Mẹ sinh con trên máy bay
Ngày 13/8/2013, tờ Telegraph đưa tin một bà mẹ 39 tuổi người Ma rốc đã sinh con trong chuyến bay từ Casablanca, Ma rốc đến thành phố Bologna của Italy tối 11/8 của hãng Royal Air Maroc.
Hành khách Nedritz Masahud (32 tuổi, quốc tịch Philippines) mang thai ở tuần thứ 28, bất ngờ sinh non khi đang trên máy bay.
Ngay sau khi máy bay cất cánh, chị cảm thấy những cơn co thắt đầu tiên. Rất may, một trong những hành khách trên máy bay là một nữ hộ sinh. Người này cùng tổ bay giúp bà mẹ trên vượt cạn thành công.
Một bé trai kháu khỉnh ra đời chỉ ít phút trước khi máy bay được lệnh chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay El Prat ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha.
Cả người mẹ và em bé sơ sinh đều khỏe mạnh sau khi được chuyển đến bệnh viện để chăm sóc. Người phụ nữ này đang bay sang Italy du lịch và đứa bé đã chào đời sớm hơn dự kiến vài tuần.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
|
Ở Việt Nam, việc sinh con trên máy bay cũng đã xảy ra.
Trên chuyến bay của Hãng hàng không Emirates, số hiệu EK332 từ Dubai đi Manila, ngày 22/8/2012, hành khách Nedritz Masahud (32 tuổi, quốc tịch Philippines) mang thai ở tuần thứ 28, bất ngờ sinh non khi đang trên máy bay.
Trước đó, bà mẹ này cảm thấy đau bụng dữ dội sau đó chị đi vào nhà vệ sinh và sinh rơi 1 bé trai ở trong này. Các tiếp viên đã nhanh chóng tiến hành hút nước ối từ mũi, miệng và tai của cậu bé và sưởi ấm bằng đèn.
Ngay sau đó, phi công phải đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để đưa em bé vào BV phụ sản Từ Dũ chăm sóc. Bé trai cân nặng 1,2 kg, bị suy hô hấp do phổi chưa nở vì sinh non.
Trước đó, ngày 16/1/2011, máy bay của hãng Jetstar Pacific chuyến TP.HCM - Vinh đang ra đường băng chuẩn bị cất cánh thì phải quay trở lại sân đỗ vì có hành khách Nguyễn Thị Lập (SN 1983, Hà Tĩnh) mang thai tuần thứ 32 kêu đau bụng và bắt đầu chuyển dạ.
Ngay lập tức, phi công của chuyến bay đã thông báo tình huống trên cho đội phục vụ mặt đất. Khi máy bay đang trên đường quay vào thì anh chồng la lớn: “Thấy đầu con tôi ra rồi!”. Từ lúc hành khách kêu đau bụng đến lúc đứa bé chào đời chỉ khoảng 3-5 phút.
Chị Lập đã sinh một bé trai đầu lòng với sự hỗ trợ của tiếp viên và hành khách. Bé trai bị đẻ non nên chỉ nặng 2,5kg. Ngay sau đó, hai mẹ con đã được đội phục vụ hành khách chuyển đến phòng sanh, khoa Phụ sản bệnh viện Đại học Y TP.HCM chăm sóc.
Còn đại diện hãng hàng không Vietnam Airline (VNA) cho biết: Hãng này đã gặp một trường hợp đặc biệt. Trên chuyến bay từ Hà Nội đi Pháp năm 2011, máy bay của VNA đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Ashgabah - Turmenistan để cấp cứu một phụ nữ có dấu hiệu chuyển dạ (vỡ ối). Hành khách sau đó đã được đưa đến bệnh viện và sinh nở an toàn.
Khi bà mẹ trở dạ, cần xử lý thế nào?
Theo bác sĩ Phạm Thị Minh Trang, nguyên phó chủ nhiệm Khoa Sản phụ và Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện 198 thì, bà mẹ mang thai 3 tháng đầu và 3 tháng cuối không nên đi xa, nhất là phải di chuyển bằng máy bay. Vì thời điểm 3 tháng đầu, nhau thai bám chưa chắc, còn 3 tháng cuối sản phụ rất dễ đẻ non.
Dù trên máy bay dù có phương tiện cấp cứu nhưng nếu sản phụ đó thần kinh yếu thì càng không nên đi máy bay trong quá trình mang thai.
Với những sản phụ mang thai từ 32 tuần, rất dễ sinh non, với người mang thai đôi càng nguy hiểm. Trên máy bay, không gian hẹp, không khí hạn chế, áp suất không khí có thể tạo áp lực kích thích làm co bóp tử cung. Tuy nhiên, nếu việc phải đi thì nên đi khám bác sĩ trước khi bay.
Theo thông tin từ hãng VNA, khách đặt mua vé phải hoàn tất các thủ tục xác nhận sức khoẻ trước chuyến bay nếu khách thuộc một trong những trường hợp: Thời gian mang thai từ 32 tuần trở lên, không xác định được rõ thời gian mang thai hay thời gian sinh nở, trước đó đã từng sinh đôi, sinh ba ...
Nếu hành khách có thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo phải làm thủ tục khám sức khoẻ trước chuyến bay tại bệnh viện nơi thực hiện việc thụ tinh nhân tạo và theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế được VNA chấp nhận.
Trong trường hợp trên chuyến bay, bà mẹ có dấu hiệu chuyển dạ, đội bay sẽ huy động những hành khách là các bác sỹ, y tá để đánh giá tình hình và trợ giúp.
Nếu không có hỗ trợ y tế từ hành khách trên chuyến bay, tổ bay sẽ điện thoại về Trung tâm điều hành khai thác của hãng để xin tư vấn y tế của cơ quan chuyên môn.
Trong trường hợp có đe dọa đến tính mạng của hành khách, Cơ trưởng có thể cân nhắc quyết định hạ cánh đến sân bay gần nhất và trước khi hạ cánh có yêu cầu xe cứu thương, trợ giúp y tế ngay khi máy bay hạ cánh.
Khi gặp tình huống bà mẹ chuyển dạ trên máy bay, bác sĩ Minh Trang tư vấn hướng xử lý.
Cho sản phụ nằm xuống chỗ trống, thoáng, dưới có lót ni lông hoặc khăn để tránh nhiễm trùng cho sản phụ và bé.
Để chân sản phụ chống lên ở tư thế sinh con. Yêu cầu sản phụ rặn và thở đều. Chờ đến khi em bé lọt ra ngoài thì dùng 2 panh để cặp cuống rốn, 1 đầu ở mẹ, 1 đầu ở con để tránh chảy máu. Sau đó, dùng kéo sát trùng cắt ở giữa.
Thắt rốn, băng rốn, hút dịch trong miệng, tai bé để thông đường thở, lau sạch dịch trên người bé rồi cuộn trẻ trong khăn sạch để ủ ấm.
Với bà mẹ nếu bị chảy máu nhiều cần tiêm thuốc cầm máu, uống kháng sinh. Sau đó, đề nghị cơ trưởng hạ cánh ở sân bay gần nhất và đưa cả mẹ và con đến viện.