Trong quá khứ, Liên Xô đã từng chế tạo những mẫu chiến đấu cơ hạng nhẹ 1 động cơ cực kỳ linh hoạt với tính năng kỹ chiến thuật cao, đi kèm với chi phí khai thác và bảo dưỡng "nhẹ nhàng" hơn nhiều so với loại 2 động cơ.
Tuy nhiên kể từ cuối thế kỷ 20 và cho đến khi Liên Xô sụp đổ, các tiêm kích 1 động cơ đã gần như hoàn toàn vắng bóng trong các bản vẽ thiết kế mới. Nước Nga ngày nay cũng đi theo định hướng trên khi chỉ chú trọng phân khúc tiêm kích hạng nặng 2 động cơ.
Đặc thù của lãnh thổ rộng lớn như nước Nga thì việc chế tạo tiêm kích hạng nặng 2 động cơ có tầm hoạt động rộng dĩ nhiên tỏ ra phù hợp với điều kiện tác chiến của họ, nhưng bên cạnh đó Nga lại để ngỏ phân khúc đầy tiềm năng cho đối thủ cạnh tranh khai thác.
|
Mặc dù đã cao tuổi nhưng nhu cầu của thế giới đối với tiêm kích hạng nhẹ 1 động cơ như F-16 vẫn còn rất lớn. |
Tại thời điểm này, nhu cầu của thế giới đối với tiêm kích hạng nhẹ 1 động cơ vẫn rất lớn, chứng minh bằng cách hợp đồng xuất khẩu của F-16 Fighting Falcon, F-35 Lightning II hay JAS 39 Gripen chưa bao giờ vắng bóng, gần đây nhất còn có sự tham gia cạnh tranh của chiếc J-10 đến từ Trung Quốc.
Nước Nga rất muốn chen chân vào thị trường đầy béo bở này bằng cách cải tạo chiếc MiG-29 Fulcrum để cho ra đời phiên bản nâng cấp MiG-35, nhưng vì trọng lượng máy bay bị tăng vọt đi kèm với 2 động cơ RD-33 hiệu suất cao mà giá thành khai thác tỏ ra không đáp ứng được yêu cầu.
Thất bại đáng tiếc nhất của chiếc MiG-35 chính là tại Ấn Độ, khi nước chủ nhà đã phải loại bỏ sản phẩm đến từ đối tác quân sự thân thiết hàng đầu để nghiêng về chiến đấu cơ phương Tây có trọng lượng nhẹ và chi phí vận hành thấp hơn.
|
Ý tưởng tiêm kích tàng hình hạng nhẹ 1 động cơ của Nga dựa trên nguyên mẫu MiG-142. |
Sau những gì diễn ra tại Ấn Độ và nhận biết tình hình thị trường vũ khí thế giới vào lúc này, Nga đã cảm thấy không thể bỏ ngỏ phân khúc tiêm kích hạng nhẹ 1 động cơ lâu hơn nữa và họ đã có động thái đầu tiên rất đáng chú ý.
Theo ông Alexander Vatagin - Giám đốc Công ty Klimov thì ngành công nghiệp quốc phòng Nga có thể phát triển chiếc tiêm kích giá rẻ sử dụng kết cấu 1 động cơ dựa trên loại RD-33. Theo ông Vatagin, Klimov sẽ sản xuất động cơ cung cấp lực đẩy 11 tấn dựa trên RD-33.
Đây có thể xem như bước khởi đầu cho một chặng đường để nước Nga tái lập ánh hào quang của các tiêm kích hạng nhẹ nổi tiếng như MiG-21 năm xưa. Thông tin trên còn là tin vui đối với nhiều quốc gia đang tìm kiếm sản phẩm thay thế những chiến đấu cơ vang bóng một thời của Liên Xô.