Điêu đứng vì con dâu cờ bạc

Google News

Đùng một cái, ông biết tin căn nhà đồ sộ mà ông đang chung sống với các con đã bị cô con dâu cầm sổ đỏ mang đi thế chấp...

Bác sĩ Bế Thị Hiển, Trưởng khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội, cho biết: thời gian gần đây, những ngời phát bệnh do thất bại về tài chính ngày càng nhiều hơn, chiếm 8% các bệnh nhân rối loạn liên quan đến stress. Và điều đặc biệt, nhiều người trong số đó là những ông lão, bà cụ đã ở tuổi gần đất xa trời. Chỉ vì nàng dâu vỡ nợ, không chịu được cảnh hằng ngày bị đầu gấu đến nhà tra tấn tinh thần, không chịu được cảnh ngôi nhà gắn bó bao năm sẽ bị siết nợ mà họ đã phải nhập viện tâm thần.
Điêu đứng vì con dâu cờ bạc
Là bác sĩ điều trị ở khoa Lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, Hà Nội, bác sĩ Bế Thị Hiển hiểu được từng chân tơ kẽ tóc về bệnh trạng cũng như hoàn cảnh gia đình của các bệnh nhân. Trong số những bệnh nhân của bác sĩ Hiển có bà Ngô Thị M., 60 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội đã phải nhập viện vì bị cú sốc tinh thần do cô con dâu gây ra.
Sau khi dựng vợ gả chồng cho con trai, mua cho hai vợ chồng đứa con nhà riêng, bà M. những tưởng mình đã có thể an nhàn hướng tuổi già. Đùng một cái, bà M. phải vào nhập viện cấp cứu khi nghe tin con dâu bà vì mê cờ bạc đã thua mất số tiền là 6 tỷ đồng.
Chuyện vỡ lở khi nhóm đầu gấu tìm đến nhà bà gây chuyện, đòi siết nhà. Biết bà M. ở nhà cả ngày, hằng ngày bọn đòi nợ thuê tìm đến chửi bới, đập phá ngoài cửa, ném chất bẩn vào nhà bà. Tìm đến nhà thông gia mong tìm được cách giải quyết, bà M. mới ngã ngửa, ngay cả bà thông gia cũng là kẻ mê cờ bạc, đã phải bán hết nhà cửa để trả nợ, giờ phải sống cảnh thuê nhà. Ở nhà một mình, vừa sợ hãi, vừa lo lắng ngôi nhà mà bà đang ở sẽ bị siết nợ, quá ngán ngẩm và suy nghĩ nhiều đã khiến bà M. lâm bệnh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 
Bác sĩ Hiển cho biết, bà M. lâm bệnh bởi ngày đêm lo lắng sẽ bị mất nhà, khóc lóc, suy nghĩ quá nhiều đã khiến bệnh nhân bị trầm cảm với các biểu hiện: hồi hộp, lo lắng, hốt hoảng, có những cơn sợ hãi, mất ngủ.
Được con trai đưa đến bệnh viện điều trị, vừa bước vào cửa phòng gặp bác sĩ, bà M. đã mếu máo vừa khóc vừa nói: “Cô ơi, sắp tới tôi bị mất nhà rồi, cô cho tôi một liều thuốc tôi uống để bình tĩnh lại, nếu không cho tôi uống thuốc ngủ cũng được, không tôi chết mất”.
Cùng chung cảnh ngộ với bà M. là ông T., nhà ở Ba Đình, Hà Nội. Sống chung với cậu con trai và cô con dâu, cả hai đều là cán bộ nhà nước, ông T. khá yên tâm về các con. Đùng một cái, ông biết tin căn nhà đồ sộ mà ông đang chung sống với các con đã bị cô con dâu cầm sổ đỏ mang đi thế chấp, cả nhà đứng trước nguy cơ phải ra đường ở.
Không chịu được cú sốc tinh thần này, ông T. đã bị cấm khẩu. Tìm đến bác sĩ Hiển, ông T chỉ có thể ú ở những câu không rõ nghĩa khiến vị bác sĩ cũng phải chạnh lòng. “Cú sốc mạnh khiến bệnh nhân bị mất ngôn ngữ, chúng tôi đã phải cho bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm, giải lo lắng”, bác sĩ Hiển nói.
Theo bác sĩ Hiển, cả hai bệnh nhân kể trên đều thấy mặc cảm, chán đời, đau khổ vì không dạy được con dâu. Tìm đến bác sỹ, chưa nói được câu nào, cả bà M. và ông T. đã khóc lóc, đòi chết. Gặp những trường hợp như vậy, bác sĩ Hiển động viện bệnh nhân giữ sức khỏe, dùng đạo phật giải thích, khuyên nhủ để bệnh nhân chấp nhận với hoàn cảnh thực tế của mình.
Bác sĩ Hiển cho biết: “Đây đều là những ca khó, bởi vấn đề tâm lý muốn giải quyết được thì phải giải quyết từ nguyên nhân, có chữa cũng chỉ là chữa bề mặt. Nếu không giải quyết được tận gốc nguyên nhân thì bệnh nhân khó mà khỏi được. Ở đây nguyên nhân là khoản nợ nần của những nàng dâu, bác sỹ đâu thể giải quyết được gốc rễ vấn đề này”.
Với nhiều năm kinh nghiệm, bác sĩ Hiển nhận thấy, những ca lâm bệnh do thất bại vì tình còn dễ chữa hơn là những bệnh nhân kể trên. Kinh nghiệm điều trị cho những ca này, bác sĩ phải dùng liệu pháp thích nghi, trấn an tâm lý cho bệnh nhân, thậm chí phải đưa ra những so sánh để bệnh nhân thấy rằng cuộc đời còn có vô số những con người khổ đau hơn họ.
“Thời gian gần đây, những bệnh nhân đến điều trị do nguyên nhân thất bại về tài chính ngày càng nhiều hơn. Có đến 4/50 trường hợp, chiếm 8% các bệnh nhân rối loạn liên quan đến stress”, bác sĩ Hiển cho biết.
Nàng dâu quỷ quyệt
Một trường hợp mà bác sĩ Hiển nhắc đến là bệnh nhân Tốn Xuân T., 27 tuổi, ở Mai Hương, Hoàng Mai, Hà Nội. Cô vợ của bệnh nhân này cũng đã khiến bố mẹ chồng nhiều phen khốn đốn.
Anh T. là con nhà khá giả ở Hà Nội nhưng không may có tiền sử mắc bệnh tâm thần. Anh này phát bệnh theo chu kỳ, tức là vẫn có lúc tỉnh táo xen kẽ những lúc phát bệnh.
Chính vì con trai còn có những lúc tỉnh táo nên cha mẹ anh này vẫn mong con mình kiếm được một mái ấm, sinh cho ông bà đứa cháu nội. Bố mẹ anh T. đã cất công tìm về các miền quê nghèo, nhờ người mai mối tìm cho con trai cô vợ. Và qua những lần mai mối, cuối cùng anh này cũng kiếm được một cô vợ khỏe mạnh. Sau đám cưới được tổ chức linh đình, vợ anh này sinh được đứa con trai kháu khỉnh. Điều này khiến cha mẹ anh T. vô cùng vui mừng. Họ luôn tỏ ra biết ơn cô con dâu.
Biết con trai mình bị bệnh, bố mẹ anh này hết sức nhún nhường cô con dâu và chiều chuộng cô ta hết mức có thể, nhất là sau khi đứa cháu nội chào đời. Họ chỉ sợ con dâu vì chán người chồng tâm thần mà bỏ đi mất nên đã tặng cho con dâu họ một cửa hàng mặt phố để cô ta mở cửa hàng.
Không ít lần vì phật ý với gia đình nhà chồng mà vợ anh này đã làm mình làm mẩy, bế con bỏ đi. Những lần như thế, bố mẹ anh này lại phải cất công đi tìm con dâu. Tìm được con dâu rồi, ông bà lại phải nịnh nọt, hứa đưa sổ đỏ, sang tên cho cô con dâu ngôi nhà mặt phố để cô ta chịu quay trở về.
Khi bố mẹ anh này đang làm thủ tục sang nhượng ngôi nhà để cô con dâu đứng tên, trong một lần tỉnh táo hiếm hoi, anh này đọc được tin nhắn lạ trong điện thoại của vợ với nội dung: “Con có khỏe không?”. Anh này đã đem chuyện này thắc mắc với người cậu. Người cậu của anh T. nghi ngờ đứa con mà vợ anh này sinh ra là con của người đàn ông khác nên đã lấy sợi tóc của đứa bé mang đi xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy, đứa trẻ không phải là con của anh T. Lúc này bố mẹ anh này mới ngã ngửa.
Biết chuyện mình bị vợ lừa, bệnh tình của anh T. càng nặng hơn. Sau đó anh ta phải quay lại bệnh viện tâm thần để điều trị một đợt kéo dài 3 tháng. Sự việc bại lộ, bố mẹ anh T. đã tống cổ cô con dâu xảo quyệt ra khỏi nhà và đành ngậm ngùi chăm sóc đứa con trai bệnh tật. “Cũng may ngôi nhà chưa kịp sang tên cho cô con dâu đó”, bác sĩ Hiển cho biết.
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật

Bình luận(0)