Hiện nay, để nâng cao năng lực tác chiến cho
trực thăng tấn công, các nước đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển theo xu hướng tốc độ cao, mang được nhiều loại vũ khí, khí tài và có khả năng phối hợp hiệp đồng tác chiến liên quân chủng đa dạng.
|
Trực thăng tấn công AH-64E của Không quân Ấn Độ. Nguồn ảnh: India Today. |
Ưu điểm của trực thăng tấn công
So với các dòng máy bay chiến đấu như tiêm kích, cường kích, trực thăng tấn công không thể so sánh được với có khả năng cơ động cao, tính năng tàng hình tốt, sức mạnh hỏa lực lớn, tuy nhiên, chúng lại đặc biệt hữu dụng và đem lại hiệu quả tác chiến cao khi tác chiến tại khu vực có địa hình phức tạp cần sự yểm trợ tầm gần.
Đặc biệt là khả năng đứng tại chỗ trên không giúp cho trực thăng chiến đấu có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau như bảo đảm hậu cần, tăng viện chiến đấu, sơ tán lực lượng, đổ bộ đường không.
Xu hướng phát triển trong tương lai
- Tốc độ cao, bán kính tác chiến lớn: Yếu tố tốc độ và bán kính tác chiến đặc biệt quan trọng trong hoạt động tác chiến. Chính vì vậy, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp đang triển khai nhiều chương trình nhằm phát triển một loại trực thăng có khả năng bay với tốc độ hành trình lên tới 600km/h. Thậm chí, chương trình phát triển trực thăng tấn công Ka-90 của Nga trong tương lai còn đặt mục tiêu tốc độ lên tới 800km/h.
Việc sở hữu tốc độ cao sẽ giúp trực thăng chiến đấu cơ động nhanh hơn, linh hoạt hoạt đến khu vực tác chiến, đồng thời tốc độ cao cũng sẽ giúp trực thăng tránh được các loại vũ khí phòng không của đối phương.
Do đó, để đạt được tốc độ lý tưởng như vậy, các nước đang đi theo 3 xu hướng đó là thiết kế truyền thống với 1 rotor nâng và 1 rotor lái; thiết kế kết hợp trực thăng với rotor nâng gồm cánh chính và 2 cánh quạt đẩy; thiết kế đồng trục gồm 2 rotor nâng quay đồng trục, ngược chiều nhau và một cánh quạt đẩy ở đuôi.
|
Trực thăng chiến đấu Eurocopter Tiger của châu Âu. Nguồn ảnh: Military-Today. |
- Mang được nhiều loại vũ khí: Việc mang được nhiều loại vũ khí với trọng tải lớn sẽ giúp trực thăng chiến đấu thực hiện được nhiều loại nhiệm vụ hơn, từ tấn công, chi viện chiến đấu, phòng không tầm gần và tấn công mặt đất. Theo đó, các trực thăng hiện đại sẽ được trang bị đầy đủ các loại vũ khí như: pháo tự động, các loại tên lửa có điều khiển (chống tăng; đối đất; đối không; chống hạm), rocket và bom.
Hiện nay, nhiều loại trực thăng vũ trang của Mỹ, Nga, Trung Quốc đã được trang bị nhiều loại vũ khí hạng nặng có tầm bắn từ 500 - 8.000m; số lượng rocket và bom mang theo có thể lên tới 80 quả các loại; số lượng tên lửa có thể mang theo từ 6 - 18 quả.
|
Trực thăng tấn công Mi-28NM của Quân đội Nga. Nguồn ảnh: RP Defense. |
- Có khả năng phối hợp, hiệp đồng tác chiến cao: Do được trang bị nhiều hệ thống cảm biến, hệ thống thông tin liên lạc đa kênh, hệ thống nhận biết tình hình chiến trường nên các trực thăng chiến đấu hiện nay khả năng hiệp đồng tác chiến cao.
Thậm chí Mỹ còn đang phát triển khả năng hiệp đồng tác chiến giữa máy bay trực thăng chiến đấu với các máy bay chiến đấu không người lái. Khi thực hiện nhiệm vụ cấp chiến thuật, tốp 5 máy bay trực thăng tấn công của Mỹ sẽ hình thành đội hình tam giác đi kèm bảo vệ đội hình máy bay chiến đấu. Trong thực hiện nhiệm vụ chi viện, các tốp máy bay trực thăng sẽ hình quả trám để bảo đảm sự yểm hộ toàn diện.
Mời độc giả xem video: Trực thăng tấn công T129 ATAK - Thổ Nhĩ Kỳ phổ diễn sức mạnh trên không. (nguồn Defence Turk)