Trong thời buổi “kinh tế buồn” nhiều gia đình vẫn phải “bóp hầu bao” chi tiêu dè xẻn, cầm chừng. Người ta bớt đi ăn nhà hàng, bớt các khoản shopping, bớt sắm sanh sửa chữa… nhưng có một khoản mà hằng tháng gia chủ không thể bớt đó là tiền lương tháng trả ôsin. Nhiều gia đình nhà có thể thiếu cái này, hụt cái khác nhưng ôsin nhất định không thể không có. Ôsin trẻ, ôsin già, ôsin thiếu tháng (không có kinh nghiệm) ôsin thạo việc (ôsin lâu năm), ôsin làm theo giờ, ô sin sống chung cùng nhà với gia chủ. Ôsin trẻ có sức khỏe, ăn khỏe, ngủ khỏe, buôn chuyện khỏe… Ôsin già hay la cà, lắm khi lù đù như con gà dù.
|
Ảnh minh họa. |
Chuyện về ôsin đôi khi như bức biếm họa sinh động nhiều màu sắc. Ôsin - người giúp việc - trong cuộc sống hiện đại lắm lúc gây cho gia chủ cảnh dở mếu, dở cười.
Ôsin trẻ… có làm cho gia chủ vui?!
Qua một người quen giới thiệu, Kiều Thanh, 18 tuổi được dẫn đến nhà chị tôi làm giúp việc. Thanh phổng phao xinh đẹp. Chị tôi hỏi cô bé: “Cháu làm giúp việc được lâu chưa?”, trả lời: “Gần một năm”. Hỏi: “Trước đây cháu đã chăm em nhỏ bao giờ chưa?”, trả lời: “Chưa. Ôi dào! Người già còn chăm được nữa là em nhỏ”. Chị tôi bảo: “Chăm em, thỉnh thoảng cháu đọc truyện cho em nhé”, cô bé cau mặt lại: “Nào có biết chữ mà chuyện với chả trò”. Chị tôi nhẫn nhịn “Thôi được rồi, cháu ở đây lúc nào rảnh cô sẽ dạy chữ cho”.
Cô bé lại nhăn mày: “Làm nhiều, bận tối mắt, tối mũi được lúc nào rảnh mà học”. Lần đầu tiếp xúc chị tôi hỏi dăm ba câu, một lúc sau cô bé bảo: “Cô làm ở Bộ Công an à? Hỏi gì nhiều thế. Cứ như hỏi cung”. Chị tôi chưng hửng. Vừa tức lại vừa bực. Chị gọi điện lại cho người giới thiệu Thanh đến làm việc thì lại được “an ủi” là: “Con bé nói năng thô ráp thế thôi nhưng chăm chỉ, thật thà, tốt tính lắm”.
Đúng là Thanh chăm chỉ thật. Từ ngày có cô bé giúp việc nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Chị không cần phải nói nhiều, hằng ngày nó lau dọn từ cầu thang, ban công, tủ bếp, bàn ăn, nhà vệ sinh sạch tinh. Chị tôi hài lòng lắm. Mà nó chăm em cũng rất khéo, đã thế nấu ăn lại không đến nỗi. Cái sự thật thà và tốt tính của nó đầu tiên chị rất quý, nhưng rồi chị cũng lại phải phát sốt, đến bẽ bàng vì cả hai cái tính quý báu đó. Thanh thật thà đến độ, chị tôi mua hai cái váy. Về đến nhà chị sốt sắng thử váy. Chị hỏi Thanh: “Cô mặc cái váy mới được không cháu?”. Thanh chẳng nói gì nhìn vào cái mác dán tiền rồi đột nhiên nó hét ầm lên như cháy nhà: “Ối giời! Đắt thế này mà trông thường thế. Khi nào cháu dẫn cô đi mua hàng thùng vừa đẹp vừa rẻ”.
Mẹ chồng chị tôi thấy nó hét to không hiểu chuyện gì liền mở cửa vào thấy con dâu xúng xính váy mới. Bà vốn là một người tiết kiệm. Chị tôi mua 10 thì về chỉ dám bảo là 2 hoặc 3. Chị chưa kịp nói gì thì con bé đã chìa ngay cái mác giá tiền cho bà xem: “Đây, những tận 3 triệu một cái váy bằng cả tháng lương của cháu, mà mặc chẳng đẹp bằng cái váy hàng thùng cháu mua tám chục”. Mẹ chồng chị tôi khen Thanh là còn ít tuổi mà biết tiết kiệm, không hoang phí, bé mà biết nghĩ… Những lời bà khen cô bé lại như là lời trách móc chị tôi. Chị tôi ấm ức lắm, chung quy lại cũng chỉ vì cái tính thật thà của nó nhưng rồi cũng chẳng có cớ gì để giận cô bé cả.
Chị có bạn đến chơi, lần này sự thật thà của nó khiến chị phát phiền. Bạn chị là người cùng công ty, là người khá sành điệu. Thanh mới gặp mà đã tỏ ra thích thú. Bạn chị tôi về rồi, lúc ăn cơm có đủ cả bố mẹ chồng, hai vợ chồng chị tôi và em chồng. Thanh bảo chị tôi: “Cô hôm nay đến nhà sinh năm bao nhiêu ạ?”. Chị tôi bảo: “Bằng tuổi cô”. Nghe thế nó hét toáng lên: “Ối giời! Cô ấy trẻ thế. Phải trẻ hơn cô cả chục tuổi”. Rồi nó chẳng để ý gì đến sự khó chịu của chị tôi mà cứ ngồi thao thao bất tuyệt khen bạn chị xinh, ăn mặc đẹp, nói chuyện có duyên. Chị vừa bẽ bàng, vừa xấu hổ. Giận quá chị ăn vội rồi vào nhà nằm. Đêm đó chị trằn trọc mất ngủ.
Sự tốt tính của Thanh rất đáng được ghi nhận. Thanh chăm em chẳng nề hà gì. Thỉnh thoảng nó còn chủ động giặt hết các quần áo của anh chị nếu nó thấy bẩn rồi tự động gấp, là phẳng phiu treo cẩn thận trong tủ. Nhưng rồi cái sự tốt tính cũng có hại. Chồng chị tôi hôm đó bị cảm. Chị tôi đun nước gừng, luộc trứng để cạo gió cho anh. Vừa mang vào nó đã cướp lấy cái bát. “Thôi để cháu làm. Cháu làm thạo lắm. Ở nhà cháu đã cạo gió cho bao nhiêu người rồi. Ai cũng khen cháu mát tay”. Chị tôi nhỏ nhẹ: “Để cô làm cho chú”.
Nó chẳng nói chẳng rằng, ấn ngay đứa bé vào tay chị: “Cô bế em, việc này cứ để cháu”. Cạo gió cho chồng chị mà thế nào nó lại xắn quần lên đầu gối, vén áo lên tận cánh tay. Con bé trắng trẻo, phổng phao, xinh xắn. Nhìn nó xoa bóp cho chồng, hình như con bé có nghề thật, trông anh có vẻ rất dễ chịu. Còn chị có tí ghen tuông…
Tưởng là hết chuyện, ai dè đợt này anh lại hay bị đủ thứ bệnh ốm vặt, lúc thì trúng gió, lúc thì cảm mưa, cảm nắng. Nó lại gạt chị ra một bên để tranh việc. Nhìn nó cứ đụng chạm chồng mình, xoa xoa, bóp bóp, đấm đạp đủ thứ. Chị đá thúng đụng nia rồi không chịu được nói mát với chồng: “Dạo này, tự nhiên lại suốt ngày cảm gió”. Rồi quay sang chị bảo với Thanh: “Cháu đi làm ở phòng mátxa thì tha hồ đắt khách”.
Chị thấy ghét ghê gớm những người giúp việc có tính khí thô ráp nói năng thiếu tế nhị. Chị muốn đổi người giúp việc mà chưa thấy có lý do hợp lý thì bỗng dưng một hôm Thanh bảo: “Bố mẹ cháu giục về quê để lấy chồng”. Chả biết chuyện lấy chồng có thật không nhưng Thanh về chị cũng như trút một gánh nặng.
Lần thứ hai tuyển ôsin chị nói ngay cần người không ăn thúng uống thùng, không nói năng văng mạng. Yêu cầu của chị được đáp ứng bởi một cô bé 20 tuổi với hai năm kinh nghiệm. Bích Vân dáng vẻ dịu dàng, ăn nói từ tốn lễ phép chứ không giống Kiều Thanh quê cục trước đây. Một buổi trưa kim đồng hồ chỉ 12 giờ 30 phút. chồng chị nhận được tin nhắn: “Anh về nhà ngay”. Chồng chị nhận được tin nhắn sốt ruột quá gọi lại cho vợ xem ở nhà có chuyện gì. Chị bảo với anh: “Cả nhà ăn cơm hết rồi, cái Vân không chịu ăn. Nó bảo cháu đợi chú về cháu mới ăn”.
Vân sính hình thức. Là ôsin nhưng có khi mặc còn đẹp hơn cả chủ nhà. Chị chỉ khi ra đường mới cầu kỳ ăn mặc còn Vân thì lúc nào cũng diện váy xòe tung tăng quanh nhà. Đôi môi lúc nào cũng thoa son dưỡng môi màu hồng phớt. Tiền lương chị trả nó 3 triệu một tháng nó bảo để hai tháng nữa cháu mới lấy. Sau đấy Vân nhỏ nhẹ thổ lộ, đã tiết kiệm một ít tiền rồi làm thêm hai tháng nữa dư sức đổi điện thoại iPhone 5 cho thời thượng. Chị nhìn cái iPhone 4S nó đang dùng vẫn còn rất mới. Vân kể lần đi làm cho chủ trước Vân không lấy lương hai tháng đổi lại cô chú chủ nhà trước thay điện thoại mới để cho Vân điện thoại này. Vân sành điệu, lướt web và vào Facebook nhoay nhoáy.
Làm việc ở nhà chị được đến tháng thứ ba thì một tối kim đồng hồ chỉ hơn 9 giờ, Vân nằng nặc đòi đến nhà bà bác ở Hà Nội chơi. Anh chị tôi tính cẩn thận hỏi nhà bác Vân ở đâu để anh chị tôi đưa đến thì con bé ấp úng. Anh chị tôi lại bảo muốn nói chuyện với bác Vân thì con bé không chịu nói, cứ rấm rứt khóc và nằng nặc đòi đi. Chị tôi sốt ruột mới gọi điện thoại về Hà Tây cho mẹ Vân để hỏi xem có người bác nào ở trên thành phố không.
Mẹ Vân rối rít trong điện thoại: “Cô ơi! Cô làm ơn khóa cửa nhốt nó lại không cho nó đi đâu hết. Nó quen cái thằng ở trên Fây (Facebook). Nó là nó bỏ đi theo cái thằng đó. Cô nhốt nó vào mai em lên em lôi cổ nó về nhà…”. Đêm đấy chị tôi dỗ mãi Vân mới chịu đi ngủ. Gần trưa hôm sau, mẹ Vân lên, chị tôi trả Vân về cho gia đình. Chị bảo nó ở trên này nhỡ xảy ra chuyện gì thì chết.
Thằng bé con chị cũng đã lẫm chẫm biết đi, giờ chị không thuê ôsin ở cùng nhà với gia đình nữa mà ôsin làm theo giờ cứ hai tiếng một ngày vào buổi trưa hoặc chiều. Cô ôsin mới tên Mai Hà 30 tuổi, phóng xe máy vi vu. Cô bảo ngày cô làm ba ca cho ba nhà khác nhau. Mỗi nhà là một trăm rưỡi. Hà yêu cầu gia chủ sắm cho Hà mấy cái bao tay. Bao tay để giặt quần áo. Bao tay để cọ khu vệ sinh. Bao tay để rửa bát.
|
Ôsin làm theo giờ sành điệu. |
Chị tôi để ý, công việc gì Hà cũng đeo bao tay. Và mỗi lần xong việc Hà đều lôi ra trong túi một lọ kem dưỡng bôi tay của Lorian để xoa vào đôi tay của mình. Trải qua nhiều đời giúp việc, xem ra chị tôi có vẻ ưng Hà nhất. Có lẽ cũng bởi càng ít tiếp xúc càng đỡ ghét nhau.
Ôsin già… lù đù như con gà
Ở cạnh nhà tôi có một đôi vợ chồng trẻ nhưng anh chị chỉ sính ôsin già. Hôm trò chuyện với đôi vợ chồng nọ, thì họ bảo, người già có nhiều kinh nghiệm, chín chắn chứ không như mấy đứa trẻ cứ nhung nhăng và yêu đương loạn xạ không ở lâu dài với gia chủ được. Nhưng được cái này lại hỏng cái khác. Người già thì thường hay nặng tai. Nên anh chị phải nói chuyện với bà giúp việc to hơn gấp mấy lần bình thường.
Chị kể chuyện vui: Hôm hai anh chị ăn cơm bảo: “Bà ơi, bà đi mua cho con mấy quả cà”. Ăn gần hết bữa cơm mà vẫn không thấy bà đi mua cà về. Một lúc sau thấy bà từ trong phòng đi ra. Chị bảo con tưởng bà đi mua cà về cho con, đợi mãi. Bà cụ nói: “Ối tôi lại tưởng chị bảo tôi đi là quần áo”.
Một lần khác có khách mà trời đổ mưa, chị bảo: “Bà lên sân thượng lấy quần áo vào rồi gấp đi”. Bà nghe thế nào thành: “Bà lên sân thượng, lấy quần áo rồi nấp đi”. Hơn một tiếng sau khách về, bà giúp việc mới dám lù đù đi xuống, người ướt lướt thướt rét run lẩy bẩy. Chị hỏi, bà bảo: “Tôi tưởng chị chê tôi quê mùa, già cả tôi xuống làm chị xấu hổ với khách nên bảo tôi nấp đi”. Chị thấy vừa buồn cười vừa thương bà cụ.
Bà giúp việc quê ở Nam Định, có 5 người con đều trưởng thành, vợ con đề huề hết cả. Bà không muốn ở nhà mang tiếng ăn bám nên ra Hà Nội làm giúp việc 15 năm nay. Giờ bà đã gần 70, tay chân đôi khi cũng lóng ngóng, bà chậm chạp nhưng được cái thật thà lại gắn bó với gia đình anh chị hơn 4 năm. Người già trái gió trở trời cũng hay đau ốm nhưng anh chị không nề hà gì. Thỉnh thoảng đau xương bà lại ngồi một chỗ rên hừ hừ. Chị nhìn bà ái ngại. Hai đứa con của anh chị lại rất gắn bó với bà.
Cũng trong khu tập thể nơi tôi ở lại có một bà giúp việc mà cô chủ lúc nào gặp tôi cũng phàn nàn về bà giúp việc nào là lười lắm, bẩn ơi là bẩn, ăn vụng suốt ngày… Mấy đứa bọn tôi bảo, bà cụ xấu tính thế sao không cho nghỉ đi để thay người mới. Sau này mới biết thì ra gia đình trả cho bà rẻ quá có 1,2 triệu đồng/tháng thôi chứ nếu thuê người giúp việc khác thì phải trả 3 triệu đồng/tháng họ xót tiền nên của nhà thế nào đành phải dùng thế nấy và phải chấp nhận “sống chung với lũ”.
Kêu ca về ôsin nhiều như vậy nhưng nhiều người phải công nhận rằng dù thế nào đi nữa, nhà có ôsin vẫn hơn không có. Ôsin quét dọn, giặt giũ. Ôsin nấu nướng, cọ rửa. Ôsin bế em. Ôsin chăm sóc người già. Ôsin làm những công việc để sai lặt vặt tưới cây, tắm cho chó. Ôsin để trông nhà. Ôsin mátxa, bấm huyệt, cạo gió cho gia chủ. Ôsin đơn thuần lao động chân tay một nghề tưởng đơn giản mà không ít chuyện giản đơn
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: