Tiêm kích Chengdu J-10 được xem như "con cưng" của Không quân Trung Quốc, nó được xem là biến thể phát triển từ chiếc chiến đấu cơ IAI Lavi do Israel âm thầm chuyển giao công nghệ cho Bắc Kinh bất chấp sự ngăn cản của Mỹ.
J-10 được xem như bước đột phá của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc bởi vì từ trước đến nay các máy bay do họ sản xuất đều là phiên bản sao chép gần như nguyên vẹn từ các dòng tiêm kích của Liên Xô trước kia và nước Nga ngày nay.
Từ phiên bản J-10A ban đầu cho tới J-10B hiện nay là cả một chặng đường dài liên tục phát triển. Ban đầu máy bay vẫn phải sử dụng động cơ AL-31FN do Nga cung cấp nhưng đã được Trung Quốc thay thế bằng biến thể nội địa có tính năng kỹ chiến thuật vượt trội.
|
Tiêm kích đa năng hạng nhẹ Chengdu J-10A của Không quân Trung Quốc |
Sau một thời gian ngắn sử dụng, phiên bản J-10A đã không còn được sản xuất do phát hiện ra lỗi ở cửa hút khí, khiến cho máy bay khó đạt vận tốc siêu âm như thiết kế cũng như hạn chế khả năng vận động linh hoạt khi không chiến cự ly gần.
J-10A chỉ được sản xuất với số lượng hơn 100 chiếc trước khi Tập đoàn công nghiệp hàng không Thành Đô bắt tay vào chế tạo biến thể J-10B với cửa hút gió mới được thiết kế lại đã khắc phục triệt để nhược điểm ở phiên bản cũ.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 21, Tập đoàn Thành Đô đã bàn giao chiếc J-10 thứ 500 cho không quân nước này, đánh dấu bước tiến lớn đối với dòng tiêm kích hạng nhẹ xương sống trên.
|
Số lượng tiêm kích J-10 được dự báo sẽ sớm vượt qua con số 1.000 chiếc |
Tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2018 (Zhuhai Airshow 2018), Trung Quốc đã chính thức cho ra mắt phiên bản nâng cấp tiếp theo của chiếc J-10B với động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) nội địa cùng radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) tối tân.
Dự kiến phiên bản tiêm kích J-10 trang bị những thành phần trên sẽ được sản xuất hàng loạt dưới tên định danh J-10C, tính năng kỹ chiến thuật của nó theo đánh giá thì còn vượt trội cả F-16 Block 70/72, JAS-39NG Gripen cũng như Eurofighter Typhoon.
Sau khi sản xuất với số lượng tạm đủ dùng cho Không quân Trung Quốc, Tập đoàn Thành Đô có thể sẽ sớm xúc tiến việc bán tiêm kích J-10 ra nước ngoài, rất nhiều đối tác đã tỏ ý quan tâm đến chiếc J-10C.