Nhật Bản có thể tạo ra chiến đấu cơ vượt trội nhờ vào sự trợ giúp của Mỹ. Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết tập đoàn Lockheed Martin đang thảo luận với các quan chức quốc phòng Nhật Bản và sẽ đưa ra một đề xuất chính thức, nhằm đáp lại yêu cầu của thông tin của Tokyo.
Cuộc thảo luận diễn ra sau khi nhận được sự cho phép của Washington trong việc cung cấp công nghệ quân sự nhạy cảm ra nước ngoài. Lockheed Martin dự định đưa ra một bản phác thảo thiết kế và phầm mềm dựa trên sự kết hợp giữa tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ. Đây là bước khởi đầu để cụ thể hóa cam kết sửa đổi chính sách xuất khẩu vũ khí mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cam kết với Tokyo.
|
Mẫu thử nghiệm tiêm kích tàng hình ATD-X của Nhật Bản cất cánh. Ảnh: Reuters. |
Một mẫu thiết kế như vậy có thể có tính năng vượt trội so với F-22 và F-35, giúp Tokyo đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc bắt kịp Trung Quốc. Nhật Bản đã mua 42 tiêm kích tàng hình F-35. Bên cạnh đó, Tokyo cũng muốn phát triển máy bay chiếm ưu thế trên không vào năm 2030, để ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc hoặc Nga.
Lực lượng Phòng vệ đường không Nhật Bản đang vận hành các máy bay chiến đấu F-15J (phiên bản F-15 của Mỹ lắp ráp tại Nhật Bản) và F-2-một thiết kế dựa trên F-16 của Mỹ. Hai loại máy bay này đều có thời gian sử dụng hàng chục năm.
Tokyo muốn chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình riêng một phần do Washington từ chối cung cấp tiêm kích F-22 - máy bay chiến đấu 2 động cơ được đánh giá tốt nhất thế giới.
Chương trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình của Nhật Bản được gọi là F-3. Dự án là một nỗ lực lớn của Tokyo với kinh phí dự kiến khoảng 40 tỷ USD. Tuy vậy, dự án được xem là quá lớn đối với Nhật Bản. Gần đây Tokyo đã tìm kiếm sự hợp tác quốc tế trong nỗ lực chia sẻ chi phí và tiếp cận công nghệ.
Mời độc giả xem video: Nguyên mẫu máy bay chiến đấu tương lai ATD-X của Nhật Bản bay thử nghiệm. (nguồn Hitomura)
Mitsubishi Heavy Industries đã phát triển mẫu thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình có tên ATD-X vào năm 2016. Tokyo đã chi 350 triệu USD cho mẫu thử nghiệm này. Một nguồn tin ở Nhật Bản nói rằng bất kỳ máy bay nào được sản xuất với các đối tác quốc tế đều phải có động cơ và radar sản xuất trong nước.
“Chúng tôi đang xem xét việc phát triển trong nước và hợp tác quốc tế để cải thiện hiệu suất máy bay, nhưng chúng tôi vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói.
Đầu tháng 3, chính phủ Nhật Bản đã gửi bản đề xuất chương trình F-3 cho một số nhà thầu quốc phòng nước ngoài, cùng một bản yêu cầu chi tiết gửi chính phủ Mỹ và Anh. Chính phủ Nhật Bản đang hy vọng vào sự phản hồi từ Boeing và BAE Systems.