Kỳ thú công viên chim quý giữa Đại học Đà Lạt

Google News

(Kiến Thức) - Không hẹn mà đến, hàng chục loài chim rừng quý hiếm tụ tập về đây, tạo thành một công viên chim kỳ thú có một không hai trong khuôn viên Đại học Đà Lạt.

Với tay đụng tới tổ chim
Ngày chủ nhật, giảng đường vắng tanh, từng bầy chim rừng sà xuống khoảng sân trống trước tòa nhà A25 kiếm ăn và phơi nắng sau một cơn mưa dài chiều ngày hôm trước. Tôi tiến lại gần, chúng vẫn điềm tĩnh nhảy nhót như không có sự hiện diện của con người.
 Từng bầy chim rừng sà xuống sân trường thản nhiên kiếm ăn ngay cả những ngày có đông người qua lại và làm việc.
Một bảo vệ của nhà trường thì thào bên tai tôi: “Chim ở đây dạn lắm, có khi tiến lại gần đến 4-5m chúng vẫn nhởn nhơ kiếm ăn, ấy vậy mà chỉ cần thấy mình cầm trên tay vật gì đó là lập tức chúng kêu lớn bao hiệu cho nhau rồi tung bay xáo xác. Những ai có ý đe dọa hoặc gây nguy hiểm là chúng biết ngay đó!...”. 
Để kiểm chứng lời anh bảo vệ nói, tôi nhặt một cành cây khô cầm tay. Lập tức con chim cà cưỡng gần nhất ngổng cao cổ phát ra tiếng kêu thất thanh báo hiệu cho cả bầy, chúng đồng loạt vỗ cánh tung bay lên những cành cây cổ thụ cao chót vót.
Chim rừng ở đây nhiều vô kể, chúng thân thiện với sinh viên đến nỗi làm tổ ngay trên những cành cây sà xuống lối đi. Nếu muốn bắt chim non, chỉ cần bắc một cái ghế thường ngồi đứng lên là có thể tận tay kéo cả tổ xuống đất. Nhưng sinh viên nhà trường thường coi chúng như những người bạn thân thiết nên không ai nở bắt chim non hoặc ngịch phá tổ. Điều lạ nữa là, nhiều loài chim chỉ thích làm tổ ở gần những lối đi, chúng thường không làm tổ ở những nơi rậm rạp.
 Chim làm tổ chen chúc trên cành.
Chim rừng ở khuôn viên Đại học Đà Lạt có hàng chục loại chung sống cộng sinh tạo thành một quần thể chim khá thú vị. Người yêu chim đến đây sẽ được dịp “rửa mắt” bởi những loài chim quý hiếm như vàng anh, sáo, cà cưỡng, cu rừng, vành khuyên… 
Chính vì thế, từ sáng sớm, khi mọi người còn chưa thức giấc, từng bầy chim đã bay ra khỏi tổ kêu hót râm ran, chúng đậu khắp nơi từ những cành cây cao chót vót cho tới sát mặt đất tạo thành một lãnh địa riêng của các loài chim trước khi có sự xuất hiện của con người.
Điều không ai ngờ tới, chim hoàng anh cũng xuất hiện nơi đây. So với nhiều loài chim khác, loài chim kiêu sa này vốn có bản tính nhút nhát, chúng chỉ thường đậu trên những ngọn cây cao chót vót tới vài chục mét, rất ít khi xuống thấp nếu không thực sự cần thiết. 
 Chim hoàng anh tại khuôn viên Trường đại học Đà Lạt.
Trong công viên của các loài chim ấy, địa chỉ sinh sống của hoàng anh là những cây bạch đàn vút tầm mắt, người ta chỉ nhận ra nó qua tiếng hót chứ ít khi tận mắt chứng kiến. Chúng không thích nô đùa bầy đàn mà tạo thành từng cặp, sống lặng lẽ ẩn mình trong những tán lá và cất lên tiếng hót thánh thót, kiêu sa, không thể lẫn với loài chim khác.
Nếu chịu khó quan sát sẽ thấy đời sống tình cảm của loài chim chẳng khác gì còn người. Chim trống thường cặp kè bên chim mái nhảy múa, hót vang và không ngừng âu yếm bằng cách hôn chim mái. 
 Chim cà cưỡng trống đứng gác tổ không cho kẻ thù bén mảng tới.
Lãnh địa của những cặp chim vợ chồng thường được giới hạn trong một phạm vi nhất định, mọi loài chim khác lạc vào đều bị lên tiếng cảnh báo bằng những tiếng kêu bất thường, nhất là thời kỳ trong tổ đang có chim non.
Kẻ thù của công viên chim
Với diện tích rộng khoảng 40ha, nằm trọn trên một đồi lớn tách biệt hoàn toàn với khu dân cư, Trường đại học Đà Lạt đang trở thành một địa chỉ sinh sống lý tưởng và an toàn cho nhiều loài chim quý hiếm.
 Cu rừng ẩn mình trên những tán cây cao cất tiếng gáy vang.
Khuôn viên nhà trường như một cánh rừng nguyên sinh với các loài cây cao lớn như thông, tùng, bạch đàn… đã có cả trăm năm tuổi, chiều cao lên tới vài chục mét. Bên cạnh đó cũng có những loài cây thấp hơn như liễu, bằng lăng, tùng cảnh, anh đào… sát mặt đất là lớp cây bụi và hồ nước hoang dã rộng tới vài nghìn mét vuôn ở phía Tây Bắc. Đây là nơi cũng cấp nguồn thức ăn, nước uống cho các loài động vật.
Chim thú kéo về đây sinh sống ngày càng nhiều, dĩ nhiên công viên này trở thành đích ngắm của những tay chuyên săn trộn và buôn bán chim. Lực lượng bảo vệ Trường đại học Đà Lạt cho biết, đã không ít lần bắt quả tang những tay săn trộm trà trộn vào khuôn viên nhà trường để săn bắn hoặc đặt bẫy chim. Do không có chức năng xử phạt hành chính nên họ chỉ yêu cầu những người này ra khỏi khuôn viên nhà trường. Mặc dù vậy, không ít đối tượng vẫn tìm cách lẻn vào săn bắt chim trong khuôn viên.
 Sóc cũng là kẻ thù lớn của các loài chim
Bên cạnh kẻ thù chính là con người, các loài chim trong công viên còn phải đối đầu với những chú sóc ranh mãnh, sẳn sàng trộm trứng và bắt chim non ăn thịt. Ở đây, sóc nâu luôn là những vị khách không mời mà đến đối với các loài chim, một khi chúng đã phát hiện ra tổ chim chắc chắn “mái ấm” này những gì còn lại sẽ là cục rác bám trên cành cây. 
Điều đó lý giải vì sao chim trong khuôn viên Trường đại học Đà Lạt chỉ thích làm tổ ở những cành cây chìa ra đường đi hoặc chót vót trên những ngọn cây cao nhất. Lối đi có nhiều người qua lại sóc sẽ không dám ra bắt tổ chim. Làm tổ bên đường đi là cách hạn chế tối đa sự phá hoại của “những kẻ ăn trộm” chuyên nghiệp.
 Chim hồn nhiên đậu trên ghế đá
Khuôn viên Trường đại học Đà Lạt không chỉ có các loài chim quý, sóc mà còn có cả cầy, chồn cùng nhiều loại động vật nhỏ khác chung sống tại các bụi rậm gần hồ Đại Học. Sự đa dạng về các loại động vật nơi đây đã đến lúc những người có trách nhiệm mà trước hết là Trường đại học Đà Lạt phải có những biện pháp bảo vệ an toàn tốt nhất cho cho chúng. 
Trong bối cảnh địa bàn sinh sống của nhiều loại chim, thú đang bị xâm hại và đe dọa nghiêm trọng như hiện nay, sự xuất hiện của một công viên chim trong trường đại học là sự kiện có một không hai.
 Sáo đen thảnh thơi nhảy nhắt gần tổ là một hốc cây.
Không phải ngẫu nhiên mà một công ty lữ hành chuyên đưa khách nước ngoài từ Nha Trang lên Đà Lạt lại chọn khuôn viên Trường đại học Đà Lạt làm nơi dừng chân cho du khách tham quan, thưởng cảnh. 
Phải chăng sự đang dạng sinh học mà trước hết là các loài chim,thú xuất hiện ngày càng nhiều nơi đây đang giải mã cho lý do họ chọn đó?.
Khắc Lịch

Bình luận(0)