Chồng đi xa, nhờ "cả huyện" canh chừng vợ

Google News

Linh nhận ra, cô bị theo dõi ở khắp mọi nơi. Sau này cô mới biết, Huy chẳng những nhờ bố mẹ quản lý vợ, mà còn nhờ người quen, bạn bè để mắt tới cô, có động tĩnh gì thì báo cho anh biết.

Không chỉ chịu đựng nỗi nhớ nhung trống trải, thiếu vắng tình cảm khi phải sống cảnh vợ chồng Ngâu, những đôi vợ chồng xa nhau đôi khi cũng trải qua những tình huống oái oăm đến mức bi hài.
Nhờ “cả tổng” canh chừng vợ
Thảo Linh, 27 tuổi, nhân viên hành chính một xã ở Đan Phượng, Hà Nội, cũng phải sống cảnh xa chồng. Ông xã cô, Huy, là bộ đội, đóng quân ở xa, lâu lâu mới được về. Khi cưới, hai vợ chồng đã được bố mẹ chia cho ngôi nhà rất gần chỗ Linh làm việc, nhưng Huy vẫn yêu cầu vợ đến ở cùng bố mẹ “để được bố mẹ chăm nom”, nhưng thực tế là để vợ có người quản lý. Sống chung, Thảo Linh không phải thức khuya dậy sớm, không bị săm soi, bắt bẻ khi nấu nướng chưa hợp khẩu vị nhà chồng. Làm dâu như cô là quá sướng nếu không bị bố mẹ chồng cai quản đến mức thở không nổi.
Cô luôn bị canh chừng, bố trí để không đi làm sớm, không về nhà muộn, hễ định đi mua gì hay thăm nom ai, kể cả thăm đồng nghiệp đẻ, nếu không cản được, bố mẹ chồng đều sai chú em chở đi, nếu chú ấy bận thì bố chồng đích thân chở. Cuối tuần, Linh có bước chân ra chợ cũng có mẹ chồng “đi cùng cho vui”. Mấy lần, Linh “ăn gian” mấy chục phút trong giờ làm việc, đi uống cà phê với mấy người bạn để đỡ stress. Về nhà, mẹ chồng hỏi ngay sao giờ làm việc lại ra ngoài, anh đàn ông trong 3 người ngồi cùng cô là ai. Rồi những lần đi làm về, dọc đường cô gặp người quen, dừng lại chào và hỏi thăm mấy câu, về nhà cũng bị tra cặn kẽ nếu nhân vật ấy là nam giới.
Ảnh minh họa  
Chồng đi xa, nhờ "cả huyện" canh chừng vợ 
Nhiều khi, chính anh Huy chồng cô gọi điện về hỏi. Linh nhận ra, cô bị theo dõi ở khắp mọi nơi. Sau này cô mới biết, Huy chẳng những nhờ bố mẹ quản lý vợ, mà còn nhờ người quen, bạn bè để mắt tới cô, có động tĩnh gì thì báo cho anh biết. Bản thân bố mẹ chồng cũng tự phát triển thêm một mạng lưới “đặc tình” nữa, thế nên Linh như bị thập diện mai phục. Linh đã nhiều lần góp ý với chồng, khẳng định lòng chung thủy của mình để anh “nới lỏng” tấm lưới đang bủa vây cô, nhưng chẳng ăn thua. Huy nói không thể để mất bò mới lo làm chuồng, đàn bà lòng dạ yếu mềm, không tự giữ mình được, nên anh phải ra tay giữ hộ… Phản ứng của vợ càng khiến Huy không yên lòng, cảm thấy cô như đang muốn thoát khỏi mình, đang có tư tưởng gì đen tối, nên càng tăng cường giám sát.
Việc bị quản chế chặt chẽ, tra hỏi liên miên khiến Thảo Linh thấy mình như một tù nhân, trong lòng như phát điên phát rồ mà không có chỗ để xả, để trút giận, lâu dần dẫn đến trầm uất. Cô xanh xao, gầy mòn, không thiết ăn, không thể ngủ, mất hứng thú với mọi thứ, làm việc cũng vật vờ, suốt ngày gây sai sót… Khi mẹ đẻ của Linh sang thăm, bà hoảng sợ, đòi đón con về nhà mình chăm sóc. Cậu em Linh nghi chị bị trầm cảm, bèn chở đến chuyên gia tâm lý, và chuyên gia khẳng định đúng như vậy. Nghe nhà tư vấn - sau khi “khai thác” bệnh nhân - nói về nguyên nhân phát bệnh, người nhà Linh giận dữ gọi điện cho chồng cô, và đến nhà thông gia làm ầm lên. Lúc đó, Huy và bố mẹ anh mới giảm mức độ “quản thúc” đối với Linh.
Nỗi oan của kẻ “vọng phu”
Nỗi “oan Thị Kính” giống như chị Ngọc (34 tuổi, sống tại khu Mỹ Đình, Hà Nội) vừa trải qua tưởng chỉ xảy ra ở những câu chuyện ngày xưa, không ngờ lại vẫn hiện diện ở thế kỷ 21. Có điều nó không có kết thúc bi kịch mà mọi chuyện hiểu lầm cuối cùng đều được cởi bỏ. Ngọc và con gái sống cùng nhau trong một căn hộ chung cư. Anh Lương, chồng chị, đi làm nghiên cứu sinh để lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài. Vì kinh tế còn eo hẹp nên anh giao hẹn với cả đại gia đình là sẽ chỉ về thăm nhà một lần trong cả quá trình học, vào khoảng đầu năm thứ hai.
Dù đã được dặn vậy nhưng vì nhớ con, thỉnh thoảng khi gọi điện, mẹ chồng Ngọc vẫn chị: “Thằng Lương nó có bảo là nó sắp về không con?”. Câu trả lời lúc nào cũng là “không mẹ ạ”. Bà mẹ dù biết trước câu trả lời nhưng vẫn thở dài. Nhớ con trai bao nhiêu, bà lại thương con dâu bấy nhiêu. Dù sao thì bà cũng còn có chồng bên cạnh, có con trai, con gái ở cùng, quây quần xung quanh còn bao nhiêu họ hàng, làng xóm. Còn Ngọc thì một mình chăm con ở thủ đô, cái chốn đèn nhà ai nhà ấy rạng, vừa vất vả vừa cô đơn. Nghĩ thế, hầu như tháng nào bà cũng thu xếp lên thăm dâu, thăm cháu một lần. Bẵng đi mấy tháng, bà phần thì không được khỏe, phần thì trong họ hàng, làng nước có đám cưới, đám giỗ, đám tang luôn luôn. Lề lối ở quê, một nhà có việc, những nhà khác phải tham gia nhiệt tình, mẹ chồng Ngọc cũng vì thế mà lấn bấn không lên Hà Nội được. Đến khi vãn việc, bà mới tay xách nách mang đủ thứ quà quê lên thăm con và cháu, định bụng lần này sẽ ở hẳn một tuần “để chăm hai đứa nó”.
Lên đến nơi, nhìn con dâu da dẻ xanh xao, mệt rũ, bà hoảng, vừa nấu ngay cháo gà ép ăn vừa luôn miệng giục đi khám. Ở hết một ngày thì bà giật mình, tự nhủ: “Trông con Ngọc rõ ra dáng đàn bà chửa. Mình chừng này tuổi, đẻ 4 đứa con, chẳng lẽ còn nhầm được? Nhưng sáng nay mình hỏi thằng Lương có định về không con, nó vẫn bảo không. Vậy thì bố đứa bé là ai? Trời ơi không ngờ con ranh này mặt mũi tử tế mà lòng dạ thối tha đến thế. Uổng công mình thương yêu lo lắng cho nó, tội nghiệp thằng Lương vất vả bôn ba xứ người vì nó”. Nghĩ vậy, nhưng bà vẫn im lặng, theo dõi, quan sát kỹ càng các biểu hiện của Ngọc lần nữa, để khẳng định 100%: Ngọc có bầu. Khi đã đoan chắc rồi, bà âm thầm gọi điện về quê, triệu tập chồng và các con lên Hà Nội “họp” gấp. Hôm ấy đi làm về, Ngọc thấy thái độ của mẹ chồng quay ngoắt 180 độ: lạnh lùng, la lánh, khinh ghét… thì lo lắng hỏi thăm, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Mai chị sẽ biết ngay thôi”.
Hôm sau, khi cả nhà đông đủ, đã “họp trù bị” với “phái đoàn” từ quê lên, mẹ chồng mới đưa Ngọc ra “đấu tố”. Cả nhà nhìn chị căm hờn như muốn ăn tươi nuốt sống, lại vừa ghê tởm như sợ chạm vào chị. Họ ném vào Ngọc những lời cay nghiệt nhất, yêu cầu khai ra kẻ gian phu, chẳng đếm xỉa đến những câu “không phải thế, cho con nói” của Ngọc. Cuối cùng thì Ngọc cũng được nói. Chị khẳng định đứa bé trong bụng là giọt máu của Lương. “Chị trơ tráo thật, lại còn đổ vấy cho cả đứa không có mặt. May mà con tôi nó ở tít bên kia”, bố chồng phẫn nộ quát. Những trình bày tiếp theo của Ngọc cũng chẳng được ai tin. Chị phải bảo mọi người bình tĩnh, chờ tối, đến giờ hẹn chat với anh Lương, cứ hỏi anh sẽ rõ.
Tối ấy, khi đối mặt, hỏi han trực tiếp con trai qua màn hình máy tính, bố mẹ chồng Ngọc mới chịu tin điều chị đã “khai” là thật: Cách đây 2 tháng, Lương có về Hà Nội dự một hội thảo quốc tế và gặp vợ. Vì chỉ về 2 ngày, lại phải có mặt ở hội thảo từ sáng đến chiều, Lương không thể về quê thăm bố mẹ. Chuyến đi này cũng được thu xếp quá đột ngột, anh được mời vào phút chót để thế chỗ cho một đại biểu bị ốm, nên cũng không kịp liên lạc để gia đình tổ chức đi từ quê lên Hà Nội gặp anh. Vì vậy, Lương bảo vợ giấu chuyện anh về với gia đình, kẻo mọi người lại tiếc, lại buồn. Không ngờ, chỉ được gặp chồng một đêm và hai lần nghỉ trưa ngắn ngủi, Ngọc đã có thai…
Đúng là, cũng sống cảnh vợ chồng xa cách, nhưng mỗi nhà lại có một “hệ quả” khác nhau. Có những đôi càng xa nhau càng mặn nồng, lại có những đôi vì thế mà nảy sinh mâu thuẫn do nghi ngờ, ghen tuông. Loại trừ vấn đề “xa mặt cách lòng” do không biết “hâm nóng tình cảm”, thì chuyện mất lòng tin có lẽ là một trong những yếu tố đe dọa lớn nhất cho những cặp “vợ chồng Ngâu” ấy.
Theo Gia đình & Cuộc sống

Bình luận(0)