Theo mạng Nhân dân Nhật báo, Không quân Trung Quốc đã tìm thấy hộp đen của chiếc tiêm kích J-10 gặp nạn vào tối 12/11. Tuy nhiên sau hơn 3 ngày Bắc Kinh vẫn chưa hề ra bất cứ thông báo chính thức nào về vụ tai nạn nghiêm trọng trên và vụ việc trên nhiều khả năng sẽ rơi vào im lặng như các lần tai nạn trước đây của J-10.
Trước đó vào sáng 12/11, hai chiếc chiến đấu cơ J-10 thuộc phi đội bay biểu diễn Bát Nhất của Trung Quốc trong lúc bay huấn luyện đã xảy ra va chạm trên không khiến một trong hai chiếc lao xuống cánh đồng thuộc huyện Ngọc Điền, tỉnh Hà Bắc. Vụ tai nạn trên đã khiến nữ phi công Yu Xu một trong những phi công kỳ cựu của đội bay Bát Nhất tử vong, còn nam phi công điều khiển chính trên chiếc J-10 xấu số may mắn sống sót nhờ nhảy dù kịp thời.
|
Phi đội bay biểu diễn Bát Nhất với những chiếc J-10A trước khi xảy ra tai nạn. Nguồn ảnh: Airplane Pictures.
|
Công tác cứu hộ chiếc tiêm kích J-10 gặp nạn diễn ra suốt hai ngày từ 12-13/11, lực lượng cứu hộ Trung Quốc chỉ rút đi sau khi các mảnh vỡ và hộp đen của chiếc máy bay được thu hồi.
Được biết, đây là lần thứ 4 trong suốt ba năm qua J-10 xảy ra tai nạn nhưng lại là lần đầu tiên xảy ra sự cố chết người. Điều này càng khiến người ta đặt câu hỏi về chất lượng của dòng chiến đấu cơ chủ lực J-10 mà Không quân Trung Quốc luôn tự hào.
Còn về nguyên nhân vụ tai nạn J-10 mới đây, vẫn chưa thực sự có lời giải khi có nhiều luồng ý kiến khác nhau về sự cố này. Tuy nhiên phần nhiều vẫn tập trung vào chất lượng của J-10 trang thiết bị điện tử lẫn hệ thống động cơ mà nó được trang bị hơn là lỗi của phi công. Sở dĩ nói như vậy bởi thành viên của đội bay Bát Nhất luôn là các phi công kỳ cựu nhất của Không quân Trung Quốc kể cả các phi công nữ trong đó có Yu Xu, dó đó để xảy ra va chạm trên không là điều rất khó có thể xảy ra.
|
Nữ phi công Yu Xu một trong những phi công xuất sắc của phi đội Bát Nhất, phi công đầu tiên thiệt mạng khi tham gia điều khiển một chiếc J-10. Nguồn ảnh: People.cn.
|
Từ khi được giới thiệu từ năm 2005 cho tới nay, Trung Quốc đã nhiều lần nâng cấp và cải tiến J-10 với nhiều biến thể khác nhau, được đánh giá cao nhất trong số đó có lẽ J-10B - biến thể khiến Không quân Trung Quốc hài lòng nhất. Tuy nhiên, phiên bản này vẫn chưa được đưa vào sử dụng rộng rãi. Đa phần, các đơn vị Không quân Trung Quốc kể cả Bát Nhất vẫn đang dùng phiên bản J-10A vốn gặp nhiều vấn đề thiết kế.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng chính việc sử dụng hệ thống động cơ phản lực AL-31FN của Nga chính là nguyên nhân dẫn tới việc J-10 xảy ra sự cố. Dù trên thực tế mẫu động cơ này được đánh giá là một trong những mẫu động cơ phản lực tốt nhất thế giới nhưng nó lại không tương thích với thiết kế của J-10.
Tuy nhiên J-10 lại không có sự lựa chọn nào khác ngoài AL-31FN khi dòng động cơ phản lực nội địa WS-10A dành cho nó hoàn toàn không đáng tin cậy và Không quân Trung Quốc không muốn tạo thêm rủi ro cho kế hoạch đưa vào trang bị J-10 vốn được cho sẽ lên tới con số 1.000 chiếc.
|
Biến thể J-10B có thể chưa phải là câu trả lời cho Không quân Trung Quốc khi nó còn đầy khiếm khuyết. Nguồn ảnh: Chinese Military |
Vấn đề còn lại chính là thiết kế của J-10, nói rõ hơn là J-10 có thiết kế khí động học không được ổn định do đó nó phụ thuộc khá nhiều vào hệ thống kiểm soát bay. Điều này càng tệ hơn khi biến thể J-10 được trang bị kiểu cửa hút khí khuếch tán siêu âm. Dù nó cải thiện tốc độ bay lẫn khả năng cơ động trên không của J-10 nhưng lại làm máy báy trở nên kém ổn định khiến nhiệm vụ của hệ thống kiểm soát bay càng trở nên phức tạp.
Nhìn chung hiện tại rất khó xác định nguyên nhân thật sự của vụ tai nạn J-10 hôm 12/11 nếu như Trung Quốc không công bố dữ liệu bên trong hộp đen của máy bay cũng như thông tin điều tra sơ bộ ban đầu. Và dù kết quả có thế nào cũng sẽ tạo bất lợi lớn chương trình trang bị J-10 của Trung Quốc.