Không dám li hôn vì sợ mang tiếng 2 đời chồng

Google News

Tôi bảo vợ: “Em suy nghĩ kỹ đi. Sống không được thì ly hôn, có sao đâu mà ngại?". Nhưng vợ tôi vẫn sợ mang tiếng có hai đời chồng...

Vợ tôi gào lên: “Anh chết đi! Sao lại hành hạ vợ con thế này”. Nhưng cô ấy càng nói, tôi càng hăng. Hình như có một thứ gì đó đang cuồn cuộn chảy trong tôi khiến tay chân không chịu ở yên một chỗ. Và thế là tôi cứ vung tay lên.
Sau mỗi lần như vậy, khuôn mặt thường ngày vốn trắng trẻo, xinh xắn của vợ tôi lại có thêm vài vết bầm. Nhưng cũng tại cô ta. Ai bảo cứ thích nói làm gì?
Lan là cuộc hôn nhân thứ ba của tôi. Chúng tôi yêu nhau khi tôi đang hục hặc với người vợ thứ hai của mình. Nói cho công bằng, Lan không phải người thứ ba. Chỉ là tôi quá chán cô vợ thứ hai lè phè của mình nên đi tìm cái mới. Và tôi gặp Lan. Tôi ly hôn rồi mới tiến tới với người vợ hiện thời của mình.
Chúng tôi sống êm đềm được chừng 1 năm. Nói êm đềm hoàn toàn không có nghĩa là không có chuyện gì. Lan nói nhiều. Nói liên hồi kỳ trận. Mà tôi thì rất ghét phụ nữ nói nhiều. Lúc mới yêu có thể chiều chuộng, nhịn nhục được, chứ ở lâu với nhau thì làm sao mà kềm chế? Mà thói đời, cái gì làm được lần đầu thì sẽ có lần thứ hai, thứ ba... Tôi càng đánh, Lan càng nói. Lúc đầu nói nhỏ, sau nói to, sau nữa thì cả làng, cả xóm đều biết...
 Ảnh minh họa.
Nhưng dù đánh thì đánh nhưng tôi biết Lan không dám bỏ tôi. Đơn giản vì tôi có tiền. Cũng đơn giản là vì tôi làm cho cô ấy sung sướng trên giường. Chính Lan đã thừa nhận như vậy. “Em rất yêu anh” là câu tôi thường nghe vợ nói mỗi khi yêu cầu của cô được tôi đáp ứng. Mà tính tôi rất rộng rãi. Tôi chưa bao giờ tiếc gì với vợ. Không phải với Lan mà ngay cả hai người vợ trước cũng vậy. Tôi nghĩ, vợ chồng mà, hồi nào còn ở với nhau thì cứ hết lòng, hết dạ; khi nào không ở được thì ly hôn. Dễ mà.
Nhưng rồi mọi thứ bỗng trở nên khó khăn khi công việc làm ăn của tôi thất bại. Vợ tôi vẫn vui sướng khi lên giường nhưng không còn hân hoan mọi lúc, mọi nơi khi có tôi. Thấy rõ nhất là khi lên bàn ăn. Những bữa cơm không còn thừa mứa thức ăn khiến tôi khó chịu.
Đến lúc đó, không phải Lan mà là tôi bỗng trở nên lắm lời. Tôi không quen chịu cực, không quen ăn uống kham khổ dù vợ tôi đã nhường hết thức ăn cho tôi. Nhưng sức chịu đựng của cô ấy cũng có hạn. Ban đầu khi tôi nói thì Lan im lặng, nhưng tôi lại rất ghét khi mình nói mà không ai trả lời. Điều đó khiến tôi nghĩ rằng lời nói của mình bị xem thường. Thế là tôi bắt đầu dằn mâm, xán chén; bắt đầu càm ràm, bắt đầu la mắng...
Tất cả những điều này có lẽ tôi thừa hưởng của ông nội tôi, một ông hương lý nổi tiếng ở vùng Quảng Nam xưa. Rồi Lan cũng lên tiếng. Lời qua, tiếng lại, tay chân tôi lại ngứa ngáy. Và máu nóng bốc lên. Tôi không thể bỏ được thói quen đánh vợ. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra. Vợ tôi không ngồi yên. Cô ấy phản ứng lại. Và do bị bất ngờ nên tôi lãnh đủ cả chén canh vô mặt. Tất nhiên là cô ấy cũng nhận lại tương xứng. Những lần sau, bữa ăn thành chiến trường là chuyện thường xuyên. Có lần Lan chọi cả cái chén kiểu vô đầu tôi phun máu...
Bây giờ tôi mới hiểu khủng hoảng kinh tế nó len lỏi vào từng bữa cơm, từng ngôi nhà là như thế nào! May mà tôi chưa có con. Mà có lẽ tôi không có con được bởi cả ba người vợ đều không ai thai nghén dù thời gian ăn ở với nhau không phải là ngắn.
Cuối cùng, tôi nhận ra một điều: Hình như tôi sinh ra không phải để dành cho gia đình. Tôi nói với Lan: “Thôi, mình chia tay đi chớ sống như vầy mệt mỏi quá”. Nhưng Lan không chịu. Cô ấy bảo lúc sung sướng có nhau thì khi hoạn nạn cũng không được bỏ nhau.
Nói thì nói vậy thôi chứ tôi thấy Lan bây giờ đã thay đổi. Cô ấy không còn vui vẻ, không thích nói nhiều, không hân hoan mỗi khi lên giường... Còn tôi thì hình như cũng bắt đầu chán ngán với những bữa ăn rau nhiều hơn thịt cá, người cùng ăn thì buồn bã lặng thinh. Tôi cũng không còn đủ sức để sáng tạo, làm cho vợ vui sướng mỗi khi đêm về.
Cuộc sống như vậy thì có còn là gia đình không? Có nên duy trì hay không? Tôi bảo vợ: “Em suy nghĩ kỹ đi. Sống không được thì ly hôn, có sao đâu mà ngại?”.
Nhưng vợ tôi vẫn sợ mang tiếng có hai đời chồng...
Theo Người Lao Động

Bình luận(0)