Hiện tại, thị trường ôtô Việt Nam vẫn đang khá sôi động dù không còn ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô nội địa. Nguyên nhân là bởi ở tháng cận Tết Nguyên Đán, người tiêu dùng có nhu cầu lớn trong việc sắm sửa bốn bánh để du xuân. Tuy nhiên, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam lại tương đối ảm đạm.
|
Lượng ôtô nhập khẩu cập cảng Việt Nam trong nửa đầu tháng 1/2021 giảm mạnh so với nửa cuối tháng 12/2020 trước đó. |
Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 1/2021 chỉ có tổng cộng 2.518 ôtô nguyên chiếc các loại cập cảng Việt, tổng giá trị đạt hơn 80 triệu USD. So với nửa cuối tháng 12/2020 trước đó, lượng ôtô nhập khẩu về Việt Nam trong nửa đầu tháng 1/2021 giảm mạnh tới 61%.
Đáng chú ý rằng trong lượng xe ôtô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam ở 15 ngày đầu tháng 1/2021, ôtô 9 chỗ ngồi trở xuống chỉ có 1.607 xe, kim ngạch gần 36,6 triệu USD. Ô tô tải đăng ký thông quan chỉ có 577 chiếc với tổng giá trị gần 20,4 triệu USD. Điều này đồng nghĩa với việc, một số mẫu xe nhập khẩu “hot” tại thị trường Việt Nam có thể gặp phải tình trang “khan hàng” dịp cận Tết. Ví dụ như Mitsubishi Xpander (bản MT) hay Toyota Corolla Cross vẫn cháy hàng trong vài tháng gần đây và cả Toyota Land Cruiser Prado hiện có tiền cũng không mua được.
|
Lượng ô tô về Việt Nam trong nửa đầu tháng 1/2021 chỉ hơn 2.500 xe dẫn đến khả năng “khan hàng” của một số mẫu xe “hot”. |
Theo số liệu được Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố, trong năm 2020 vừa qua cả nước nhập khẩu hơn 100.000 ôtô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch đạt 2,35 tỷ USD. Nếu so với năm 2019, lượng ôtô nhập khẩu trong năm 2020 giảm tới 24,5% về số lượng và giảm 25,6% về giá trị. Trong đó, Thái Lan vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 52.647 xe với tổng giá trị đạt 1,073 tỷ USD.
Việc ôtô nhập khẩu giảm mạnh trong năm 2020 cũng là điều dễ hiểu. Nguyên nhân là do nửa đầu năm 2020, thế giới gặp phải những tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 khiến nhà máy lắp ráp của các hãng xe tại các thị trường trong khu vực Đông Nam Á phải giảm thiểu công suất hoặc thậm chí là đóng cửa trong thời gian ngắn để chống dịch. Sau đó đến nửa cuối năm 2020, các dòng xe lắp ráp trong nước được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ, dẫn đến cuộc chơi giữa xe nội địa và xe nhập khẩu bị nghiêng về một phía, điều này khiến các hãng xe nhập khẩu ít hơn để giảm thiếu chi phí kho bãi.