NATO cam kết sẽ xây dựng một lực lượng phản ứng nhanh bao gồm 30 phi đội không quân, 30 chiến hạm và 30 tiểu đoàn cơ giới luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Dự kiến đến năm 2020, lực lượng này được triển khai trong thời gian 30 ngày đến các quốc gia khu vực Baltic nếu có xảy ra chiến sự. Ngân sách để xây dựng và duy trì lực lượng này sẽ được trích từ 2% tổng sản phẩm quốc nội của các quốc gia thành viên NATO.
Cam kết này sẽ được thống nhất thực hiện nếu như không gặp một số vướng mắc. Trước hết là những tồn tại từ sự mở rộng kết nạp các quốc gia thành viên mới, vốn từng ở "bên kia chiến tuyến" từ thời chiến tranh Lạnh. Sự va chạm giữa các nền văn hóa, tư tưởng đi cùng với các bất ổn về chính trị như tham nhũng đã ảnh hưởng tới Liên minh quân sự NATO. Các thành viên mới này, chủ yếu là các quốc gia Đông Âu, dường như là những "vai phụ" trong "nhà hát EU".
Bởi nếu như xảy ra một cuộc chiến tranh quy ước đến từ bên ngoài với một trong những thành viên mới này, họ thực sự không có đủ năng lực để đương đầu, đặc biệt là từ cường quốc quân sự Liên bang Nga. Bên cạnh đó, một số chuyên gia nêu ra quan điểm cho rằng Nga có thể sử dụng những vấn đề như tham nhũng tại các quốc gia này để làm suy yếu chính phủ của các quốc gia thành viên NATO.
|
Động thái của Mỹ khiến Nato "tiến thoái lưỡng nan" (Ảnh Foreign Policy) |
Cho tới thời điểm hiện tại phần lớn các quốc gia thành viên của 2 Liên minh NATO và EU lại có chung quan điểm và lợi ích chiến lược. Trong những năm qua, 2 Liên minh này đã phát triển và hợp tác chặt chẽ với nhau hơn để cải thiện tình hình an ninh cho khu vực và quốc tế. Sự hợp tác này xuất phát từ các chính sách phòng thủ không gian mạng và giải quyết các mối đe dọa tiềm ẩn như an ninh hàng hải.
Điều quan trọng là NATO và EU hợp tác trong các hoạt động giải quyết khủng hoảng giúp xây dựng lòng tin lẫn nhau. Như tại Kosovo, lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR của NATO đã kết hợp chặt chẽ cùng với phái đoàn Luật pháp của EU. Hay chiến dịch Althea của EU tại Bosnia và Herzegovina lại được chỉ huy bởi Phó tổng tư lệnh đồng minh tối cao NATO và trụ sở chỉ huy chiến dịch được đặt tại chính trụ sở tối cao của tổ chức này. Với chiến trường Afghanistan, lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế của NATO đã hợp tác với Phái đoàn Luật pháp của EU.
Các lực lượng hải quân của 2 tổ chức này cũng hợp tác để đối phó với các vấn đề khủng hoảng di cư tại Địa Trung Hải. NATO đã triển khai một lực lượng hải quân đến biển Aegean để tiến hành trinh sát, theo dõi, đồng thời hỗ trợ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và EU trong vấn đề người tị nạn. Bên cạnh đó, các lực lượng Tuần duyên của NATO cũng đã hỗ trợ Chiến dịch Sophia của EU trong việc chia sẻ thông tin và hậu cần kỹ thuật. Việc này, cho thấy 2 tổ chức này đang tiến lại gần với nhau hơn.
Nga vẫn luôn là thách thức và là kẻ thù tiềm năng đối với NATO vì nhiều căng thẳng vẫn còn tồn tại, bao gồm cả vấn đề các quốc gia vùng Baltic và Ukraine. Vì thế NATO và LB Nga vẫn đang duy trì một đường dây liên lạc mở nhằm nhanh chóng giải quyết các mâu thuẫn giữa 2 bên, tránh những hiểu lầm không đáng có. Tháng 12/2018, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của NATO tại Châu Âu (Tướng Curtis Scaparrotti) đã hội đàm với Tướng Valery Gerasimov - tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang LB Nga tại Baku. Baku - thủ đô của Azerbaijan - được coi là địa điểm hoàn hảo cho các cuộc hội đàm giữa NATO và LB Nga. Trước đây, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tướng Joseph Dunford và Gerasimov cũng đã từng gặp nhau tại Baku với mục đích là giảm bớt căng thẳng và ngăn ngừa những xung đột có thể xảy ra.
Những gì đang diễn ra với thành viên Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một vấn đề nan giải đối với NATO. Cuộc nội chiến Syria đang là tâm điểm trong quan hệ của Ankara và phần còn lại của NATO. Đồng thời theo một số nhà quan sát tại Trung Đông đánh giá, mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ như một "điệu nhảy với quỷ dữ" . Mối quan hệ này khiến sứ mệnh và kế hoạch của NATO trở nên khó khăn và phức tạp. Bên cạnh việc Thổ Nhĩ Kỳ bỏ ngoài tai phản ứng của các đồng minh NATO về việc mua sắm vũ khí từ LB Nga thì cùng với đó không loại trừ khả năng Nga sử dụng các lợi thế ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giành được các mục tiêu chiến lược sẽ giúp Nga có lợi thế trước NATO tại Syria nói riêng và Trung Đông nói chung. Thậm chí với sự án binh bất động của Ankara trước những gì đã xảy đến với Ukraine tại biển Đen và biển Azov cũng cho thấy mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với nước Nga.
Ngoài ra mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Iran cũng là một thách thức với NATO, đặc biệt với vị thế của Mỹ tại Trung Đông. Với việc quân đội Mỹ đang rút quân khỏi Syria, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có tiếng nói hơn cho các vấn đề đã, đang và sẽ diễn ra tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải. Điều này sẽ khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể bành trướng thế lực của mình tại khu vực này, điều mà NATO không muốn hướng đến.
Khi mà thiên hướng của Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nghiêng về thương mại, thúc đẩy việc buôn bán vũ khí được đặt lên trên hết (ông Patrick vốn là một quan chức cấp cao của Boeing trước khi tham gia chính trường), Liên minh NATO cần phải sớm định hình hướng phát triển trong những năm tới, đặc biệt là với các kế hoạch với các nước Baltics hay các khu vực có nguy cơ bất ổn khác./