"Cho miếng đất thì em mới đẻ"
Cái ngày cầu hôn và Thúy Lan giao hẹn phải 30 tuổi mới sinh con, Phong đồng ý vội vì nghĩ cứ cưới liền tay cái đã, kẻo đẹp như Lan là dễ bị "thằng" khác cuỗm mất. Anh cũng nghĩ, giờ còn độc thân thì nhõng nhẽo thế thôi, chứ lấy chồng rồi cô nào chả thích đẻ, nếu còn ngại thì khuyên giải chút là được.
Cưới nhau xong, anh cũng không giục giã chuyện con cái ngay vì bản thân Phong cũng muốn có thời gian son rỗi, vợ chồng cùng hưởng thụ những tháng mật ngọt. Sang năm thứ hai, thấy bố mẹ bắt đầu nhắc, Phong cũng đánh tiếng với vợ chuyện sinh con. Thúy Lan nhắc ngay: "Anh quên anh hứa gì với em rồi à?".
Thuyết phục một hồi không được, Phong tặc lưỡi, dù sao cũng chưa phải muộn màng gì, người đẹp như Thúy Lan, muốn giữ vóc dáng là chuyện đương nhiên. Nhưng sang năm thứ ba thì anh thèm có con thật sự, bởi những bạn bè cưới cùng đợt thì con đã đi lớp rồi. Nhưng nói kiểu gì thì nói, Thúy Lan kiên quyết bắt đợi đến tuổi 30.
"Lúc đó em sẽ đẻ liền 3 năm 2 đứa cho anh luôn, để còn giảm béo một thể", cô hứa, và tỏ ra không muốn bàn tiếp chuyện này nữa. Thấy chồng vẫn muốn "trình bày", Lan gắt lên: "Anh coi tôi là cái máy đẻ phải không? Thiên chức thiên chức cái gì, nói thì hay lắm. Tôi mà đẻ con, sồ sề ra thì anh kiểu gì chả đi cặp bồ rồi trách móc tôi không biết giữ dáng để níu chân chồng"...
Phong sốt ruột không chỉ vì thèm tiếng trẻ thơ, hay bị bố mẹ giục giã, mà còn bởi các tài liệu anh đọc đều nói rằng, đến tuổi 30, khả năng sinh đẻ của phụ nữ giảm rất nhiều, các rủi ro tăng cao, nên muốn vợ sinh con trong cái tuổi thuận lợi nhất cho việc ấy. Vì thế, Phong tìm đủ mọi cách, vừa nịnh nọt, thuyết phục vừa gây sức ép, và cuối cùng vợ anh bảo: "Thôi được, em sẽ đẻ, với điều kiện miếng đất mà bố mẹ cho vợ chồng mình, anh sang tên luôn cho em như là tài sản riêng. Sau này em xấu xí, anh léng phéng với ai thì coi như đó là phần đền bù".
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Phong rất khó xử. Anh chẳng tiếc gì vợ, nhưng miếng đất đấy của bố mẹ anh, tuy rằng đã cho hai vợ chồng nhưng nếu biết anh sang tên hẳn cho vợ như là tài sản riêng của cô thì chắc chắn ông bà sẽ làm ầm lên, nhà cửa sẽ xào xáo. Vì thế, anh ra sức thuyết phục vợ là sẽ đền cho khoản khác, nhưng Thúy Lan dứt khoát không chịu, bảo thế thì anh cứ đợi đến thời điểm đã định. Phong cáu, cũng chẳng thèm nhắc đến chuyện con cái nữa.
Cũng chưa muốn sinh con dù đã cưới 4 năm nhưng lý do mà Bảo Ngọc đưa ra lại là sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp đang đà "thăng" rất thuận lợi. "Em đã mất bao công sức và tâm huyết mới có vị trí này, các sếp có ý bồi dưỡng em lên phó giám đốc, giờ mà đẻ là coi như stop hết. Để vài năm nữa mọi thứ ổn định thì em đẻ", Bảo Ngọc nói.
Thấy chồng tỏ ý lo lắng vì giờ cô đã ở tuổi 30, vài năm nữa thì biết "máy móc" có trục trặc gì không, Ngọc tuyên bố chắc nịch: "Bây giờ khoa học phát triển, anh không thấy các ngôi sao Hollywood toàn ngoài 40 mới sinh con mà vẫn ngon lành à".
Dĩ nhiên cả chồng lẫn nhà chồng của Bảo Ngọc đều không chấp nhận chuyện ấy. Với quyền lực của người chồng, anh ép vợ quan hệ tình dục mà không dùng bao cao su. Cuối cùng thấy vợ cũng chịu phép, ông xã mừng, hy vọng, đợi chờ. Nhưng chờ mãi chẳng thấy gì, anh bèn lén lục túi xách của vợ, cũng như tất cả những hộc tủ, ngóc ngách trong nhà để tìm thuốc tránh thai, cũng không phát hiện điều gì khả nghi.
"Em có vấn đề gì phải không? Sao thả mãi mà không có bầu?", anh hỏi vợ.
Bảo Ngọc bảo, để em đi khám xem sao. Và trong khi Ngọc vẫn cứ điệp khúc chưa tìm ra nguyên nhân, sẽ đi khám chỗ khác... thì sự thật vô tình lộ ra bởi một đồng nghiệp của Ngọc, khi anh dự liên hoan cuối năm với công ty vợ. Chẳng là hai cô gái đang nói chuyện với nhau về làm đẹp và trị mụn. Một cô khuyên: "Cậu thử dùng thuốc tránh thai đi, loại mà chị Ngọc vẫn uống ấy, vì từ hồi uống thuốc đó, da chị ấy đẹp hơn hẳn, không còn cái mụn nào".
Trong đầu chồng Ngọc chợt à lên một tiếng: chuyện đơn giản thế mà anh lâu nay không đoán ra, Ngọc đã để thuốc tránh thai ở cơ quan và uống hằng ngày. Chỉ có ngày chủ nhật ở nhà, việc giấu một viên thuốc bé xíu đối với cô chẳng khó khăn gì.
Tối đó hai vợ chồng "chơi bài ngửa" với nhau. Bảo Ngọc bảo, một là chờ cô, hai là kiếm cho cô mấy tỷ gọi là tiền đảm bảo tương lai. "Cô điên à? Tôi phải bỏ tiền thuê cô đẻ à?", chồng Ngọc hét. Họ cãi nhau, đánh nhau rồi ai bỏ về nhà mẹ đẻ người ấy.
"Treo giải" để kiếm con, kiếm cháu
Vị sếp nọ đã ly dị bà vợ chỉ sinh cho ông 2 "thị mẹt", và dù đã ở tuổi "sồn sồn" nhưng vì có tiền nên ông vẫn nuôi mộng kiếm một đứa con trai. Lấy vợ để đẻ thì dĩ nhiên phải kiếm cô trẻ, xinh xắn cao ráo một chút để con trai ông còn được hưởng gene tốt. Ông nửa đùa nửa thật đánh tiếng rằng cô nào sinh cho ông một đứa con trai thì ông cho hẳn cái nhà. Chuyện ấy trở thành đề tài bàn tán xôn xao của đám nhân viên và những người quen biết ông, ai cũng thắc mắc không biết ông nói thật hay đùa, và hào hứng chờ đợi em rốt cục thì điều gì xảy ra.
Quả nhiên vị sếp đó lấy vợ, một cô gái đủ xinh, đủ trẻ, có bằng đại học. Lấy nhau được 5 tháng thì cô ấy sinh con trai. Không nén được tò mò, lợi dụng lúc ông đang sung sướng, có người hỏi vậy ông có giữ lời hứa, thưởng cho vợ căn nhà hay không. Ông bảo có chứ, đang làm thủ tục rồi. Họ lại hỏi, vợ trẻ có của riêng như vậy nhỡ bỏ ông đi lấy chồng trẻ thì sao, ông nói: "Có sao đâu, bỏ thì bỏ, con tôi nuôi. Còn cái nhà ấy là công cô ấy đẻ con cho tôi, mình trả thế cũng đáng".
Chuyện treo giải để kiếm con mang chất ngông như vị sếp nọ không nhiều, nhưng chuyện các bậc ông bà treo giải cho đám dâu con để kiếm thằng cháu chống gậy thì khá phổ biến. Gia đình ông Văn là một ví dụ. Ông có 3 cô con dâu, mỗi cô đẻ đủ 2 đứa cháu rồi mà không có nổi một thằng cu nào.
Có những 3 thằng con trai mà phải chịu tuyệt tự thì vô lý quá, oan uổng quá, ông nghĩ thế, nên ra sức động viên, thúc giục các con phải sinh thêm. Con nào cũng kêu 2 đứa còn nuôi không nổi, nói gì đến 3, mà đẻ nữa có khi mất việc. Ông bà tuyên bố sẽ nuôi hộ nhưng chẳng ai mặn mà, vả lại nhỡ sinh thêm con gái thì ông mà chẳng mắng cho là may.
Chẳng biết làm thế nào, ông Văn đành họp gia đình và tuyên bố: Giờ bất kỳ đứa nào chửa đẻ, ông bà cũng sẽ cho 200 triệu đồng hỗ trợ nuôi con, còn nếu là con trai thì cho hẳn 2 tỷ đồng.
"Nếu chúng mày chê 200 triệu chả đủ nuôi con thì lo tính toán để có con trai đi. Mà tao chỉ thưởng cho đứa đầu tiên đẻ con trai thôi chứ không có tiền cho đứa thứ hai đâu nhé", ông nói, cứ tưởng như thế thì mấy chị em dâu sẽ đua nhau để giành phần thắng, vì 2 tỷ đồng đối với cả ba cô đều là số tiền lớn. Nhưng không ngờ, đến giờ, sau 1 năm treo giải, vẫn chưa có nàng dâu nào đến báo công lĩnh thưởng cả.
Còn ông Huân, người đã có một đứa cháu trai nhưng quá đau yếu khiến họ lo lắng về chuyện nối dõi, đã khuyến khích (đúng hơn là ép) các con sinh thêm bằng một giải pháp cạnh tranh khá khốc liệt. Ông nói, cả đời ông chỉ có tài sản lớn nhất là con cháu, bao nhiêu tiền bạc gần như đổ vào việc nuôi dạy con thành người hết rồi. Nguyện ước lớn nhất là công sức ấy của ông không bị uổng phí bởi sự tuyệt diệt của dòng giống.
Tài sản của ông giờ chỉ có căn nhà đang ở, tuy không lộng lẫy nguy nga nhưng mấy năm nay đã được “thòi” ra mặt phố lớn, và cuốn sổ tiết kiệm 500 triệu đồng. Ông sẽ không chia đều tài sản cho các con, mà dành tất cả cho cặp nào sinh cho ông thêm đứa cháu trai nữa. Còn nếu trong vòng 5 năm nữa mà không có, thì ông sẽ tiêu tán hết để giải sầu.
Mặc dù tuyên bố này gây bất mãn cho tất cả các con, nhất là người có cậu con trai yếu ớt, nhưng rồi tất cả cũng lao vào cuộc cạnh tranh. Họ bảo, chẳng phải họ ham của, tất cả cũng vì nguyện vọng lớn của bố, vả lại thêm con thì thêm phúc lộc. Nhưng mọi chuyện lại trở nên rắc rối khi sau đó những hai cô con dâu mang thai bé trai. Ông Huân thì sướng, nhưng con cái lại chẳng phấn khởi chút nào, mà đâm ra hậm hực với nhau. Người con út cho rằng mình phải được phần to nhất vì có những 2 con trai; chàng thứ hai bảo em rằng nhà chú chỉ tính một đứa thôi, đứa đầu bố đã không tính rồi; còn anh trưởng thì dù chỉ sinh thị mẹt nhưng nghĩ mình là trưởng nam, không thể gạt ra rìa được.
Cuối cùng thì ông Huân cũng làm di chúc chia đều tài sản, thế là tuy công bằng nhưng con cái chẳng ai hài lòng, tình cảm anh em đâm ra gượng gạo, xa cách. Nhưng tội nhất là những đứa trẻ nhà họ, cả trai lẫn gái, bởi đứa thì sinh ra khi không được mong đợi, đứa lại chỉ là phương tiện thỏa mãn mục đích riêng của ông nội và bố mẹ mình.