“Lớn đầu rồi mà chuyện gì cũng chạy về méc mẹ là sao? Hãy tập giải quyết chuyện của mình vì mẹ chẳng sống đời để mà lo lắng mãi cho con…”. Câu nói của ba nửa như trách móc nửa như khuyên răn khiến em bỗng thấy buồn. Mẹ đang bệnh, thế mà em cứ mang chuyện giận hờn của tụi mình ra khóc kể…
Mà nghĩ cho kỹ thì có chuyện gì đâu! Vợ chồng cãi nhau chỉ vì anh thích ăn cá kho, còn em thì thích chiên giòn. Mâm cơm dọn lên, nói qua, nói lại riết rồi quy thành quan điểm, nhận thức, thế là giận hờn, bỏ cơm, chạy về nhà mẹ. Những lần trước, mẹ nghe rồi tỉ tê khuyên giải. Em biết mình đúng chỗ nào, sai chỗ nào, phải hóa giải ra sao… Cứ như vậy mà em không chịu lớn lên cùng với cuộc hôn nhân của mình.
|
Ảnh minh họa. |
Lấy chồng 2 năm nhưng chưa bao giờ em có cảm giác mình là một bà chủ trong gia đình. Thậm chí, em chẳng nghĩ đến chuyện phải sinh con vì sợ phải bầu bì, mang nặng đẻ đau rồi xấu xí. Em nghĩ lấy chồng cũng giống như ăn cơm, uống nước. Nghĩa là đến một độ tuổi nào đó thì phải lấy chồng. Chính vì vậy mà em không hình dung được những vấn đề phức tạp của hôn nhân khi hai con người phải sống cùng nhau, phải ngày ngày chứng kiến và chấp nhận những sự khác biệt.
Đôi lúc em tự hỏi tại sao khi yêu nhau, em chẳng nhận ra anh có những tật xấu rất khó chấp nhận? Còn anh cũng không thấy em có những điều khó ưa đến đáng ghét? Chúng mình chẳng kịp nhìn thấy rõ nhau thì đã đòi cưới xin, chồng vợ. Phải chi được làm lại từ đầu, em sẽ chờ thêm vài năm nữa để mình thật sự trưởng thành, thật sự sẵn sàng cho một cuộc sống “độc lập, tự do”...
Nói gì thì nói, từ giây phút này, em sẽ “tự giải quyết” những vấn đề giữa chúng ta, sẽ bắt đầu suy nghĩ “từ chính tổ ấm” của mình. Đơn giản thôi mà, từ nay, trên mâm cơm sẽ có cả cá kho và cá chiên giòn. Thế là ổn chứ gì, phải không chồng?