|
Ảnh: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Nguồn: Sputnik |
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde đang cố gắng thuyết phục Ankara rằng, đất nước của bà chưa bao giờ ủng hộ Đảng Công nhân Kurd (PKK), tổ chức bị coi là tổ chức khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, Bộ trưởng Linde đã gián tiếp cáo buộc Tổng thống Erdogan đã phát tán thông tin sai lệch về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết: Do thông tin sai lệch phổ biến về Thụy Điển và PKK, chúng tôi muốn nhắc lại rằng, chính phủ của cố Tổng thống Olof Palme là người đầu tiên sau Thổ Nhĩ Kỳ, liệt PKK là tổ chức khủng bố vào năm 1984. EU đã làm theo vào năm 2002 và hiện tại vẫn không thay đổi.
|
Ảnh: Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde. Nguồn Sputnik |
Như đã biết, Ankara phản đối việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, cáo buộc lãnh đạo các nước này ủng hộ tổ chức khủng bố PKK của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần tuyên bố rằng, ông sẽ phủ quyết quyết định về việc gia nhập, của hai quốc gia khu vực Scandinavia này, vào khối NATO.
Bất chấp những tuyên bố ồn ào và thậm chí là người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thụy Điển trích dẫn về việc Stockholm không ủng hộ PKK, Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định rút lại tuyên bố của mình.
Ankara đưa ra bằng chứng cho thấy, các tay súng người Kurd thực hiện các hành động khủng bố chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đang sử dụng vũ khí của Thụy Điển sản xuất.
|
Ảnh: Các chiến binh người Kurd thuộc Lực lượng Syria Dân chủ (SDF) tại thị trấn Qamishli, Syria, ngày 22/10/2019. Nguồn Reuters. |
Theo một số nhà phân tích chính trị, trên thực tế, việc ngăn cản sự xuất hiện của thêm hai nước thành viên trong NATO không quá quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan sử dụng tình huống này để giải quyết vấn đề đảm bảo an ninh quốc gia của đất nước mình. Ankara cũng phẫn nộ khi Thụy Điển và Phần Lan, nằm trong số các quốc gia duy trì lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2019.
Ngoài ra, Stockholm đã được Ankara nhắc nhở rằng, chính các nhà chức trách Thụy Điển đã ngăn chặn việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu, khi đưa ra lý do "Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đủ điều kiện để trở thành thành viên EU".
Giờ đây, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, Thụy Điển "vẫn chưa đủ điều kiện để trở thành thành viên NATO".
Nhiều khả năng, như các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ viết, Erdogan sẽ đồng ý cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, nhưng chỉ theo các điều kiện của riêng ông.
Tờ Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ thông tin rằng, Ankara đã có một danh sách gồm 10 yêu cầu, việc đáp ứng các yêu cầu này có thể mở ra con đường cho Helsinki và Stockholm gia nhập NATO.
|
Đồ họa: 7 thập kỷ NATO đông tiến ở châu Âu. Nguồn Statista. |
Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (viết tắt NATO), là một liên minh quân sự dựa trên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, được ký kết vào ngày 4/4/1949 bao gồm Mỹ, Canada và một số nước ở châu Âu.
Theo quy định của khối, điều kiện để trở thành thành viên NATO, quốc gia đó phải có đơn xin gia nhập và được sự đồng ý của tất cả các thành viên trong khối.