Osin thế kỷ 21: Ăn vặt mỏ khoét, buôn chuyện ầm ầm

Google News

(Kiến Thức) - Dù đã giắt lưng một cái nhìn nhân văn, chiến thuật tâm lý mang tên “phiên phiến”, chuẩn bị sẵn sàng làm một bà chủ siêu dễ tính, tôi vẫn phải trải lịch sử sóng gió và nổ tung với 9 đời osin sau khi sinh con đầu lòng.


Ảnh được làm mờ theo yêu cầu của nhân vật
Ảnh được làm mờ theo yêu cầu của nhân vật
Người ta ví vợ chồng sống với nhau như nhét hai con voi vào một ống diêm, thể nào cũng xung khắc, bức bối. Huống hồ bây giờ tự dưng có một người lạ nhảy vào nhà mình, khác mình đủ thứ từ hoàn cảnh, lối sống, mình không khó chịu mới là chuyện lạ.

Tôi đã xác định tinh thần như vậy trước khi thuê osin để chăm em bé, rằng không thể yêu cầu người giúp việc hoàn hảo, khiến mình hài lòng. Tôi cũng không đòi hỏi nhà cửa phải sạch bong, nấu ăn phải ngon lành thơm nức, chủ bảo gì phải ngoan ngoãn dạ vâng, miễn là người giúp việc đảm bảo an toàn cho con, cho bé ăn, ngủ là được.

Người giúp việc đầu tiên được giới thiệu từ một trung tâm môi giới, đã khiến hai vợ chồng sốc “toàn tập”, cho nghỉ ngay lập tức sau thời gian làm việc ngắn kỷ lục: một buổi sáng. Nhân viên môi giới dặn dò bà cụ già rồi, không được khỏe mạnh nhanh nhẹn như bọn trẻ nhưng được cái chăm chỉ, cẩn thận.

Ai ngờ, buổi sáng đầu tiên làm việc ở nhà tôi, bác giúp việc đã nhanh chóng chứng minh được sự lười biếng của mình bằng cách ngồi yên, ăn bánh uống trà cả tiếng đồng hồ, mặc kệ một mình tôi xoay xở mệt phờ với bé Miu trong phòng. Con gái tôi lúc đó gần 4 tháng tuổi, mùa đông hay bị nghẹt mũi nên buổi tối cứ dậy khóc suốt, tôi hầu như không ngủ được.

Tôi định ra gọi bác vào phòng giúp mình nhưng nghĩ lại, để thử xem bà chăm chỉ đến mức nào. Dù sao, tuần tới tôi đi làm bà cũng phải trông cháu một mình, nếu không chịu khó, chủ động thì tôi cũng không thể yên tâm giao con được.

Thế nhưng, đợi mãi vẫn không thấy bác vào. Ru bé ngủ xong, tôi đi ra phòng khách thì thấy bác vẫn ngồi mê mải xem phim Hàn Quốc. Tôi bảo bác trưa nay nhà có khách, mấy người bạn tôi đến chơi thăm em bé rồi ở lại ăn cơm. Lúc này, bác mới lờ đờ, chậm chạp đi nhặt rau, chuẩn bị đồ cho tôi nấu nướng.

Ăn xong, tôi nói mấy đứa bạn không cần rửa bát, ra ngoài này uống nước, nói chuyện. Cô bạn đưa bát vào bồn, chưa kịp đi ra thì bác đã nhanh nhẩu sai bảo khách: “Thanh niên trẻ khỏe, rửa bát đi nhé!” Cô bạn ngoan ngoãn đeo bao tay dọn rửa, bác lại ra ăn hoa quả uống trà, còn tôi đã đi đến một quyết định quan trọng: không cần thử việc ba ngày như hợp đồng nữa, thế là đủ. Sau bữa trưa trà nước, tôi trả lương bác một ngày làm việc và nói lời tạm biệt.

Khác với người giúp việc đầu tiên, bác osin thứ hai khiến hai vợ chồng ưng ý ngay lần đầu tiên thử việc. Bác này rất chủ động từ việc chăm em bé đến dọn dẹp nhà cửa, lúc nào bé ngủ là bác lại ra quét nhà, chuẩn bị sẵn đồ ăn để nấu nướng. Bác cũng thích ứng nhanh chóng với gia đình tôi, cư xử tự nhiên thoải mái như người nhà.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng sau vài ba ngày, chúng tôi bắt đầu khó chịu với sự tự nhiên thái quá của bác. Hai vợ chồng tôi cũng không phải hẹp hòi gì, mỗi lần ăn hoa quả, kẹo bánh gì trong nhà đều mời bác, cũng không có ý định thử thách bằng trò đếm đồ ăn trong tủ lạnh, kiểm tra miếng thịt trong nồi. Thế nhưng, gói kẹo sô cô la vừa mới ăn hết một nửa, sau một ngày bác đến, đã chỉ còn vài ba chiếc. Rồi hộp bánh chocopie, ô mai, sữa chua… ra đi một cách mau lẹ, vỏ hộp cũng được cho vào sọt rác.

Đã đành là bác có thể ăn đồ ăn thức uống trong nhà, nhưng đến mức ăn hết không để phần cho người khác thì thật khó chấp nhận. Thế mà, mỗi lần nói chuyện, bác lại cứ khoe oang oang lên rằng bác già rồi, chả ăn hết bao nhiêu, lại không có tính ăn vặt… Nghĩ đến cảnh bác ăn vụng cả sữa chua, váng sữa của con gái rồi khoe đã cho bé ăn hết mà chúng tôi hãi, vội đi tìm giúp việc khác.

Lần này, vì đã quá khiếp sợ người giúp việc qua môi giới, tôi nhờ mẹ chồng lặn lội đi tìm osin ở quê. Chị giúp việc mới rất khỏe mạnh, có vẻ chân chất, mau mồm mau miệng. Vừa mới đến nơi, đặt túi xuống, chị đã vào hỏi han tôi và con bé một tràng dài, sau sang mấy nhà hàng xóm – nhà tôi ở tầng 4 một khu tập thể cũ - đứng ngoài cửa buôn vào, ầm ĩ cả lên.

Tôi dặn chị đi mua mớ rau ở chợ cóc gần nhà, đi có mấy bước chân mà cả tiếng đồng hồ mới thấy chị về, mặt cười tươi kể chuyện vợ chồng nhà bán hàng khô… đánh nhau, kết quả của công cuộc “chém gió” với mấy bà dưới chợ. Cuối tuần, hai vợ chồng đi chơi công viên, dặn chị ở nhà nấu cơm, trưa về nhà vẫn thấy bếp lạnh tanh, còn chị đang kể chuyện chồng con với bà hàng xóm.

Khi chị đưa bé ra sân chơi dưới nhà, chị cũng tranh thủ cơ hội hóng chuyện với mấy người giúp việc khác, con bé khó chịu khóc lóc cũng không thèm dỗ. Nhìn từ ban công nhà, tôi thấy bức bối cả người, nghĩ đến việc chỉ cần vài phút lơ là, mê chuyện của chị, con đã có thể ngã đau, nghịch ổ điện hay gặp nguy hiểm.

Rốt cuộc, với những tiêu chuẩn siêu thấp của mình, tôi vẫn phải đầu hàng trước nhiều tật xấu của những osin thế kỷ 21, để cảm thấy thở phào hạnh phúc sau khi 9 người giúp việc đi qua cuộc đời.


Nguyễn Diệu Thúy, Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, HN

Bình luận(0)