Tupolev Tu-22M (định danh của NATO “Backfire”) là loại máy bay ném bom siêu thanh, cánh cụp cánh xoè tầm xa được phát triển bởi Cục Nghiên cứu Tupolev, sản xuất rộng rãi dưới thời Liên Xô. Đến nay, trải qua nhiều biến động, vẫn còn ít nhất 63 chiếc phục vụ trong Không quân và Hải quân Nga.
Cũng như nhiều dòng oanh tạc cơ khác, Tu-22M được cải tiến thành nhiều phiên bản khác nhau, trong đó biến thể Tu-22M3 được nâng cấp hoàn toàn với thiết kế phần thân được giữ nguyên nhưng nó lại được trang bị hệ thống động cơ phản lực mới Kuznetsov NK-25 có công suất hoạt động hiệu quả hơn động cơ NK-22 trước đó. Bên cạnh đó, Tu-22M3 còn được trang bị hệ thống radar Leninets PN-AD và hệ thống định vị/tấn công NK-45.
|
Máy bay Tu-22M3. Ảnh: Airplane-pictures |
Thông số kỹ thuật chung Tu-22M3:
- Phi hành đoàn gồm 4 người (phi công; sỹ quan chỉ huy; pháo thủ; trắc thủ radar).
- Kích thước: Dài 42,4m, cao 11,05m, sải cánh tối đa 34,28m;
- Động cơ: cặp động cơ turbofan NK-25 cho lực đẩy tối đa 247,9kN
- Vận tốc tối đa hơn 2.300km/h ở trần bay 13.300m
- Vận tốc trung bình Mach 1,6 (1.976km/h)
- Trọng lượng rỗng 58.00kg
- Trọng lượng cất cánh tối đa 112.000kg
- Bình nhiên liệu có khả năng chứa được 54.000kg xăng
- Tầm hoạt động 6.800km
- Vũ khí:
+ Một pháo tự động GSh-23 23mm được bố trí ở phía đuôi máy bay;
+ 6 quả tên lửa Kh-22/Kh-32 hoặc 6 quả tên lửa Kh-15
+ Hoặc 69 quả bom không điều khiển OFAB-250/270 hoặc 8 quả bom FAB-1500.
Với khả năng chất tải một khối lượng lớn bom và tên lửa hành trình tầm xa, Tu-22M3 không chỉ là một "pháo đài bay" ném bom rải thảm có uy lực tương đương B-52, mà còn là một "sát thủ diệt tàu sân bay".
|
Khả năng mang được các loại vũ khí của Tu-22M3. Ảnh: Pinterest |
Tất nhiên, điều làm nên sức mạnh tiêu diệt các hạm đội tàu sân bay của oanh tạc cơ Tu-22M3 không phải là tốc độ mà là nằm ở hai loại tên lửa hành trình dành riêng cho nó.
Số 1 là Raduga Kh-22 – một trong những tên lửa không đối hải mạnh nhất hiện nay, dù ra đời từ thời Liên Xô nhưng uy lực của nó sau mấy chục năm vẫn thuộc hàng “vô địch” trên mặt trận không đối hải.
Tên lửa Kh-22 nặng 5.850kg cực kỳ đáng sợ bởi tầm bắn của nó lên tới 512km và đầu đạn nổ lõm nặng 1.000kg có thể tạo ra một lỗ hổng đường kính 5m và sâu 12m. Sức công phá cực mạnh của Kh-22 khiến nó đủ sức đánh chìm 1 tàu khu trục cỡ lớn chỉ với 1 quả bắn trúng vào thân tàu hoặc đánh chìm tàu sân bay hạng nặng chỉ với 2 - 3 quả trúng đích.
Kh-22 sử dụng một động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng Isayev và hệ thống tự động ổn định con quay hồi chuyển, với một máy đo độ cao nhiệt.
Với việc sử dụng nhiên liệu là hydrazine và IRFNA, tạo cho tên lửa có tốc độ tối đa đạt gần Mach 5 và tầm bay đạt đến gần 600km. Nó có thể được sử dụng ở cả chế độ hoạt động trên độ cao lớn và dưới độ cao thấp.
Ở chế độ trên độ cao lớn, nó đạt đến trần bay là 27.000m và tạo ra một tốc độ lớn để bổ nhào xuống mục tiêu với tốc độ giai đoạn cuối đạt khoảng Mach 4,6. Ở chế độ bay thấp, nó đạt tới độ cao 12.000m và bổ nhào xuống mục tiêu với vận tốc khoảng Mach 1,2 tại độ cao cuối cùng dưới 500m.
Loạt vũ khí chống hạm thứ 2 của Tu-22M3 là tên lửa hành trình Kh-15 - có khả năng đạt độ cao khoảng 40.000m và bổ nhào xuống mục tiêu với tốc độ đạt đến khoảng Mach 5.
Hiện tên lửa chống tàu Kh-15 được biết đến với 3 phiên bản gồm: Kh-15 là phiên bản đầu tiên với đầu đạn hạt nhân và hệ dẫn đường quán tính; Kh-15P được trang bị đầu dò bị động cho nhiệm vụ chống radar và Kh-15S trang bị đầu dò radar chủ động dùng cho nhiệm vụ chống hạm.