Mìn sát thương, kẻ thù "vô hình" đến từ lòng đất

Google News

(Kiến Thức) - Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai có một thứ vũ khí vô hình nằm bên dưới mặt đất, có thể hoạt động tới hàng chục năm và chờ đợi kẻ thù phạm sai lầm để tung ra đòn quyết định.

Mìn quân dụng có thể sử dụng cho nhiều mục đích. Đương nhiên, làm tiêu hao binh lính và phương tiện của địch là một trong số đó, nhưng mìn cũng có thể kiểm soát, làm chậm, hay bằng cách nào đó khác, giới hạn khả năng di chuyển chiến thuật của địch. Ví dụ, mìn có thể ngăn cản không cho quân địch sử dụng một số vùng đất hay tuyến đường nào đó, hay là dẫn dắt địch vào một vị trí để tiêu diệt . Hơn nữa, một bãi mìn cũng có thể bảo vệ một địa điểm hay khu vực nhỏ hẹp, ngay cả khi không có sự hiện diện của các lực lượng mặt đất.
Kể từ khi ra đời mìn bộ binh luôn là rào cản lớn nhất ngăn bước tiến của mọi đạo quân. Nguồn: Wiki.
Chiến tranh mìn thực ra là có một lịch sử đáng nể. Ví dụ, các loại mìn sử dụng thuốc súng đã xuất hiện từ tận thế kỷ 13 ở Trung Hoa (chúng được kích nổ theo mệnh lệnh bằng ngòi nổ), và loại mìn kích nổ bằng cơ học đầu tiên được phát triển trong cuộc Nội chiến Mỹ. Trong Thế chiến thứ Nhất, người Đức đã chế tạo các loại mìn chống tăng thô sơ- chỉ là đạn pháo được gắn kíp nổ áp lực, hoặc mìn bằng họp gỗ được kích hoạt bằng áp lực. Tuy nhiên, Thế chiến thứ Hai mới thực sự là khởi đầu của chiến tranh mìn hiện đại, và nhiều khu đất rộng mênh mông đã bị biến thành các vùng đất chết người.
Mìn sát thương
Mìn sát thương, với hàng triệu quả được rải trong Thế chiến thứ Hai, đã trở thành cơn ác mộng của binh lính cả hai bên. Điều này đặc biệt đúng với quân Đồng minh, bởi vì người Đức là bậc thầy về thiết kế mìn sát thương.
Mìn sát thương khó có thể giết người được nhưng nó có thể khiến đối phương bị thương tật vĩnh viễn. Nguồn: Pinterest.
Binh lính đặc biệt sợ các loại mìn “nhảy”, như là quả S-Mine 35. Nó có thể được kích hoạt bằng áp lực, dây bẫy hay tín hiệu điện và sau khi kích hoạt một lúc thì phần chứa khoảng 360 viên bi thép bên trong sẽ được phóng lên trên không trung khoảng một mét và phát nổ. Kết quả là một đám mây các mảnh đạn chết người bay tứ phía. Để đáp trả Đồng minh chế tạo các thiết bị dò mìn điện vào năm 1942, người Đức cũng phát triển loại mìn Schu-Mine có phần thân làm bằng gỗ và mìn Glas-Mine làm bằng thuỷ tinh khiến chúng gần như không thể bị phát hiện bởi các thiết bi điện tử.
Kết hợp với hàng tá loại mìn sát thương khác của Đức, những vũ khí thế này đã khiến cho các khu đất rộng lớn trở thành những cái bẫy chết người đối với những kẻ không cảnh giác, hay ít nhất trở thành những chướng ngại vật làm tiêu hao thời gian. Ví dụ, các quả mìn Schu-Mine đôi khi được chôn sâu dưới mặt đất khoảng 12 hàng và chỉ cách nhau khoảng 51cm. Tuy nhiên, quân Đức cũng hứng chịu những tổn thất trong bãi mìn rộng lớn của quân Đồng minh, đặc biệt ở mặt trận phía Đông và ở Bắc Phi. Chỉ riêng Liên Xô đã rải hai triệu quả mìn cho đến khi chiến tranh kết thúc, mặc dù họ chỉ mới công nhận giá trị của mìn vào năm 1941. Các bãi mìn ở Mỹ, theo lý thuyết chiến thuật của họ,thường được yểm trợ bởi súng máy và súng cối, khiến cho những quả mìn ở dưới chân không phải là mối nguy hiểm duy nhất đối với những ai muốn vượt qua.
Mìn chống tăng
Chiến tranh thiết giáp ra đời là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của chiến tranh mìn. Ngoài các thử nghiệm trong Thế chiến thứ Nhất của Đức ra, thì người Ý là quốc gia đầu tiên sử dụng mìn chống tăng, dạng Type 9. Về căn bản loại mìn này là một hộp gỗ dài chứa 3kg thuốc nổ , được kích nổ bằng áp lực lên nắp hộp.
 Mìn chống tăng cỡ lớn của Liên Xô. Nguồn: Pinterest.
Tiếp nối tài năng về chiến tranh mìn của mình, người Đức đã chế tạo ra một vài loại mìn chống tăng tốt nhất trong thế chiến, trong đó có bốn mẫu mìn Tellermine, mỗi mẫu đều có khả năng phá huỷ xe tăng Đồng minh, hay ít nhất là phá tan phần xích. Nhiều mẫu mìn trong số này có phần thân được gắn thêm các thiết bị ngăn cản việc phá mìn, hay có ngòi nổ phụ để gắn thêm mìn cùng loại (như là mìn sát thương thứ cấp), để tăng sự nguy hiểm và trở ngại cho việc phá mìn lên gấp nhiều lần.
Người Anh tỏ ra chậm chạp trong việc sản xuất đủ số lượng mìn chống tăng, và mẫu đầu tiên của họ là MK IV. Về căn bản đây là một khay nướng bánh chứa đầy 3,75kg TNT hay Baratol và được gắn ngòi nổ áp lực. Tuy nhiên, vì dễ bị kích hoạt bởi các vụ nổ ở gần bên, nó đã được thay thế bởi loại Mk V ít nhạy cảm hơn. Quân đội Mỹ cũng sử dụng các loại mìn chống tăng như M1, M1A1m và M4.
Nhiều loại mìn sát thương đươc cố ý thiết kế chứa lượng thuốc nổ đủ để cắt đứt lìa một bàn chân hay một chân, để tiêu hao nhân lực của địch qua việc sơ tán thương binh và quá trình hồi phục kéo dài. Mìn sát thương và chống tăng được đặt trộn lẫn trong các bãi mìn hỗn hợp, hoặc được liên kết với các bẫy thông minh hiểm ác. Trong số các xe tăng bị phá huỷ hay hư hại trong Thế chiến thứ Hai, có đến 30% là do mìn và cho đến ngày nay, hàng ngàn người trên khắp thế giới vẫn bị giết bởi quả mìn “một thời vang bóng” lẫn các quả mìn mới được chôn trong các cuộc xung đột mới đây.
Mời độc giả xem video: Cấu tạo của một quả mìn sát thương S-Mine của Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. (Nguồn Lightning War)
Tuấn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)