Phạm Lê Quỳnh Trâm (30 tuổi, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) đã mang hình hài đàn ông suốt 20 năm với cái tên Phạm Văn Hiệp. Cô đã phải trải qua một quãng thời gian dài sống trong đau khổ, dằn vặt với một khao khát duy nhất là được sống thật với chính mình!
Tuổi thơ im lặng!
Trâm sinh ra là con trai, nhưng hồi nhỏ lại rất thích mặc đồ con gái, mỗi lần như vậy ba Trâm giận lắm, nghĩ Trâm đua đòi và không chấp nhận chuyện đó. “Ba có đánh, chỉ đánh ít thôi, ba cũng rất thương con cái, ba chỉ muốn thay đổi tính cách của Trâm, nhưng ba không thể làm được, vì bản thân Trâm là phụ nữ” - cô chia sẻ.
Tuy nhiên, Trâm đã không dám thổ lộ chuyện này với bất cứ ai. Vào thời điểm đó, vấn đề giới tính bị nhìn khắt khe, người ta cho rằng đó là điều “biến thái, quái thai” của xã hội, khiến Trâm rất đau khổ. Cô ngậm ngùi: “Trâm cảm nhận rằng nếu mình nói ra sự thật sẽ tạo ra một thử thách lớn với gia đình”.
Trâm lớn lên ở tuổi dậy thì, vẫn yêu như những cô gái khác. Từ nhỏ, cô chỉ có thể yêu các bạn nam, chứ không thể yêu các bạn nữ được. Cô vẫn đi học, vẫn mặc quần Tây, áo phông, cắt tóc ngắn, phải âm thầm chịu đựng suốt một thời gian dài. Lúc nhỏ Trâm học rất giỏi, năm lớp 9 thi đạt Học sinh giỏi toán và văn huyện Chơn Thành. “Người ta ngưỡng mộ Trâm về trình độ học vấn nhưng lại không chơi với Trâm vì họ nghĩ mình như con gái” - cô tâm sự.
Mỗi ngày đi học, Trâm thấy các bạn nữ mặc áo dài, cô cũng ao ước được mặc… Cũng như bao nữ sinh khác, cô dành tình cảm cho một bạn nam, cô chia sẻ: “Người ta cũng nói chuyện với Trâm, chỉ là nói chuyện bình thường giữa hai người con trai, nhưng Trâm hiểu được lòng dạ của mình, biết là Trâm yêu người đó rất nhiều”.
Quyết tâm thay đổi
“Khi lên đại học, đôi lúc nhìn một đôi nam nữ đi cùng nhau trên phố, Trâm cũng ao ước mình được như cô gái kia, nhưng Trâm biết giấc mơ đó không thật, và điều đó sẽ không bao giờ đến với Trâm. Trâm đã nghĩ cả đời sẽ không yêu được ai cả” - cô tâm sự.
Để có tiền học đại học, cô đã làm việc rất nhiều, cô đi dạy thêm, một ngày có thể làm đến 8 tiếng. Khi học hết năm thứ 2 của trường Đại học Kinh tế và Đại học Luật, cô quyết định nghỉ học. Cô chia sẻ: “Trâm đã đề nghị phụ huynh để đi dạy thêm, nếu học sinh đỗ đại học thì gia đình thưởng thêm cho Trâm, còn nếu không đỗ thì Trâm không lấy tiền, và năm đó Trâm dạy miễn phí cho người ta. Và từ 2002 đến 2006 Trâm đã giúp cho hơn 300 em học sinh ở Sài Gòn đỗ vào đại học”.
Rồi một biến cố lớn xảy ra, tình cờ Trâm quen một anh Việt kiều sống bên Mỹ qua mạng Internet, anh đã ngỏ lời yêu cô. “Lúc đó Trâm cảm thấy hạnh phúc lắm, vì trước tới giờ chưa có ai ngỏ lời yêu Trâm cả”. Nhưng cô lại không thể, vì rõ ràng bên ngoài cô là một người đàn ông. Tình cảm giữa cô và người đó tốt đẹp, nhưng vì mặc cảm bản thân nên cô đã quyết định rời xa anh, nhưng rồi anh đã gửi rất nhiều thư và xin Trâm cho anh một cơ hội, anh nói: “Dù em là cô gái như thế nào anh cũng yêu”, chính vì câu nói này mà Trâm đã quyết tâm phải trở thành phụ nữ cho bằng được.
Hành trình “lột xác”!
Đến tháng 6/2006, với số tiền đi làm kiếm được, cô quyết định đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính để thay đổi cuộc sống. Cô đã đi một mình mà không cho bất cứ ai trong gia đình biết, cô muốn tìm lại chính mình, có vậy cô mới có thể đường đường chính chính đi gặp người yêu cô!
Khi đến Băng Cốc (Thái Lan), lần đầu tiên gặp các bác sĩ, họ đã đuổi cô về và không tiếp nhận với lý do bề ngoài cô không có bất cứ đặc điểm nào của phụ nữ cả, tại thời điểm đó cô vẫn nặng 84 kg, mặc áo phông, quần bò, cắt tóc ngắn. Vậy là cô trở về, quyết tâm nuôi tóc dài, trong vòng 6 tháng, nhờ sự tập luyện và ăn kiêng, Trâm đã giảm xuống còn 47 kg. Trâm tự tin quay trở lại bệnh viện và bác sĩ đã nói đồng ý.
|
Cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm |
“Trước ngày làm phẫu thuật, Trâm rất sợ hãi, Trâm nghĩ một thân một mình ở xứ người, nếu chết ở bệnh viện thì ai đem xác về đây?”. Chính vì nỗi sợ đó nên cô đã trốn viện tới 2 lần, nhưng cứ mỗi lần trốn về, Trâm nghe người yêu bên Mỹ gọi điện nói chuyện, lại có một động lực mạnh mẽ thôi thúc cô làm phẫu thuật chuyển giới. Lần thứ 3 quay lại bệnh viện, để tự tạo niềm tin cho mình, cô đã in hết email và hình của anh để mang theo. Nằm trên bàn phẫu thuật, Trâm nắm chặt tấm hình anh, Trâm cố gắng nhìn anh một lần cuối bởi cô nghĩ sẽ không thể thức dậy được nữa. Sau cuộc phẫu thuật 11 tiếng đồng hồ, Trâm đã tỉnh lại, ca phẫu thuật đã tiến hành thành công.
Sau khi phẫu thuật, cô đã phải trải qua một quãng thời gian vô cùng đau đớn, mỗi ngày, cứ cách 4 tiếng đồng hồ người ta lại cho cô uống thuốc giảm đau, phải đến 1 tuần sau những cơn đau quằn quại mới bắt đầu nguôi dần.
Trở về Việt Nam với một con người hoàn toàn mới, “Ban đầu mọi người xem Trâm như một thứ gì đó ghê gớm chứ không phải người” - cô tâm sự. Với một lối sống đẹp, luôn tốt với những người xung quanh, trong vòng 2 năm cô đã hòa nhập bình thường với cuộc sống và được mọi người công nhận. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, ở Việt Nam chưa có bệnh viện xác định lại giới tính, điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho cô trong quá trình làm lại giấy tờ. Hơn nữa, Việt Nam hiện nay chưa có luật kết hôn cho người đồng tính. May mắn là sau một thời gian dài cô cũng đã có được những giấy tờ với tên hiện tại là Phạm Lê Quỳnh Trâm.
Cuộc đời cô giống như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Về anh chàng người yêu bên Mỹ mà cô đã quen cách đây 10 năm, cô hạnh phúc nói: “Chuyện tình yêu của Trâm rất đẹp, cuối năm nay Trâm sẽ làm đám cưới với người đó!”.
Lúc chia tay chúng tôi, cô bộc bạch: “Trâm mong xã hội có cái nhìn thiện cảm và mở rộng vòng tay đón nhận những người chuyển giới để họ có thể sống và làm việc như bao người bình thường”.