Tâm điểm của cuộc chiến tại Mariupol
Trong ngày 16/5, đã có 265 binh sĩ Ukraine tại Nhà máy thép Azovstal ra hàng quân Nga; như vậy, để giành được quyền kiểm soát Nhà máy thép Azovstal, Quân đội Nga đã bao vây và chiến đấu trong hơn hai tháng, có lúc tưởng khó có hồi kết. Cơ sở vật chất trên mặt đất gần như bị san bằng thành đống đổ nát.
Mariupol gần Biển Azov, đây là một thành phố cảng và công nghiệp nặng quan trọng ở Ukraine. Đối với Nga, chiến thắng tại Mariupol không chỉ có thể kiểm soát hơn 80% bờ biển Đen của Ukraine, mà còn mở ra một hành lang chiến lược "huyết mạch quân sự" giữa Donbas và Crimea.
Nhà máy thép Azovstal là tuyến phòng thủ kiên cố cuối cùng của Mariupol. Trong chiến tranh giữa hai bên, chức năng của nó đã thay đổi từ một nhà máy thép thành pháo đài quân sự cuối cùng canh giữ Mariupol.
Thành phố cảng Mariupol và nhà máy thép Azovstal.
Đối với Ukraine, Azovstal không chỉ là một thành trì quân sự, và việc bảo vệ Nhà máy thép Azovstal không chỉ để bảo vệ vị trí cuối cùng của Mariupol, mà còn có ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần kháng cự Quân đội Ukraine.
Diễn biến giành quyền kiểm soát Nhà máy thép Azovstal
Vào ngày 24/2, ngày đầu tiên của cuộc xung đột Nga-Ukraine, Mariupol, một thành phố quan trọng của Ukraine, với dân số 400.000 người, đã chìm trong chiến tranh.
Rạng sáng ngày 25/2, Quân đội Nga đã tiến từ khu vực Donetsk ở miền đông Ukraine tới Mariupol, nơi hai bên tập trung hàng chục nghìn binh sĩ tinh nhuệ, trong một cuộc đối đầu khốc liệt.
Bắt đầu từ đầu tháng 4, Nga tập trung lực lượng mặt đất và hải quân, sử dụng bom không điều khiển, rocket và nhiều loại pháo khác nhau để mở cuộc tấn công ác liệt vào Nhà máy thép.
Một góc thành phố cảng Mariupol tan hoang đổ nát chỉ sau vài ngày hứng chịu hỏa lực mạnh.
Ngày 15/4, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine Motuzyanik cho biết, Quân đội Nga đã sử dụng bom khoan hạng nặng để ném bom vào Nhà máy thép.
Ngày 16/4, Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát tất cả các khu đô thị ở Mariupol ngoại trừ Nhà máy thép Azovstal; lúc này tàn quân Ukraine bị phong tỏa trong Nhà máy thép Azovstal.
Ngày 21/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin rằng, Quân đội Nga có thể quét sạch lực lượng cố thủ còn lại còn trú ẩn trong Nhà máy thép Azovstal trong vòng 4 ngày. Tuy nhiên Tổng thống Putin quyết định thay vì tổng công kích, quân Nga chuyển sang vây chặt.
Ngày 27/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres đã đến thăm Kiev và kêu gọi mở các kênh nhân đạo.
Người dân Ukraine sơ tán khỏi vùng chiến sự.
Từ 8 giờ đến 18 giờ các ngày 5, 6 và 7/5, Quân đội Nga và lực lượng vũ trang Donetsk đã tuyên bố ngừng bắn, để mở hành lang nhân đạo cho việc sơ tán dân thường an toàn.
Ngày 16/5, Quân đội Nga ngừng bắn và 260 quân ra hàng, trong đó có 53 binh sĩ bị thương nặng.
Từ nhà máy thép thành pháo đài chiến đấu
Tại sao Nhà máy thép Azovstal có thể trụ vững trong một thời gian dài, dưới những trận pháo kích hạng nặng của Quân đội Nga? và tại sao nơi đây trở thành “căn cứ địa” của Tiểu đoàn Azov chống Nga?
Theo lịch sử, Nhà máy thép Azovstal được Liên Xô xây dựng từ tháng 11/1931, đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất thép quân sự của Liên Xô, được sử dụng để chế tạo xe bọc thép, súng cối, bom, v..v...
Sơ đồ mặt cắt bên trong "pháo đài" Azovstal.
Chính vì tầm quan trọng của Azovstal mà trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã thiết kế lại và xây dựng phần ngầm của nhà máy theo tiêu chuẩn có thể chịu được cuộc tấn công hạt nhân, để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nhà máy thép Azovstal thuộc sở hữu của Ukraine. Năm 1997, nhà máy được đưa vào danh sách các doanh nghiệp có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế và an ninh của Kiev.
Sau sự kiện Crimea năm 2014, Quân đội Ukraine đã đặt Nhà máy thép Azovstal làm vị trí kháng chiến cuối cùng ở Mariupol và đã xây dựng nhiều công sự dã chiến dưới lòng đất trong hơn 8 năm qua.
Theo thông tin được truyền thông phương Tây đăng tải, Nhà máy thép Azovstal có diện tích 11 km vuông, với 41 khu vực nhà máy, đồng thời có hơn 80 tòa nhà cao tầng và sáu tầng hầm dưới lòng đất. Chỗ sâu nhất của nhà máy thép cách mặt đất khoảng 25 mét.
Ảnh chụp Nhà máy thép Azovstal từ vệ tinh.
Để chịu được sức công phá và ngăn chặn tác động của bom hạt nhân xuyên đất, mái tầng hầm được làm bằng bê-tông cốt thép dày 8 mét, và tường cũng bằng bê tông cốt thép dày 4 mét. Có 24 km đường ray xe lửa và đường hầm phức tạp dưới lòng đất, một số đường hầm, thậm chí còn vươn tới bờ biển của Biển Azov.
Theo thông báo của Quân đội Nga, "Mỗi tầng hầm đều có công sự và cửa riêng để ngăn vụ nổ hạt nhân, giống như một pháo đài chiến đấu dưới lòng đất”.
Với thiết kế các tầng hầm dưới lòng đất vô cùng kiên cố và phức tạp, có rất nhiều điểm hỏa lực để ẩn náu.
Ngoài ra, không gian bên trong nhà xưởng nhỏ, môi trường chật chội, rất dễ bị phòng thủ và khó bị tấn công. Hầm ngầm và đường hầm được bảo vệ tốt đến mức, các bộ phận của nó thậm chí có thể chịu được các cuộc tấn công hạt nhân nhỏ.
Tiểu đoàn Azov, lực lượng phòng thủ chủ yếu tại Azovstal
Ngoài quy mô và cấu trúc của bản thân Nhà máy thép Azovstal, một yếu tố quan trọng khác khiến Nga khó giành được quyền kiểm soát Nhà máy thép Azovstal đó là Tiểu đoàn Azov.
Tiểu đoàn Azov, một trong những lực lượng đóng quân của Ukraine trong Nhà máy thép Azov. Đầu năm 2014, trong cuộc xung đột ở Donbass, chính quyền Ukraine đã "công khai tuyển quân", nhằm mở rộng khả năng quân sự của mình. Đó là thời điểm “Trại Azov” được thành lập, lúc đầu có hơn 400 người.
Từ một lực lượng “đấu tranh đường phố”, Kiev đã biến họ thành lực lượng “Phòng vệ Tổ quốc”, có lòng nhiệt thành yêu nước, nhưng cũng mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và có tinh thần chống Nga quyết liệt.
Trong 8 năm qua, Tiểu đoàn Azov đã được các cố vấn quân sự phương Tây huấn luyện và cũng được trang bị vũ khí hiện đại; như vậy từ một tổ chức đấu tranh đường phố, “Trại Azov” lúc đầu đã trở thành “Tiểu đoàn Azov” hiện nay, với khả năng chiến đấu rất mạnh.
Là lực lượng phòng thủ chủ lực tại Mariupol để chống lại quân Nga, Lữ đoàn 36 Thủy quân lục chiến Ukraine đã kiệt sức trong trận chiến liên tục; sau khi rút về khu vực Nhà máy thép, Tiểu đoàn Azov trở thành lực lượng chủ lực chống lại quân Nga.
Lực lượng chính trong cuộc bao vây Nhà máy thép và đối đầu với Tiểu đoàn Azov là quân Chechnya, do Tổng thống Chechnya Kadylov chỉ huy.
Theo các chuyên gia quân sự, ngay cả khi lực lượng đặc nhiệm Chechnya được sử dụng để chiến đấu với Tiểu đoàn Azov trong các trận chiến giáp la cà, khả năng có thể tiêu diệt đối thủ là rất hạn chế.
Theo đó, việc Nga tuyên bố loại bỏ Tiểu đoàn Azov là một mục tiêu lớn trong chiến dịch quân sự đặc biệt của họ tại Ukraine.
Lính Nga tham chiến ở Mariupol.
Chính vì áp lực này, nếu Tiểu đoàn Azov không kháng cự kiên quyết, kết quả họ cũng sẽ bị xóa sổ. Vì vậy, thay vì bị xóa sổ, tốt hơn là chống trả đến cùng. Như vậy có thể thấy trong trận này, Tiểu đoàn Azov có tinh thần chiến đấu quyết tử hơn Lữ đoàn 36 Thủy quân lục chiến Ukraine.
Nguyên nhân quân Nga chậm bước trong chiếm Azovstal
Một trong những nguyên nhân nữa, khiến Quân đội Nga chậm bước trong giành quyền kiểm soát Nhà máy thép Azovstal đó là trong tầng hầm của Azovstal có rất nhiều dân thường.
Ngày 23/4, phía Ukraine cho biết, khoảng 1.000 dân thường, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, bị mắc kẹt trong Nhà máy thép.
Phía Nga cho rằng, những thường dân này là “con tin” của Tiểu đoàn Azov, để ngăn phía Nga sử dụng vũ khí hạng nặng; việc này khiến hoạt động quân sự của Quân đội Nga gặp nhiều trở ngại.
Những người dân ở Nhà máy thép Azovstal đã nhiều lần bày tỏ hy vọng sẽ rời khỏi Nhà máy thép càng sớm càng tốt.
Ngày 25/4, Bộ Quốc phòng Nga ra thông cáo cho biết, kể từ 14h ngày 25/4 theo giờ Moscow, phía Nga đã đơn phương ngừng các hoạt động tác chiến tại Nhà máy thép Azovstal, đảm bảo người dân có thể sơ tán theo bất kỳ hướng nào họ chọn.
Đáp lại, Phó Thủ tướng Ukraine Irina trả lời rằng, hành lang được công bố đơn phương không thể cung cấp an ninh. Do vậy không có dân thường nào được sơ tán khỏi Azovstal trong những ngày sau đó.
Vào ngày 27/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres đã đến Kiev, thủ đô của Ukraine; sau đó ông Guterres gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov, đồng thời kêu gọi cả hai bên ngừng chiến tranh càng sớm càng tốt, để các thường dân của Mariupol, có thể sơ tán càng sớm càng tốt.
Dưới sự trung gian của Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres, Nga và Ukraine đã đồng ý ngừng bắn tại khu vực Nhà máy thép Azovstal để giúp dân thường sơ tán.
Từ 8 giờ đến 18 giờ các ngày 5, 6 và 7/5, Quân đội Nga đã tiến hành ngừng bắn để mở hành lang nhân đạo cho việc sơ tán dân thường an toàn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một bài phát biểu video vào tối ngày 7/5 cho biết, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, tổng cộng hơn 300 người dân đã được sơ tán khỏi Nhà máy thép Azovstal an toàn.
Ngày 10/5, Phó Thủ tướng Ukraine Irina Veresyuk cho biết, hơn 1.000 binh sĩ Ukraine vẫn đang ở bên trong Nhà máy thép Azovstal tại Mariupol, và hàng trăm người trong số họ bị thương; tuy nhiên số này vẫn chưa đầu hàng.
Ngày 17/5, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, một số binh lính Ukraine bị mắc kẹt trong Nhà máy thép Azovstal đã đầu hàng vô điều kiện.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Mariar vào tối ngày 16/5 cho biết, những người "bảo vệ Mariupol" đã giành được "thời gian quý báu, để Ukraine xây dựng lực lượng dự bị, tổ chức lại lực lượng và nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác".
Bộ Tổng tham mưu Quân đội Ukraine trong một tuyên bố cùng ngày trên mạng xã hội cho biết, các binh sĩ đóng tại Nhà máy thép Azovstal đã "hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu", “cầm chân” khoảng 20.000 quân Nga tại khu vực này, qua đó làm trì hoãn kế hoạch của Nga nhằm nhanh chóng chiếm đóng thành phố Zaporozhye, miền nam Ukraine.
Những binh lính Ukraine cuối cùng được đưa ra khỏi Azovstal.
Tiểu đoàn Azov cũng ra tuyên bố rằng, "Bất chấp những khó khăn, quân phòng thủ tại Mariupol đã hoàn thành mệnh lệnh và cầm chân được lực lượng áp đảo của đối phương trong vòng 82 ngày".
Tổng thống Ukraine Zelensky trong một bài phát biểu cho biết, nhiệm vụ quan trọng của Kiev hiện nay là “giải thoát” các binh sĩ Ukraine đang bị phía Nga bắt giữ.
Còn số phận của Nhà máy thép Azovstal, liệu sau khi cuộc xung đột kết thúc, "cơ sở công nghiệp chiến lược" của Ukraine này có được tái sinh từ đống tro tàn, hay sẽ kết thúc trong một góc hoang phế? Chỉ tương lai mới có câu trả lời.