Ly thân là “chìa khóa” giải thoát bế tắc trong hôn nhân?

Google News

Một cuộc hôn nhân bế tắc được ví như tù ngục nhưng không phải vợ chồng nào cũng dễ dàng ly hôn.

Thay vào đó, họ chọn cách ly thân để có thời gian điều chỉnh nhằm đi đến quyết định đúng. Ly thân luôn tồn tại trong cuộc sống, nhưng lại không có trong luật. Điều này có bất cập?.
Ly thân biến mái ấm thành nhà giam
Đường dây tư vấn của Trung tâm nghiên cứu về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên CSAGA mỗi ngày nhận được rất nhiều cuộc điện thoại xin tư vấn vì cuộc sống vợ chồng quá nặng nề nhưng không muốn ly hôn. Người Việt Nam thường bị ràng buộc nhiều yếu tố bên ngoài như vấn đề con cái, sĩ diện, tiền bạc, tình nghĩa nên rất khó quyết định ly hôn. Cũng vì thế có rất nhiều trường hợp ly thân kéo dài dai dẳng trong nhiều năm mà không chịu ly dị.
 Ảnh minh họa.
Nhưng sự ly thân ở Việt Nam cũng rất khác với nhiều nước. Vì đã quy định trong luật nên ở nhiều nước, các cặp vợ chồng ly thân rất nhẹ nhàng cả về tâm lý lẫn tài sản, chỗ ở. Trong khi ở Việt Nam, vợ chồng ly thân nhưng vẫn sống chung nhà, chung tài sản, trước mặt người thân, bạn bè, hàng xóm họ vẫn tỏ ra quan tâm yêu thương nhau, trong khi mọi giao tiếp chỉ là chiếu lệ.
Cuộc sống hai mặt này khiến người trong cuộc trở nên vô cùng căng thẳng, phải chịu stress, thậm chí bị bạo lực gia đình rất nặng nề. Mái ấm hạnh phúc ngày nào trở thành nhà giam của mỗi người.
Hãy hiểu ly thân cho đúng nghĩa
Ở góc độ luật pháp, chế định ly thân đã năm lần bảy lượt “trượt” khỏi Luật Hôn nhân – Gia đình, vì nhiều người cho rằng, nó rườm rà không cần thiết và là chất xúc tác đẩy nhanh đến việc ly hôn. Nhưng thực tế đã chứng minh, ly thân luôn tồn tại trong cuộc sống. Và vì thế, nó cần được sự điều chỉnh của luật, thay vì thả lỏng cho phát triển tự nhiên.
Luật HN-GĐ đang được sửa đổi bổ sung đã đưa ly thân vào dự thảo luật với nhiều lý do chính đáng. Thế nhưng, điều mà các chuyên gia pháp lý cần nhất là cần phải có một cách hiểu đúng về ly thân để cân nhắc ủng hộ hay bỏ qua nó. Điều 8 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HN-GĐ năm 2000 nêu rõ: Ly thân là tình trạng pháp lý, theo đó vợ chồng không có nghĩa vụ chung sống với nhau do cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của hai vợ chồng hoặc của vợ, chồng.
Về vấn đề này, Hội LHPN Việt Nam lo ngại của về chế định ly thân sẽ bị lợi dụng. Theo bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội, thực tế cho thấy, nhiều cặp vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng nhưng chưa hoặc không ly hôn không phải vì muốn hàn gắn mà nguyên nhân sâu xa từ phía người chồng muốn dùng biện pháp “khoảng trống” để hành hạ vợ, không cho vợ cơ hội tái hôn.
Hơn nữa, tuổi thanh xuân của phụ nữ ngắn hơn nam giới, nên nếu không nghiên cứu, phân tích thật kỹ lưỡng hệ lụy và những vấn đề liên quan đến từng thành viên trong gia đình khi quy định ly thân thì có thể vô hình chung pháp luật cổ súy và ủng hộ hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ mang tính tiềm ẩn.
Nhiều quan điểm cho rằng nếu hôn nhân đã thực sự trầm trọng đến mức không thể duy trì thì ly thân không có lợi bằng giải pháp ly hôn. Bởi ly thân sẽ tác động sâu sắc đến tâm lý phụ nữ và trẻ em. Mặt khác, pháp luật một số nước quy định ly thân với ý nghĩa giai đoạn tiền ly hôn thì hai vợ chồng phải ở riêng, quay lại ở chung có quyết định của tòa án. Nhưng ở điều kiện Việt Nam, đa phần phụ nữ không có điều kiện về nơi ở nên nếu ly thân vẫn phải sống chung, khi đó nhiều hệ lụy sẽ nảy sinh.
Theo Pháp Luật Việt Nam

Bình luận(0)