Theo nguồn tin quân sự trang Military.com có được cho biết, nguyên nhân ban đầu khiến chiếc tiêm kích F-35B lao xuống đất nhiều khả năng do khoang vũ khí phát hỏa.
Dù Lầu Năm Góc chưa chính thức xác nhận thông tin này nhưng đây là lỗi thường thấy trên biến thể F-35B tại chính Không đoàn VMFAT-501.
Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, Không đoàn VMFAT-501 đã xảy ra ít nhất 3 vụ tai nạn nỏ liên quan đến chiếc F-35B. Phần lớn đều xảy ra khi vừa cất cánh và khoang vũ khí của F-35B bốc cháy, nhưng phi công phản ứng kịp thời và hạ cánh an toàn, không có thương vong hoặc hỏng hóc lớn.
Tuy nhiên, vụ việc hôm 28/9 do chiếc F-35B đang bay ở độ cao lớn nên viên phi công điều khiển đã không kịp hạ cánh và hậu quả đáng tiếc đã xảy ra. Chính Không quân Mỹ thừa nhận, không chỉ có F-35B mà phiên bản dùng cho Không quân là F-35A cũng từng nhiều lần phát hỏa từ khoang vũ khí và động cơ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa có cách nào khắc phục triệt để lỗi chết người này.
|
Theo nhiều nhà phân tích quân sự vụ tai nạn của F-35B hôm 28/9 vừa qua nhiều khả năng bắt nguồn từ khoang vũ khí bên trong máy bay. |
Hồi giữa năm 2016, một chiếc F-35A thuộc Đội Tiêm kích số 58 cũng bất ngờ phát lửa và thiêu rụi phần đuôi trước khi vụ việc được dập tắt hoàn toàn khi chiếc máy bay này chuẩn bị cất cánh. Viên phi công đã ngưng được chiếc máy bay và rời khỏi hiện trường.
Đội cứu nạn khẩn cấp đã có mặt và dập tắt đám cháy. Ngay sau đó, toàn bộ tiêm kích F-35A khác đã bị "đắp chiếu" vì lý do an toàn. Thậm chí phát ngôn viên của Không quân Mỹ còn đề nghị chỉ huy các căn cứ Patuxent, Maryland và Eglin cho trùm mền F-35 nếu cần thiết.
Sau khi hoàn tất điều tra, nguyên nhân của vụ cháy được tiết lộ. Theo bản báo cáo của Hội đồng Điều tra Tai nạn thuộc Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo Hàng không (AETC) của Mỹ, một cánh tay tích hợp nằm trong rotor quay đã bị nứt và gãy ra trong khi chiếc F-35A cất cánh.
Mảnh vỡ này đã cắt xuyên qua lồng cánh quạt trong động cơ, khoang động cơ cũng như bình nhiên liệu nằm trong thân máy bay và hệ thống thuỷ lực. Sau cùng nó văng ra ngoài ở vị trí phần trên thân máy bay. Vết cắt mà nó tạo ra đã tạo điều kiện của cho nhiên liệu rò rỉ, dẫn tới bắt lửa và làm cháy xém 2/3 chiếc máy bay đắt đỏ này.
Các chuyên gia Mỹ cho rằng, các siêu tiêm kích tàng hình của Mỹ đã xuất hiện vấn đề nghiêm trọng với thùng chứa nhiên liệu, hay nói đúng hơn, các lớp vật liệu cách nhiệt trong hệ thống làm mát của khoang nhiên liệu máy bay không thể sử dụng bình thường được.
Điều hiển nhiên là tất cả mọi thứ liên quan với hệ thống nhiên liệu đều rất nghiêm trọng. Trong khi đó, chương trình chế tạo F-35 đã tiêu tốn khoảng 1,5 nghìn tỷ USD (kể cả lạm phát), để trở thành chương trình sản xuất vũ khí đắt đỏ nhất trên toàn thế giới.
Những nhà thiết kế chế tạo máy bay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trên tất cả các bộ phận kết cấu thân máy bay và các hệ thống vận hành của nó. Máy bay đã bị chậm đưa vào biên chế ít nhất là 7 năm so với dự tính. Vậy mà, các vấn đề vẫn liên tục phát sinh.
Nhà bình luận quân sự Nga Viktor Baranesh nhận xét tình hình máy bay của Mỹ trên Sputnik rằng, một trong những vấn đề hàng không quan trọng nhất liên quan đến độ bền vững của các thùng nhiên liệu. Thường là chúng phải được chế tạo bằng các loại vật liệu siêu bền, ví dụ như Titan.
Người Mỹ muốn thể hiện mình có trình độ cao đến nỗi có thể bỏ qua các định luật vật lý nên đã làm thùng chứa xăng bằng vật liệu tổng hợp, nhưng loại vật liệu này có một nhược điểm lớn là không bền, khi quá tải nghiêm trọng, chúng bắt đầu vỡ vụn ra từng mảnh. Và khoang chứa vũ khí của F-35 thường phát cháy được cho là có liên quan đến loại vật liệu không thực sự tin cậy Mỹ sử dụng.
Được biết, chiếc F-35B của Thủy quân Lục chiến Mỹ rơi vào lúc 11h45 (giờ địa phương) ngày 28/9 tại khu vực gần căn cứ Beaufort ở bang Nam Carolina. Trong video được quay gần hiện trường tai nạn, một cột khói đen lớn bốc lên từ xác máy bay, nhưng ngọn lửa không gây đám cháy cho khu vực xung quanh.