Các chuyên gia quân sự dự báo chiến sự Nga - Ukraine sẽ khốc liệt hơn trong năm 2024.
Đầu năm 2023, phương Tây tràn trề hy vọng về cuộc phản công của Kiev có thể làm thay đổi cục diện chiến sự Nga - Ukraine, qua đó khép lại xung đột này, giảm thiểu những rủi ro lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng điều đó đã không xảy ra.
Có nghĩa rằng, chiến sự Nga - Ukraine sẽ còn kéo dài, giao tranh có thể ác liệt hơn trong năm 2024, đặc biệt là xung quanh Bakhmut và Avdiivka ở miền Đông Ukraine, nơi có những trung tâm cung ứng lương thực, nguyên liệu ra thế giới.
Do vậy, những tác động tiêu cực từ chiến sự Nga - Ukraine không hề thuyên giảm trong năm 2024 - cho dù tác động này diễn ra một cách âm thầm lặng lẽ. Một năm chiến tranh nữa ở Ukraine chắc chắn sẽ làm cạn kiệt nguồn lực của đầu tàu kinh tế, khoa học công nghệ hàng đầu thế giới.
Dự báo kinh tế ngắn hạn tại châu Âu không mấy sáng sủa, tăng trưởng năm nay khoảng 0,5%, năm 2024 là 0,9%, và 1,5% cho năm 2025, đặc biệt nền kinh tế lớn nhất “lục địa già” Đức âm 0,1% năm 2023. Như vậy, tăng trưởng kinh tế châu Âu có thể sẽ thấp hơn nhiều so với Mỹ, Ấn Độ và trung bình toàn cầu.
Năng lượng không còn là nỗi lo lớn trong năm 2024, nhưng Nga và Ukraine là vựa lương thực của thế giới - giá lương thực tăng vọt sẽ tác động mạnh đến hàng chục quốc gia ở châu Phi và Trung Đông, gây khó khăn cho nhiệm vụ chống lạm phát.
Xung đột ở miền Đông Ukraine tiếp tục làm đình trệ nghiêm trọng chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm, cắt nguồn cung từ các cảng của Ukraine - nơi tập trung xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, bao gồm dầu hướng dương, các các loại ngũ cốc ngô, lúa mì. Đặc biệt dầu hướng dương và lúa mì là hai sản phẩm mà Ukraine chiếm tỷ trọng lần lượt 48% và 13% tổng lượng cung toàn cầu.
Theo thống kê, 80% quốc gia ghi nhận lạm phát giá lương thực cao hơn lạm phát chung, cùng với tình trạng mất an ninh lương thực đang diễn ra một cách trầm trọng ở các quốc gia đang phát triển, số người bị mất an ninh lương thực đã tăng lên hơn 345 triệu ở 82 quốc gia.
Cuộc chiến này tiếp tục gây áp lực lên an ninh lương thực toàn cầu.
Vẫn còn đó 12 gói cấm vận mà châu Âu và Mỹ nhằm vào Nga - ngày càng phát huy hiệu lực mạnh hơn. Ngoài lương thực, năng lượng, một số kim loại thiết yếu như nhôm, niken, palladium, vàng... phục vụ nhiều ngành công nghiệp cốt lõi bị đứt đoạn nguồn cung.
Những giá trị công nghệ không thể thay thế do người Nga tạo ra, như công nghệ nhà máy điện hạt nhân, máy bay, tàu thủy, thiết bị hàng hải, y học hạt nhân, và hàng loạt sản phẩm công nghiệp chế tạo máy dần biến mất khỏi thị trường do vướng lệnh cấm vận. Ảnh hưởng đến tầng kinh tế vi mô rất khó thống kê hết.
Hiện tại, Nga - nền kinh tế xếp hạng 11 toàn cầu tính theo quy mô GDP, phải giành ít nhất 1/3 chi tiêu cho chiến tranh tương đương 10,8 nghìn tỷ ruble (hơn 111 tỷ USD), chiếm khoảng 6% GDP Nga và tăng 68% so với chi tiêu quân sự năm trước đó.
Các chuyên gia quân sự cho rằng “quỹ đạo” mà chiến sự Nga - Ukraine diễn ra vào năm 2024 sẽ chủ yếu được quyết định ở cách xa hàng ngàn dặm từ Mỹ, quốc gia ủng hộ quân sự lớn nhất cho Ukraine, và liệu viện trợ có sụt giảm trong thời gian sắp tới?