Không hợp tuổi, cố lấy nhau chỉ càng tan nát

Google News

“Khổ thân con tôi đoản mệnh…. Đã bảo nó khắc tuổi chồng mà…”, tiếng than khóc của bà mẹ chồng 75 tuổi như từng nhát dao đâm vào người chị Phương Lan.

Bên cạnh dòng chảy sôi động của cuộc sống hiện tại, những quan niệm mơ hồ về tuổi tác vẫn đang âm hủy hoại rất nhiều gia đình.
“Khổ thân con tôi đoản mệnh…. Đã bảo nó khắc tuổi chồng mà…”, tiếng than khóc của bà mẹ chồng 75 tuổi như từng nhát dao đâm vào người chị Phương Lan. Chị ngồi bên bàn thờ chồng, từng thước phim cuộc đời được quay lại, chặng nào cũng nặng nề bủa vây bởi ba từ rất liêu trai “không hợp tuổi”.
Di cung hoán số không hết đau lòng
Chị còn nhớ rõ ràng ngày xưa về ra mắt nhà chồng 15 năm trước. Thấy chị xinh đẹp dịu dàng lại lễ phép, mẹ anh gật gật tỏ vẻ ưng ý. Nhưng khi vào bữa cơm, bà hỏi: “Cháu tuổi gì nhỉ?”, chị bảo tuổi Tỵ thì những thiện cảm trước đó tan biến nhanh, mặt bà biến sắc. Bà bảo anh sinh tuổi Dần, hai người rơi vào “tứ hành xung”. Anh bảo “Mẹ mê tín” thì bị bà mắng là “Hỗn”.
Biết chẳng thể ngăn cản được anh nên bà muốn chị “tự đường rút lui”. Bà bảo chị cùng bà đến xem thầy. Thầy phán: “Hai đứa lấy nhau thì có người đoản mệnh hoặc công danh bị xói mòn” khiến mặt bà bợt như xác chết, còn chị thì rụng rời. Trên đường về, bà ngọt ngào như van xin: “Không phải bác ghét bỏ gì cháu nhưng thầy nói thế, khổ cho cả hai, chồng bác mất sớm chỉ có mình nó là con trai”.
Ảnh minh họa.
Biết mẹ anh đã không ưa mình, chị đành muối mặt nghe theo lời bà và cả ám ảnh lời ông thầy bói. Chị lắng lặng tránh mặt không cho anh gặp. Biết chuyện, anh cứ lăn vào năn nỉ chị và phản kháng mẹ bằng cách không chịu về nhà, cứ lang thang ở nhà bạn bè. Xót con, bà tìm thầy thì thầy bảo hai người khắc nhau nhưng nếu làm lễ “di cung hoán số” (đổi tuổi mình sang tuổi con khác) thì vẫn được. Chị vốn không tin và cảm thấy mệt mỏi với mẹ chồng tương lai nhưng vì yêu anh, chị đành lụy. Sau bao trở ngại, cuối cùng anh chị cũng thành vợ thành chồng và xin mẹ cho ra ở riêng.
Sau khi cưới, việc làm ăn của anh chị ngày càng phát nhưng đường con cái lại không thuận buồm. Chị bị lưu thai đến 2 lần. Mỗi lần đến chơi, bà gần như không hỏi han gì tới con dâu mà cứ thở than với con trai: “Số con khổ, cứ hùng hục làm. Mà sao thầy đã cúng lễ cẩn thận vẫn mãi chẳng cho tôi đứa cháu bế bồng, không có người thừa tự thì…”. Anh thường gạt đi lời mẹ và luôn chu đáo yêu thương vợ, nhưng lòng chị thì lúc nào cũng nơm nớp lo lắng. Mãi sau 5 năm cưới, vào tuổi 30 chị mới sinh được con đầu lòng, rồi đến mãi năm 38 tuổi mới có thai lại. Lúc này mẹ chồng nguôi ngoai hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn nhắc: “May mà nhờ thầy hoán tuổi”.
Tuy nhiên, khoảng thời gian bình yên lại quá ít ỏi trong ngôi nhà của chị. Ở cái tuổi ngoại tứ tuần anh đang đạt đỉnh cao trong công việc, con cái có nếp có tẻ thì bỗng dưng sức khỏe sa sút, cân nặng giảm nhanh, đau sườn phải, tiểu ra máu. Chị choáng váng gần xỉu khi bác sĩ gọi vào nhận kết quả xét nghiệm của chồng, anh bị ung thư gan. Bạn bè tới động viên anh sang Thái rồi sang Singapore điều trị nhưng không còn hy vọng. Mẹ anh vừa hay tin đã vừa khó vừa kể lể: “Khổ thân con tôi. Trăm đường không cãi được số. Không nghe lời mẹ cho ra nỗi này” và từ đó bà chẳng thèm nhìn mặt con dâu và dành hết việc chăm sóc anh về phần mình.
Bây giờ anh đã hóa người thiên cổ, suốt 3 tháng trước lễ Trăm ngày anh, sáng nào bà cũng đến sớm làm cơm cúng rồi sụt sịt khóc. Dường như bà không thấy xót xa trước cảnh chị thẫn thờ, mặt đờ đẫn như kẻ điên, cả ngày không nói, cứ ôm hai đứa con bên bàn thờ chồng. Không khí cứ nặng nề như thế khiến câu hỏi: “Có phải tại em không?” cứ hiện ra hàng nghìn lần trong đầu chị bất kể đêm hay ngày.
Chia ly vì không hợp tuổi
Câu chuyện của chị Thu Quế may mắn hơn chị Lan. Chị Quế không bị mẹ chồng ngăn cản vì anh chị đã kết hôn khi còn là du học sinh ở Nga, mẹ chồng chẳng kịp xem tuổi. Nhưng câu chuyện xung khắc diễn ra khi anh chị về nước, tiếp quản cơ ngơi của gia đình chồng.
Bất cứ chuyện gì không hay xảy ra trong nhà làm hao tài tốn của bà đều đổ cho tại con dâu không được tuổi. Đầu tiên là nhà xưởng bị đám côn đồ đập phá, tốn 50 triệu sửa chữa; kế đến là một nhân viên chủ chốt trong cơ quan, vốn là người nhà, vì xích mích nhỏ đã tách ra làm riêng, trở thành đối thủ cạnh tranh khốc liệt… Từ đó việc làm ăn của gia đình không suôn sẻ. Mẹ chồng chị Quế đi xem thầy về, mặt ủ rũ: “Tại tuổi con vợ khắc chồng”. Mang tâm lý uất ức đó bà trở thành người hay “đâm sau lưng” khi thường xuyên bêu xấu con dâu với hàng xóm: “Con tôi có tài nhưng bị con vợ nó kìm hãm”. Ấy vậy mà nhiều người cũng hùa vào đồng tình với bà.
Ngày đứa cháu, con của anh trai chồng lấy vợ, chị cũng bị mang ra dày vò: “Mày chọn đứa nào thì cũng phải xem tuổi. Tây học như chú thím mày, yêu nhau, lấy nhau về lại sinh khốn khổ”. Bao nhiêu đêm như thế, nước mắt chị vòng quanh nhưng không biết làm thế nào thoát ra được, không có cách nào thanh minh, không thể phá vỡ cái niềm tin thần thánh ấy.
Sau 5 năm, chị không chịu nổi sự lạc hậu, dè bỉu của gia đình chồng nên đã xin ra ngoài làm riêng. Đó cũng là lúc vợ chồng thường xảy ra cãi cọ, bất đồng. Anh bảo chị không muốn đi làm thì ở nhà trông hai đứa con đang tuổi thiếu niên dễ sa ngã nhưng chị không chịu. Khi chị không vui vẻ khi gia đình chồng quây quần thì anh bảo: “Em đi làm ngoài rồi là bắt đầu coi thường nhà anh”. Mỗi khi biết vợ chồng giận dỗi cãi nhau thì mẹ chồng chị lại bảo “Vợ khắc tuổi chồng nên nhà loạn, chồng nói thì vợ cãi đấy”.
Đỉnh điểm sức chịu đựng của chị là ngày gia đình nhận được cuộc gọi từ số máy của anh nhưng lại giọng người lạ: “Anh ấy đang cấp cứu ở Bệnh viện vì tai nạn ô tô”. Tại phòng cấp cứu, mẹ chồng chị thảm thiết: “Chị đi di cung hoán số đi không con tôi làm sao tỉnh lại đây”. Sau một tháng mê man, anh mới mấp máy nói được mấy lời. Nhưng cũng từ đó, anh thành ra trở tính trở nết, hay cáu bẳn, gằn dỗi, trách móc vợ.
Cũng từ ngày anh nằm viện, gia đình chồng xuất hiện một vị khách đặc biệt: người yêu cũ của anh do mẹ chồng chị dẫn tới. Người đàn bà đó được mẹ anh chọn trước khi anh đi Nga và cô ta chỉ lấy chồng sau ngày vợ chồng chị về nước. Nhưng được 4 năm cô ta cũng ly dị chồng và vẫn thỉnh thoảng gặp mẹ chồng chị. Tình cảm vợ chồng và gia đình chị Quế vốn đã chao đảo thì nay càng rung lắc dữ dội, nhất là khi mẹ chồng chị bảo: “Ngày ấy hai đứa đến được với nhau thì có lẽ bác không biết dạy con nên cháu khổ”. Sau 5 tháng căng thẳng, lá đơn ly hôn đã được chị Quế viết ra: “Em quá mệt mỏi rồi, nếu chúng ta không trở lại Nga, hoặc không thể tách ra ở riêng thì anh ký vào”. Trước sức ép của mẹ, chồng chị cuối cùng cũng ký vào đơn ly hôn để cho chị được quyền nuôi hai con.
Nhiều lúc nghĩ lại cuộc hôn nhân của mình, chị bảo “Nếu có tái hôn thì phải chọn người nào hợp tuổi, hợp mệnh, không phải vì tin mà đơn giản để khỏi bị nhà chồng dè bỉu, đổ lỗi”.
Theo Web Phụ Nữ

Bình luận(0)