Mỹ bán F-35 cho Singapore để "kìm chân" Trung Quốc?

Google News

Singapore có thể trở thành đồng minh thứ tư của Mỹ tại Thái Bình Dương sở hữu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm F-35, một động thái có thể khiến Trung Quốc thêm lo ngại.
 

Phát biểu tại quốc hội Singapore tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen công bố kế hoạch mua 12 tiêm kích F-35 của Mỹ. Hợp đồng này còn chờ quốc hội Mỹ phê duyệt nhưng Singapore tự tin rằng thỏa thuận nhận được sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump và Lầu Năm Góc.
Nếu thỏa thuận được thông qua, Singapore sẽ trở thành nước thứ tư trong khu vực Biển Đông và các vùng biển lân cận sở hữu tiêm kích tối tân của Mỹ.
F-35 được trang bị công nghệ tàng hình vượt trội, đồng thời có khả năng giúp phi công thực hiện những sứ mệnh phối hợp tác chiến với hiệu quả tối ưu. Diễn biến mới nhất trong chuyển động quốc phòng của khu vực có thể khiến Trung Quốc cảm thấy lo ngại.
My ban F-35 cho Singapore de
 Một chiếc F-35B thế hệ mới chuẩn bị cất cánh trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh. Hệ thống tác chiến điện tử cho phép F-35 của nhiều nước đồng minh cùng hiệp đồng tác chiến. Ảnh: Getty.
Ổn định khu vực
Bộ Quốc phòng Singapore lên kế hoạch hiện đại hóa kho vũ khí tới năm 2030 nhằm cải thiện năng lực phòng vệ, với mục tiêu "lực lượng vũ trang thế hệ kế tiếp sẽ thiện chiến hơn trong mọi khía cạnh". Singapore dự kiến mua hàng chục vũ khí và khí tài quân sự thế hệ mới, trong đó sự bổ sung đắt giá nhất chính là phi đội F-35.
Tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm do Mỹ chế tạo được đánh giá là sở hữu công nghệ khí động học, động cơ và vũ khí ưu việt. Mỹ từng quảng bá F-35 là máy bay hiệu quả kinh tế, thiện chiến và có khả năng bảo vệ phi công tốt nhất từ trước đến nay, theo CNN.
Giới phân tích cho rằng quyết định mua F-35 của Singapore là chỉ dấu thể hiện mối quan ngại ngày càng lớn tại châu Á về những tham vọng của Trung Quốc. Singapore nằm ở phía tây nam Biển Đông, một trong những vùng biển đang có nhiều diễn biến an ninh phức tạp tại khu vực.
Trung Quốc đơn phương áp đặt chủ quyền trên gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, đe dọa sử dụng vũ lực bằng nhiều lực lượng. Trong những năm qua, nước này vẫn tiếp tục hoạt động cải tạo và quân sự hóa trái phép tại nhiều thực thể trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực và quốc tế.
"Singapore có thể không tin tưởng những đảm bảo của Trung Quốc rằng họ có ý định tử tế tại Biển Đông, rằng họ không có mục tiêu quân sự và không tham vọng kiểm soát thương mại hàng hải lẫn hàng không tại đây", Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Hợp tác Tình báo thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, nhận định.
Một khi sở hữu F-35, Singapore sẽ cùng các đồng minh của Mỹ là Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng loại tiêm kích tàng hình này trong phạm vi Thái Bình Dương. Mỹ có F-35 đóng tại Nhật Bản và có thể phối hợp cùng tàu chiến hoạt động ở khu vực. Hải quân Anh, một đồng minh khác của Mỹ, cũng thông báo sẽ đưa tàu sân bay có phi đội F-35 đến Biển Đông trong năm 2020.
Các quan chức Mỹ về mặt chính thức đã phủ nhận ý tưởng theo đuổi mô hình chiến tranh lạnh hoặc chiến lược ngăn chặn Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Dù vậy, quyết định mua F-35 của Singapore có nguy cơ khoét sâu thêm những chia rẽ giữa hai siêu cường.
"Bắc Kinh sẽ nhìn nhận diễn biến này như một chỉ dấu rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn rất cần sự hiện diện của Mỹ", Timothy Heath, nhà phân tích cấp cao tại tập đoàn quốc phòng RAND, đánh giá.
My ban F-35 cho Singapore de
Đội hình F-15SG của Singapore trình diễn trong lễ quốc khánh năm 2018. Trong tương lai, các máy bay này sẽ hoạt động phối hợp cùng F-35. Ảnh: Getty. 
Năng lực phối hợp giữa các đồng minh
Hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến giúp tối ưu hóa hiệp đồng tác chiến giữa các nước đồng minh cùng sở hữu F-35. Điều này có thể gây nên quan ngại cho Bắc Kinh.
"Mạng lưới nhiều lực lượng không quân cùng sử dụng F-35 mở ra khả năng quân đội các nước này hiệp đồng tác chiến nếu cần thiết. Diễn biến này gửi một thông điệp răn đe mạnh mẽ đến Trung Quốc nếu cân nhắc cách hành xử của chính họ trên những vùng biển khu vực như Biển Đông hoặc Hoa Đông", Timothy Heath đánh giá.
Peter Layton, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Grffith Châu Á của Australia, cũng cho rằng năng lực tác chiến tàng hình và điện tử của F-35 giúp tiêm kích "tăng sức mạnh theo cấp số nhân".
F-35 có thể đóng vai trò tiên phong, xâm nhập hàng rào phòng không của đối thủ. Thông tin chi tiết về mục tiêu sẽ được gửi ngược về cho máy bay bọc hậu có vũ trang tên lửa tầm xa. Mục tiêu cũng có thể được triệt hạ bằng các hệ thống tên lửa.
"Thương vụ này sẽ buộc Trung Quốc phải tìm cách cải thiện mạng lưới phòng không tại Biển Đông và các tàu quân sự để phát hiện và đối phó với máy bay tàng hình như F-35 của Singapore", Layton cảnh báo.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc phản ứng khá tự tin khi các đồng minh Mỹ mua F-35 thời gian qua. Trong một bài bình luận vào tháng 1, Global Times cho rằng "vòng tròn bạn bè F-35 của Mỹ" chưa đến mức trở thành mối đe dọa cho nước này tại khu vực.
Giới phân tích nước này còn cho rằng J-20, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm của Trung Quốc, sẽ vượt mặt được F-35.
Không muốn liên minh quân sự
Thông điệp lo ngại an ninh của Singapore vẫn được truyền tải một cách chừng mực. Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen không đề cập đến Trung Quốc. Ông chỉ nhấn mạnh những vũ khí mới nằm tăng khả năng bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.
Singapore cũng tuyên bố lộ trình mua F-35 sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng, với đơn hàng đầu tiên chỉ gồm bốn chiếc. Số tiêm kích còn lại sẽ được bổ sung nếu Singapore nhận thấy lô hàng đầu tiên đáp ứng những nhu cầu của nước này.
Ông Ng Eng Hen cho biết phi đội F-35 sẽ được dùng để thay thế những chiếc F-16 đang hoạt động trong biên chế không quân Singapore. Tiêm kích thế hệ cũ sẽ sớm trở nên lạc hậu trong vòng một thập niên tới.
My ban F-35 cho Singapore de
Nhóm bay gồm hai chiếc F-16 và một chiếc F-15 của không quân Singapore. Bộ trưởng Ng Eng Hen cho biết những chiếc F-16 đến năm 2030 sẽ trở nên lạc hậu. Ảnh: Getty. 
Singapore là một đồng minh truyền thống và thân thiết với Mỹ. Nhóm Hậu cần Tây Thái Bình Dương (COMLOG Westpac) của Hải quân Mỹ có cơ sở ở Singapore, phụ trách việc hậu cần và tiếp tế cho tàu quân sự Mỹ. Tuy nhiên, "đảo quốc sư tử" không chủ động đóng góp vai trò lớn trong vấn đề quân sự khu vực.
"Dù có quan hệ tốt với Mỹ, Singapore không muốn nhận vai trò dẫn dắt thách thức sức mạnh của Trung Quốc vì họ là một nước nhỏ và có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc", Timothy Heath nhận định.
"Singapore cũng không muốn chọc giận Trung Quốc. Họ có xu hướng hành động âm thầm và tế nhị hơn trong vấn đề quân sự", Schuster đánh giá.
Tuy nhiên, thái độ chừng mực của Singapore không đồng nghĩa với yếu kém về quốc phòng. Theo đánh giá của Viện Lowy (Australia), Singapore có sức mạnh quân sự xếp thứ 10 trong 25 nước châu Á. Ưu thế của Singapore là hệ thống vũ khí và khí tài quân sự hiện đại cùng với quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ trong khu vực.
"Singapore nhìn nhận vai trò của mình trong khu vực là một tác nhân cầu nối an ninh và ổn định, không phải một thành viên trong bất kỳ liên minh quân sự nào chống lại một nước khác", Schuster đánh giá.
Theo Thanh Danh/Zingvn

>> xem thêm

Bình luận(0)