phạm tội) đã thực hiện mọi biện pháp để bồi thường giá trị tài sản bị chiếm đoạt (đã bán hết nhà ở, tài sản có giá trị; cố gắng vay, mượn... đến mức tối đa)”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc gia đình bị cáo Dũng nộp tiền khắc phục hậu quả sẽ là một tình tiết mới để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong phiên Tòa phúc thẩm hôm nay.
Trước đó, trong vụ án xét xử nguyên Đại tá công an Dương Tự Trọng về tội tổ chức cho anh trai mình trốn ra nước ngoài, Dương Chí Dũng đã khai tại tòa rằng một “ông anh” trong Bộ Công an chính là người mật báo cho mình trước khi có quyết định khởi tố vì những sai phạm trong vụ án tại Vinalines. Ông Dũng còn tố cáo “ông anh” này đã nhận của mình tổng cộng 510.000 USD để giúp “chạy án”. Từ những lời khai trên, ngày 8/1/2014, TAND TP Hà Nội đã khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Tuy nhiên, sau đó một thời gian thì ông anh này - tức Tướng Phạm Quý Ngọ đã qua đời. Nhiều người băn khoăn liệu vụ án này sẽ được giải quyết như thế nào. Việc điều tra những nội dung liên quan đến lời khai của Dương Chí Dũng sẽ tiếp tục ra sao?
Trao đổi với Kiến Thức trước đó, Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, cho hay, ngay khi ông Ngọ qua đời, tất cả những gì liên quan đến tố tụng, đến thân phận pháp lí của ông này xem như chấm dứt.
“Trong vụ án này, ông Dương Chí Dũng đã tố giác hành vi của “ông anh” trên. Đây là căn cứ để khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”. Đến nay, cơ quan điều tra mới chỉ Khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can.
Tuy nhiên, nghi phạm chính trong vụ án – cũng là người bị tố giác đã qua đời. Do vậy, nếu đã có quyết định khới tố vụ án nhưng chưa tiến hành hoạt động điều tra thì căn cứ theo quy định tại khoản 7 điều 107 và khoản 1 điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự, người đã ra quyết định khởi tố vụ án, phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố; đồng thời, thông báo cho người đã tố giác (tức ông Dương Chí Dũng) biết và gửi quyết định này cùng toàn bộ hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát trong vòng 24 giờ.
Trường hợp đã tiến hành hoạt động điều tra thì căn cứ theo Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.
Trường hợp mà ngoài “ông anh” này ra còn có nghi phạm khác liên quan tới lời khai của Dương Chí Dũng và tới vụ án thì chỉ đình chỉ điều tra đối với mình ông này. Còn vụ án và nghi phạm khác thì vẫn điều tra. Khi nghe lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng, TAND TP Hà Nội chỉ khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước. Nhưng, trong lời khai của Dương Chí Dũng còn có vụ án hối lộ 20.000 USD liên quan đến một quan chức khác của ngành công an, nên cơ quan điều tra phải tiếp tục công việc của mình”, luật sư Thạch nói.
Tại phiên phúc thẩm, có 9 bị cáo bị đưa ra xét xử. Riêng bị cáo Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng Vinalines, không kháng cáo. Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng gồm:
- Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT)
- Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT)
- Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines)
- Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines)
- Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines)
- Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN)
- Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa)
Trước đó, bản án sơ thẩm ngày 16/12/2013 của Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã kết án ông Dương Chí Dũng tử hình về hai tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng ra tòa và lãnh án với ông Dũng là chín người khác nguyên là cán bộ của Vinalines, Cục Đăng kiểm VN và Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa. Các bị cáo bị cáo buộc đã nhập khẩu ụ nổi 83M hư hỏng nặng, không có khả năng hoạt động được.
Việc làm này đã trái nguyên tắc, trái quy định của Nhà nước gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỉ đồng. Sau khi mua thành công ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng và một số bị cáo khác chia nhau 1,666 triệu USD tiền “lại quả”.
Minh Hiếu

Bình luận(0)