Điên cả đầu với thông gia kiêm hàng xóm

Google News

Nhiều bậc phụ huynh khuyến khích con cái lấy vợ lấy chồng gần nhà cho gần gũi, nhưng sau đó lại ghét nhau như mẻ.

Sướng vì gần mà khổ cũng vì gần
Ông Linh và ông Lang vốn sinh hoạt trong cùng một tổ thơ của các cụ phụ lão. Ngoài khoe thơ, hai ông còn có sở thích khoe con. Ông Linh khoe con gái vừa xinh vừa đảm, ông Lang khoe con trai giỏi giang thành đạt. Tuy ông nào cũng nghĩ con mình "ngon" hơn nhưng khi phát hiện ra "hai đứa" yêu nhau, cả hai ông đều lấy làm thú vị và phấn khởi. Các con họ cũng mừng, vì đã biết bố mẹ hai bên chẳng những thân thiết mà còn xởi lởi, lo gì lấy nhau không hạnh phúc.
Quả thật, đôi trẻ lấy nhau, ông Linh, ông Lang càng thêm khăng khít, làm gì cũng ới, đi đâu cũng gọi. Nhà này tổ chức ăn tươi thì dĩ nhiên có mặt nhà kia, thật là vui hơn Tết. Nhưng đến năm thứ ba thì hai ông thông gia bắt đầu "mất đoàn kết", cũng bắt đầu từ thơ. Ông Linh in được một tập thơ, tổ chức liên hoan hoành tráng, gặp ai cũng ký tặng.
Từ hồi ra sách, ông mặc nhiên xem mình là một nhà thơ "chính danh", còn các bạn khác, trong đó có ông thông gia, chỉ là người tập làm thơ mà thôi. Vì thế, mỗi lần đọc và bình thơ với nhau, ông Linh đều nói với giọng "trên cơ" khiến ông Lang rất khó chịu. Cay nhất là hôm có hội thơ ở huyện bên cạnh sang giao lưu, trước mặt mọi người, ông Linh vỗ tay ông Lang, động viên: "Bác cũng phải cố mà ra một tập thơ cho nó bằng anh bằng em chứ. Thơ bác cũng nhiều bài được chứ đâu đến nỗi".
Ảnh minh họa. 
Ông Lang sầm mặt, từ chỗ khó chịu trở nên ghét cay ghét đắng ông bạn thơ kiêm hàng xóm kiêm thông gia của mình, bởi ông cảm thấy bị hạ nhục, bị khinh thường. Ông bắt đầu dèm pha, nói xấu thông gia: "Thơ ông ấy có ra cái gì đâu, hơn anh em mình được mỗi cái quan hệ, có người quen bên xuất bản họ bày cách cho. Thời bây giờ, cứ có tiền thì muốn in gì chả được. Thế mà lúc nào cũng dương dương tự đắc, làm như mình là đại thi hào không bằng. Đến chết vì tự huyễn hoặc thôi".
Những lời ấy chẳng mấy mà đến tai ông Linh. Ông Linh bảo ông Lang đố kỵ với tài thơ của mình, rằng in thơ dễ thế sao ông Lang không ra lấy vài cuốn, nhà ông có nghèo đâu... Cứ thế, hai ông nói nhau qua lại, rồi thì cãi nhau, mắng nhau công khai. Nhà cách nhau có mấy bước, đụng mặt suốt, càng ghét. Đã thế, là thông gia nên nhiều cuộc gặp mặt gia đình, họ vẫn phải gặp nhau, mà hễ gặp là lại gây chuyện, con cháu không khỏi "cháy thành vạ lây".
Ông Lang bắt đầu mắng con dâu không lo làm việc nhà, cứ suốt ngày nhong nhóng sang nhà ngoại, gái có chồng mà tưởng còn son chắc. Ông Linh cũng mắng con gái vì chỉ lo báo hiếu với bố mẹ chồng, cạnh khóe con rể lấy được con người ta rồi thì lờ cả nhạc gia... Đôi vợ chồng trẻ thật không biết ăn ở thế nào cho vừa lòng cả hai, đó là chưa kể lắm khi phải xấu hổ với hàng xóm vì hai ông bố đem nhau ra "đấu tố".
Gia đình ông bà Hoành cũng luôn hục hặc với thông gia. Trước đây, bà một mực khuyến khích, mai mối, tạo điều kiện, thậm chí còn ra mặt thúc ép con trai cưới cô bé hàng xóm làm vợ vì "con bé ấy ngoan, bố mẹ nó là giáo viên, lấy nó thì tết nhất không phải lóc cóc về quê vợ". Rồi đôi trẻ cũng bén duyên, nhưng hai bà mẹ vốn quý nhau thì lại từ đó "hết duyên" dần.
Nguyên do cũng vì thông gia của bà Hoành luôn sợ con gái đi làm dâu bị chèn ép, hành hạ khổ sở, nên suốt ngày "soi" xem bà Hoành đối xử với nàng dâu ra sao. Sống với nhau, không thể không có lúc bà Hoành cáu gắt, nặng nhẹ, nhưng hễ thông gia hóng được là thể nào cũng "nâng cao quan điểm", rồi xuýt xoa xa xót cho con gái.
"Tôi không dám xét nét con dâu nhưng bà thông gia lại xét nét tôi suốt ngày, chính tôi mới đang đi làm dâu đây", bà Hoành nói. "Giờ tôi mới thấy cái dại của việc kết thông gia gần nhà, đúng là xa thơm gần thối. Ở gần, chuyện gì bà ấy cũng giám sát, can thiệp. Tôi sợ nhất là con dâu ốm, vì bà ấy sẽ lại nói như kiểu tôi ngược đãi, hành hạ con dâu đến phát bệnh".
Ở gần nên thông gia nhà bà Hoành cứ sang thăm con gái và cháu ngoại suốt, mỗi lần sang lại căn dặn thông gia đủ điều, khiến bà Hoành ức chế. Hai bà thế là mỗi ngày một thêm mặt nặng mày nhẹ với nhau.
Con cái vạ lây
Từ chỗ ghét bà thông gia, bà Hoành đâm ra ghét con dâu. Không chửi mắng, hành hạ nhưng bà luôn đối xử với con dâu rất lạnh nhạt, xa lánh. Hiền, con dâu bà, thường tủi thân khóc hết nước mắt khi cô dù cố gắng hết sức để tỏ ra quan tâm, hiếu thảo với mẹ chồng nhưng bà vẫn coi cô như thể khách trọ trong nhà, xưng hô một chị hai tôi vô cùng "lịch sự", bằng ánh mắt băng giá và giọng nói như muốn đẩy cô ra xa ngàn dặm.
Hiền đã nhiều lần xin mẹ đẻ đừng quan tâm quá nhiều đến cuộc sống của cô ở nhà chồng, vì điều đó chỉ làm cô khó sống. Nhưng điều đó lại khiến mẹ Hiền nghĩ rằng con mình bị nhà chồng ngược đãi. Chẳng những không bớt săm soi, bản năng bảo vệ con cái của một người mẹ càng khiến bà thêm hăng hái "góp ý" với nhà chồng Hiền. Bà tâm sự với hàng xóm vì nỗi con gái bà ở nhà là vàng ngọc mà đi làm dâu thì bị khinh rẻ.
Ức chế tích tụ, hai bà cãi nhau to, rồi những trận cãi vã xảy ra ngày một dày. Lúc này, bà Hoành không còn phải "lịch sự' với con dâu nữa mà ra mặt chửi cô là sống giả tạo, ngoài mặt tỏ ra hiếu thuận nhưng thực chất toàn đi nói xấu mẹ chồng. Chồng Hiền thấy mẹ vợ vô lý, bênh mẹ đẻ nên cũng chẳng thông cảm cho vợ, thế là vợ chồng cũng hục hặc.
Có lần, vợ chồng Hiền cãi nhau, bà Hoành đổ thêm dầu vào lửa, khiến anh con trai tát vợ mấy cái. "Mẹ chồng ghét bỏ, chồng vũ phu, tôi không chịu nổi cái địa ngục này nữa. Ly hôn đi", Hiền hét lên rồi chạy về nhà đẻ. "Ly hôn thì ly hôn" - cả hai bà mẹ đều hùng hồn khẳng định quan điểm. Họ động viên con rằng trên đời thiếu gì người tốt hơn để lấy, và ngăn cản đôi trẻ làm lành với nhau.
Nếu như vợ chồng Hiền đang không biết có giữ được tổ ấm hay không thì vợ chồng Nguyên - Thu lại phải dùng biện pháp mạnh để bảo vệ cuộc hôn nhân của mình trước sức công phá của hai bên cha mẹ, vốn là hàng xóm của nhau. Hai gia đình trước khi trở thành thông gia thì quan hệ hết sức bình thường, mâu thuẫn chỉ xuất hiện khi hai đứa trẻ ra đời.
Nhà gần, ông bà ngoại thường xuyên qua lại để được bế ẵm, hôn hít, chăm sóc cháu. Họ phàn nàn rằng các cháu quá gầy gò, rồi giảng giải cho ông bà nội là nuôi trẻ con phải thế nọ thế kia. Nhà nội tự ái vì nghĩ bị chê không biết chăm trẻ, nên tỏ ý không thích mỗi lần thông gia sang "giúp một tay". Thậm chí bà nội còn không muốn cho bà ngoại bế cháu, cho cháu ăn, và nhắc nhở thông gia về cái quyền của nhà nội. Từ đó mà mâu thuẫn ngày một lớn, xung khắc ngày một dữ dội.
Và vợ chồng Nguyên - Thu đều trở thành cái bao cát cho bố mẹ hai bên trút giận. Họ bị lôi kéo làm đồng minh, họ bị nghi ngờ là "gián điệp", họ bị kết tội là "gian tế", là ong trong tay áo... Rồi cũng theo quy luật, sự căng thẳng khiến hai vợ chồng quay sang "gấu ó" lẫn nhau, những khi đỉnh điểm cũng muốn tung hê tất cả, cũng đòi ly dị để giải thoát, muốn ra sao thì ra miễn là thoát khỏi cảnh đau đầu nhức óc triền miên này...
Khi tòa án bắt đầu thụ lý đơn ly hôn cũng là lúc hai vợ chồng giật mình rằng tan vỡ gia đình đã là sự thật trước mắt. Họ ngồi lại với nhau cùng "kiểm điểm", cùng nhận là vẫn yêu và cần nhau.
Nguyên chia sẻ: "Vợ chồng tôi quyết định ra ở riêng. Có ít tiền dành dụm, tôi vay thêm, mua một căn nhà nhỏ cách chỗ cũ hơn chục cây số, tách hẳn với cả ông bà nội lẫn ông bà ngoại. Con cháu không ở với ai cả, các ông bà cũng ít có cớ để cãi vã, hoạnh họe nhau, và nếu có thì chúng tôi cũng ít bị ảnh hưởng bởi mâu thuẫn của các cụ hơn".
Cuối tuần, vợ chồng Nguyên thường đưa con về thăm ông bà, tuần này sang nhà ngoại trước thì lần sau sang nhà nội trước, ăn trưa nhà nội thì ăn tối nhà ngoại, rất công bằng. Hễ một bên có ý định "gây sự" là anh Nguyên tuyên bố luôn: "Nếu còn thế này thì lần sau bọn con không dám về nữa". Nguyên không dọa, vì có đợt anh không về thật, các cụ có trách, có chửi thế nào cũng mặc, thế là dần dần các cụ "rút kinh nghiệm".
Nguyên tâm sự, anh muốn có một ngày bố mẹ hai bên sẽ lại ngồi với nhau vui vẻ như xưa, nhưng cũng cần có thời gian. Trước mắt, mâu thuẫn của các cụ không còn là mối đe dọa làm tan vỡ hôn nhân của con cháu nữa, thế đã là thắng lợi lớn rồi.
Theo Tri Thức Thời Đại

Bình luận(0)