Trong nhiều tháng qua, Ankara đã tỏ ra lưỡng lự trong việc tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại IS.
Nhưng mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ không kích IS và sẵn sàng tham gia cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS là dấu hiệu cho thấy nước này đang lo sợ sự mất ảnh hưởng với Mỹ. Tuy nhiên, đợt tấn công thứ hai nhằm vào lực lượng người Kurk ở Iraq ngày 25/7 có thể làm phức tạp cuộc chiến chống IS của Washington.
|
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 25/7/2015. |
Các chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ đã không kích các căn cứ của IS, trong đó, vụ ném bom mới nhất diễn ra vào ngày 25/7. Sau đó, Ankara mở đợt oanh kích thứ hai nhằm vào các doanh trại của Đảng Lao động Kurdistan (PKK) ở Iraq. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ từ chối bình luận công khai về cuộc không kích thứ hai này.
Chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ tấn công những cứ điểm của PKK ở 7 khu vực thuộc miền bắc Iraq, trong đó có Núi Quandil – nơi đặt trụ sở của PKK.
Được biết, đây là đợt không kích đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Iraq nhằm vào PKK kể từ các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên diễn ra vào năm 2012. Sau đó, PKK tuyên bố lệnh ngừng bắn vào năm 2013.
Sự thay đổi chính sách trong cuộc chiến chống IS của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra vào thời điểm hợp tác giữa Mỹ và Iran chặt chẽ hơn sau thỏa thuận hạt nhân đạt được gần đây. Theo một chuyên gia phân tích, thỏa thuận này có nguy cơ làm giảm tầm quan trọng chiến lược của Ankara, khiến nước này phải hợp tác với liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu chống lại các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo.
Ngoài ra, theo đánh giá của nhà phân tích Fadi Hakura của Chantham House ở London (Anh), các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng, kể từ năm 2014, tổ chức IS ngày càng lớn mạnh và kiểm soát vùng đất rộng lớn ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này khiến Ankara lo ngại và xem phiến quân IS là một mối đe dọa đối với an ninh nước này.
Tối ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cuối cùng đã đạt được một thỏa thuận cho phép Mỹ có thể không kích IS từ Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép các chiến đấu cơ của liên minh do Mỹ đứng đầu sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở miền đông nước này. Thỏa thuận cho phép cả chiến đấu cơ có người lái và không người lái thực hiện các cuộc không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria.
Nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ rằng nội dung của thỏa thuận cũng liên quan đến việc thiết lập vùng cấm bay dài 90 km và sâu từ 40-50 km nằm giữa hai thị trấn Marea và Jarabulus của Syria, giúp tạo ra vùng an toàn trên mặt đất bên trong lãnh thổ Syria, ngăn chặn sự xâm nhập của các chiến binh IS cũng như các nhóm thánh chiến khác.
Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện những đợt tấn công IS đầu tiên sau vụ đánh bom tự sát ngày 20/7 ở thị trấn Suric, gần biên giới Syria. Vụ đánh bom đã khiến 32 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/6, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết, khi tiến hành các cuộc tấn công, Ankara đã bắt giữ gần 600 nghi phạm khủng bố ở 22 tỉnh trên toàn quốc.