Hợp đồng níu kéo hôn nhân

Google News

Với ông là sự sòng phẳng đến cạn nghĩa, với bà là để “được chút gì” từ cuộc hôn nhân, sau phán quyết ly hôn của tòa.

Ông cho là bà đến với ông vì thực dụng. Bà khẳng định, nếu không yêu, sao có thể gắn bó cùng ông suốt mười năm. Ai cũng có lý lẽ biện minh cho mục đích của mình. Với ông là sự sòng phẳng đến cạn nghĩa, với bà là để “được chút gì” từ cuộc hôn nhân, sau phán quyết ly hôn của tòa.
Nạn nhân của một sự toan tính?
Trước khi đến với nhau, ông có nhà riêng ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Cưới xong, ông đón bà về chung sống, một năm sau phải chuyển chỗ ở vì nhà nằm trong quy hoạch. Tiền đền bù cộng với tiền dành dụm, ông mua hai căn chung cư, một ở Q.Gò Vấp, một ở Q.Bình Thạnh. Theo ông, đó là tài sản riêng nên sau ly hôn, phải thuộc về ông. Bà đồng ý là hai căn chung cư được mua từ tiền của ông, nhưng khoản thêm vào để mua cho đủ không phải do ông dành dụm mà là tiền mừng cưới của hai người và vay mượn người khác, nay đã trả xong. Bà khẳng định, như vậy là bà có công đóng góp và đó là tài sản tạo dựng trong quá trình hôn nhân nên ly hôn, bà phải được chia phân nửa. Tháng 9/2013, xử sơ thẩm, tòa tuyên ly hôn theo yêu cầu của ông, tài sản là của riêng ông, không phải chia cho bà. Thuận tình với bản án ly hôn nhưng bà kháng cáo quyết định không chia tài sản.
 Ảnh minh họa.
Phiên phúc thẩm ở TAND TP.HCM sáng 22/1, phản bác lý lẽ của bà, ông nói: “Khi đến với nhau, bả đâu có gì, mọi khoản lo đám cưới đều tự tôi bỏ ra thì tiền mừng cưới tất nhiên tôi phải thu về, là của tôi”. Bà nghe vậy, rưng rưng: “Của chồng, công vợ. Tôi sống với ông mười năm, nay ly hôn trong tình cảnh bệnh tật, không tiền bạc, không chốn dung thân, mong ông nghĩ lại”. Tòa cũng giải thích, dù thời gian chung sống không quá dài nhưng không phải là ngắn để ông có thể quay lưng trong hoàn cảnh bà không có gì để ổn định cuộc sống riêng. Ông quả quyết: “Tôi không chia cho ai hết. Đi bộ đội về tay trắng, tự tôi gầy dựng, tất cả là mồ hôi nước mắt của tôi”. Nói xong, ông bất ngờ... chảy nước mắt, chùng giọng kể về cuộc hôn nhân mà theo ông, bản thân mình là nạn nhân của một sự toan tính…
"Sòng phẳng"
Ông đã 65 tuổi, từng có một đời vợ và hai con. Ly hôn một thời gian khá lâu ông mới đến với bà - nhỏ hơn ông 18 tuổi. Ông chậm rãi: “Đó là năm 2002, trong một cuộc họp mặt bạn cũ, người bạn nói có cô em vợ độc thân muốn làm mai cho tôi. Tuổi này, nghĩ mình cũng cần một người để sớm hôm chăm sóc cho nhau nên tôi thuận lòng”. Đám cưới diễn ra sau chưa đầy hai tháng tìm hiểu, nên chung sống ông mới nhận ra đó là một sai lầm. Sở dĩ ông mua hai căn chung cư vì nhận thấy mâu thuẫn giữa bà và các con ông ngày càng trầm trọng. Ông và bà ra riêng, hạnh phúc kéo dài đến năm 2009 thì mọi sự thay đổi. Đăng ký cho bà học một lớp kế toán, ông không ngờ đã tạo cơ hội để bà có nhân tình. Một hôm, bà về khoe với ông là mình đang có thai, hỏi: “Anh sẽ cho mẹ con em những gì?”. Đã mất lòng tin vào sự thủy chung của người đầu ấp tay gối nên ông đanh giọng: “Cô sinh xong rồi thử ADN, nếu con tôi cô muốn gì được nấy, nếu không thì tôi không có trách nhiệm”.
Câu trả lời của ông khiến bà giận, vài tuần sau thì thông báo… sẩy thai. Hai người sống với nhau trong ngờ vực thêm một thời gian thì bà bất ngờ gửi đơn xin ly hôn. Ông năn nỉ, thuyết phục, cuối cùng bà đồng ý rút đơn nhưng đổi lại, một hợp đồng níu kéo hôn nhân được lập giữa hai người. “Hợp đồng” ghi rõ: nếu bà sống đúng với vai trò, trách nhiệm của người vợ; gia đình yên ổn, hạnh phúc thì sau này có chuyện gì, trong trường hợp ông mất trước, tất cả tài sản sẽ để lại cho bà; còn nếu ông đòi ly hôn trước, sẽ phải chia cho bà 60% tài sản. “Hợp đồng” ký kết không lâu thì chính ông đứng đơn xin ly hôn. Ông lý giải: “Tôi chịu không thấu nữa. Một phần, tôi đâu làm gì mà bà ấy liên tục gửi đơn tố cáo tôi bạo hành, gia trưởng, có hành vi thô lỗ. Phần khác, bà ấy vẫn lén lút với nhân tình. Ngày nào tôi cũng nhận tin nhắn chửi bới, xúc phạm từ tình nhân của bà ấy”. Bà phản bác, những gì ông nói đều không có chứng cứ nên bà không muốn cãi. Giải thích chuyện thực dụng, bà quả quyết, nếu không yêu, cuộc hôn nhân liệu có thể kéo dài đến ngần ấy năm?
Hợp đồng vô giá trị
Tòa xác định, về pháp lý, hợp đồng níu kéo hôn nhân giữa hai người hoàn toàn không có giá trị; nhưng nếu xét về tình, “sức nặng” của nó có hay không tất cả thuộc về ông. Chậm rãi trình tòa bản xác nhận tài sản, ông kể: “Một hôm, bà ấy đòi chia đồ đạc trong nhà, cái gì của ai người đó lấy. Tôi với bà ấy ngồi kê chi tiết từng món đồ của mỗi người, từ chiếc giường đến ti vi, bộ bàn ghế. Cái nào lấy được bà ấy đã mang đi hết, cái nào không lấy được thì ép tôi mua. Không có tiền, tôi phải vay mượn để mua lại. Bà ấy tính toán sòng phẳng đến vậy thì đòi hỏi tình nghĩa gì ở tôi?”. Bà im lặng. Tòa tuyên không chấp nhận kháng cáo của bà.
Ông hoan hỷ sau phán quyết của tòa. Trong khi bà lầm lũi bước nhanh thì ông kéo tay người dự khán kể chuyện. Tổng kết cuộc hôn nhân, ông nói, ngày này là cái giá - ra đi tay trắng - bà phải trả cho sự thực dụng, tính toán khi đến với ông. Ngày này cũng là cái giá - hôn nhân đổ vỡ - ông nhận lãnh cho sự vội vàng, không tìm hiểu kỹ… Ly hôn là chuyện riêng của mỗi gia đình, phải là người trong cuộc mới hiểu hết những khúc mắc, mâu thuẫn nảy sinh suốt quá trình chung sống. Nhưng, mười năm hôn nhân lẽ nào chỉ có sự toan tính tồn tại? Phải còn có những yêu thương, nghĩa tình mà những người trong cuộc hoặc đã quên, hoặc không muốn nhắc đến nên mới quá lạnh lùng, sòng phẳng với nhau…
Theo Phụ Nữ CN

Bình luận(0)