Ý tưởng về pháo phản lực đa nòng hạng nặng tầm ngắn từng xuất hiện cuối thập niên 1970 tại Liên Xô. Những mẫu ban đầu đã được phát triển tại Phòng thiết kế Omsk Transmash vào đầu thập niên 1980 với tên gọi TOS-1. Tới 2003, phiên bản nâng cấp TOS-1A được ra đời.
|
Một số pháo phản lực đa nòng TOS-1A. Ảnh: Military Todays |
Do hệ thống pháo TOS-1A sử dụng chung khung gầm xe tăng T-72, nên xe có trọng lượng 46 tấn; chiều dài 9,5m; chiều rộng 3,6m; cao 2,2m. Kíp chiến đấu gồm 3 người.
|
Bản thiết kế của xe chiến đấu TOS-1A và tên lửa. Ảnh: Armyrecognition |
TOS-1A có tầm bắn thấp nhất và xa nhất lần lượt ở các cự ly 400m và 6km. Pháo này có tốc độ bắn 30 viên trong vòng 15 giây, nhờ vậy có thể khai hỏa về phía mục tiêu một cách nhanh chóng và rút lui trước khi đối phương kịp đáp trả.
TOS-1A được trang bị động cơ diesel V12, công suất 840 mã lực, nhờ vậy vận tốc xe có thể đạt 65 km/giờ ở địa hình bằng phẳng. Theo trang Military Today, tầm hoạt động của xe có thể lên tới hơn 550km.
TOS-1A sử dụng tên lửa cỡ 220mm. Khi tên lửa này phát nổ, một số chất hóa học gây cháy sẽ được bung ra trong một phạm vi giới hạn. Những chất này sẽ đốt cháy trong chớp mắt toàn bộ ôxy trong không gian hẹp với nhiệt độ lên tới 1.000°C, nhằm tiêu diệt bộ binh đối phương đang trú ẩn trong các công sự, hầm ngầm hoặc hang động.
Phiên bản đầu, TOS-1 từng được sử dụng bởi quân đội Liên Xô trong cuộc chiến chống lại tổ chức Mujahideen tại thung lũng Panshir tại Afghanistan. Về sau, phương tiện chiến đấu này cùng phiên bản nâng cấp TOS-1A lần lượt góp mặt trong các cuộc chiến chống lực lượng ly khai Chechnya tại Nga, cũng như IS tại các vùng thuộc Syria và Iraq.