Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài 10 tháng và vẫn chưa thấy hồi kết. Một số lượng lớn vũ khí thuộc các loại, chủng loại, thời kỳ phát triển và sản xuất khác nhau đã tham gia vào cuộc xung đột của cả hai bên.
Hiện có rất ít thông tin về việc sử dụng một số hệ thống vũ khí khác hoặc hoàn toàn không có. Và hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về một số loại vũ khí phòng không đã “mất hút” trên chiến trường Ukraine.
Hệ thống phòng không cơ động tầm thấp Sosna
|
Ảnh: Hệ thống phòng không SAM "Sosna" trên các phương tiện khác nhau. Nguồn Topwả. |
Tổ hợp phòng không cơ động tầm thấp Sosna được Quân đội Nga tuyên bố, sẽ thay thế hệ thống phòng không Strela-10, vốn không còn khả năng chống lại các mục tiêu cỡ nhỏ hiện đại.
Các thử nghiệm cấp nhà nước của Sosna đã được hoàn thành vào năm 2017; tuy nhiên, không có thông tin nào về sự hiện diện của tổ hợp này trong Quân đội Nga, cũng như không có thông tin nào về việc sử dụng nó trên chiến trường Ukraine.
Những ưu điểm của tổ hợp phòng không cơ động tầm thấp Sosna như tính cơ động, chi phí thấp của cả hệ thống và tên lửa. Nhược điểm là thiếu đài radar để tìm kiếm mục tiêu; tuy nhiên đây cũng là một lợi thế, vì nó không làm lộ hệ thống bằng bức xạ radar nó phát ra. Tên lửa được dẫn đường theo chùm tia lade bằng hệ thống quang điện tử (OES).
Có thể giả định rằng, hệ thống phòng không Sosna có thể đủ hiệu quả để tiêu diệt các phương tiện bay không người lái (UAV), máy bay và trực thăng của Lực lượng Phòng không (Không quân) Ukraine. Trong khi các mục tiêu phức tạp như tên lửa chiến thuật (OTR) như Tochka-U hoặc tên lửa dẫn đường HIMARS sẽ “quá sức” đánh chặn đối với loại tên lửa này.
Hệ thống phòng không Gibka / Gibka-S
|
Ảnh: Hệ thống phòng không "Gibka" trong phiên bản trên tàu chiến và "Gibka-S" trên bộ. Nguồn Topwar. |
Đây là hệ thống phòng không hạng nhẹ, sử dụng tên lửa vác vai (MANPAD) Igla hoặc Verba làm vũ khí chính.
Ban đầu, mô-đun "Gibka" được lắp đặt trên các tàu chiến thuộc dự án 21630 Buyan và dự án 21631 Buyan-M.
Tổ hợp Gibka-R do công ty RATEP OJSC sản xuất, cũng được lắp đặt trên tàu tuần tra Rasul Gamzatov thuộc dự án 22460 Okhotnik, và trên tàu chống ngầm cỡ lớn (BPK) Vice-Admiral Kulakov.
Người ta tin rằng bản sửa đổi Gibka-S cho lực lượng mặt đất sẽ được đưa vào biên chế trong quân đội Nga vào năm 2022; tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, không thể tìm thấy thông tin về việc sử dụng cả tổ hợp trên tàu chiến Gibka và phiên bản dùng trên mặt đất Gibka-S trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Hệ thống pháo phòng không tự hành ZAK 2S38
|
Ảnh: Hệ thống pháo phòng không tự hành ZAK 2S38. Nguồn Topwar |
Việc phát triển pháo phòng không tự hành (SZAU) hoặc hệ thống pháo phòng không (ZAK) cỡ nòng 57 mm, theo kế hoạch sẽ được hoàn thành vào năm 2022.
Sẽ là hợp lý khi cho rằng, cuộc chiến ở Ukraine có thể trở thành nơi thử nghiệm tốt nhất cho loại vũ khí này. Tuy nhiên, không có thông tin về sự hiện diện của các tổ hợp này trong cuộc xung đột.
Trong khi đó, có khả năng nó sẽ rất hiệu quả trong cuộc chiến chống UAV, đặc biệt là khi sử dụng đạn có khả năng kích nổ từ xa trên quỹ đạo bay.
Đồng thời, theo một số nguồn tin, tổ hợp ZAK 2S38 còn có khả năng chống lại các loại đạn của hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS), đây cũng là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết trong nhiệm vụ phòng không của Quân đội Nga hiện nay tại chiến trường Ukraine.
Hệ thống phòng không Redut (Polyment-Redut) / RK S-350 "Vityaz"
|
Ảnh: Hệ thống tên lửa phòng không S-350 "Vityaz". Nguồn Topwar |
Phiên bản đầu tiên là Redoubt được chế tạo cho lực lượng Hải quân Nga, phiên bản thứ hai là Vityaz dành cho lực lượng phòng không lục quân.
Một tính năng khác biệt của hệ thống phòng không Redut / Vityaz là khả năng sử dụng tên lửa tầm xa / tầm trung 9M96E / 9M96E2 với đầu tự dẫn radar chủ động (ARLGSN), có khả năng cho phép chúng tấn công các mục tiêu ngoài đường chân trời.
Ngoài ra hệ thống còn sử dụng tên lửa tầm ngắn 9M100 / 9M100E với đầu dẫn hồng ngoại (IR seeker) - tất cả các tên lửa này cũng có thể được sử dụng bởi hệ thống phòng không tầm xa S-400.
Thông tin về sự xuất hiện của hệ thống phòng không S-350 Vityaz trong chiến trường Ukraine đã xuất hiện vào tháng 8/2022; tuy nhiên, không có thông tin về việc sử dụng chúng cũng như kết quả tiêu diệt các mục tiêu trên không.
Cùng với đó là không có thông tin về việc sử dụng hệ thống phòng không Redut từ các tàu hộ tống "Steregushchy" và "Mercury" thuộc dự án 20380 của Hạm đội Biển Đen.
Hệ thống tên lửa phòng không ZRK S-300V
|
Ảnh: Hệ thống phòng không tầm xa S-300V. Nguồn Topwar |
Hệ thống phòng không, đúng hơn là hệ thống chống tên lửa này, từng được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất trên thế giới.
Hoạt động của hệ thống phòng không S-300V đã nhiều lần được đưa tin trên báo chí, và khó có thể gọi nó là “ngựa ô”. Một trong những khoảnh khắc “lóe sáng” hấp dẫn là màn tiêu diệt chiếc tiêm kích bom Su-24 và tiêm kích Su-27 ở sâu trong lãnh thổ Ukraine.
Theo một số thông tin, hai chiếc máy bay chiến đấu trên của Ukraine đã bị tiêu diệt bởi lửa tầm xa của hệ thống phòng không S-300V4.
Còn một số thông tin thì cho rằng, hai chiếc máy bay chiến đấu trên bị bắn hạ bởi tên lửa không đối không tầm xa R-77M hoặc R-37M, được phóng đi từ máy bay chiến đấu tàng hình Su-57.
Nếu hai chiếc chiến đấu cơ của Ukraine đang bay ở độ cao thấp, thì có thể chúng bị tiêu diệt bởi tên lửa phòng không, được phóng đi từ mặt đất ở khoảng cách 200 km và được dẫn đường bởi máy bay cảnh báo sớm A-50 của Không quân Nga. Nhưng cho dù bằng cách nào, đó là một thành công nhất định.
Hệ thống phòng không cơ động pháo-tên lửa (ZRPK) Tungusska / Tungusska-M / Tungusska-M1
|
Ảnh: Hệ thống phòng không cơ động pháo-tên lửa (ZRPK) Tungusska. Nguồn Topwar |
Hệ thống phòng không phức hợp pháo-tên lửa này, được Liên Xô đưa vào sử dụng vào năm 1982 và theo tiêu chuẩn hiện đại; nhưng nó không có những đặc điểm quá nổi bật. Tuy nhiên, Tungusska có thể là một vũ khí nguy hiểm có thể đe dọa đối với nhiều loại máy bay, nhất là đối với UAV.
Các đơn vị dân quân của DNP và LPR có thể đã được trang bị nhiều hệ thống phòng không Tunguskas ngay từ đầu cuộc xung đột. Các máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu và cả UAV TB-2 của Ukraine đều là mục tiêu “ưa thích” của những hệ thống phòng không này.
Được bố trí trên những khung gầm bánh xích, ZRPK Tungusska cho phép chúng bám theo các phân đội xe tăng và xe chiến đấu bộ binh, bảo vệ đội hình chiến đấu khỏi các cuộc tấn công trên không.
Theo nguồn thông tin mở, hơn hai trăm hệ thống phòng không thuộc dòng Tungusska đang phục vụ trong Quân đội Nga. Nhưng không có thông tin về bao nhiêu trong số vũ khí trên còn hoạt động tốt và liệu chúng có được sử dụng trong cuộc xung đột này hay không?
Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 "Shilka"
|
Ảnh: Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4 "Shilka". Nguồn Topwar. |
Pháo tự hành phòng không (ZSU) "Shilka" thậm chí còn được đưa vào trang bị của Quân đội Liên Xô sớm hơn - vào năm 1964 và được sản xuất với số lượng hơn 5.000 khẩu. Các phiên bản nâng cấp mới nhất của tổ hợp này vẫn được sử dụng trong một số đơn vị Quân đội Nga.
Về tính năng, ZSU Shilka phát huy vai trò tốt hơn trong nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất, nhưng nó cũng có “thành tích ấn tượng” trước các đối thủ trên không ở các quốc gia khác nhau trên thế giới. ZSU "Shilka" có thể bắn khi đang di chuyển, ở các chế độ tự động, bán tự động và thủ công vào các mục tiêu trên không và trên mặt đất.
Theo một số thông tin, ZSU Shilka được Quân đội Nga sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng với số lượng bao nhiêu, chống lại mục tiêu nào và hiệu quả ra sao thì vẫn chưa rõ.
|
Ảnh: Phiên bản nâng cấp ZSU-23-4M4 "Shilka-M4", được trưng bày tại diễn đàn "Army-2016". Nguồn Topwar |