Theo hãng tin Reuters, Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông, trong khi căng thẳng cũng đang gia tăng giữa Bắc Kinh với một số quốc gia Đông Nam Á liên quan đến tranh chấp Biển Đông, vốn được cho là giàu dầu khí.
|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đọc bài diễn văn quan trọng tại Đối thoại Shangri-La tuần này. |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đọc bài diễn văn quan trọng tại Đối thoại Shangri-La. Đối thoại Shangri-La là diễn đàn dành cho các chuyên gia quốc phòng và an ninh đến từ Châu Á, bao gồm Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Mỹ và Australia.
Thủ tướng Abe được kỳ vọng sẽ giải thích nỗ lực của ông nhằm dỡ bỏ lệnh cấm tham chiến bên ngoài lãnh thổ của quân đội Nhật từ sau Thế chiến II.
Hãng thông tấn Kyodo dẫn lời Thủ tướng Abe ngày 28/5 phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản: “Căng thẳng đang gia tăng ở Châu Á-Thái Bình Dương. Tôi muốn gửi thông điệp đến thế giới về vai trò chủ động của Nhật Bản đối với hòa bình dựa trên hợp tác quốc tế”.
Một số nước trong khu vực coi thông điệp trên là tích cực, do hành động “ỷ mạnh hiếp yếu” ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Nhà phân tích Malcom Cook, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Đông Nam Á ở Singapore, nói: “Các nước ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc sẽ ủng hộ ông Abe… Nhật Bản quyết đoán hơn nhiều so với ASEAN khi chỉ trích Trung Quốc”.
Trung Quốc khiến Philippines nổi giận khi xây dựng đường băng sân bay trên một “hòn đảo nhân tạo” mà nước này bồi đắp trên rạn san hô, ở vùng biển có tranh chấp trên Biển Đông.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Philippines nói: “Chúng tôi chào đón đóng góp của Nhật Bản để củng cố an ninh và ổn định trong khu vực, bao gồm cả kế hoạch nâng cao vai trò an ninh của nước này”.
Bài diễn văn của ông Abe cũng được kỳ vọng sẽ nhấn mạnh vào pháp quyền và phản đối việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, vốn là ngôn từ chính mà Tokyo sử dụng để chỉ trích Bắc Kinh.
Thủ tướng Abe đã cho thấy rõ rằng ông muốn thay đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản, nhằm cho phép nước này tham gia vào hoạt động quốc phòng tự vệ tập thể hoặc cung cấp khí tài quân sự cho những quốc gia thân thiện bị tấn công.
Đại diện của Trung Quốc tại diễn đàn này là Thứ trưởng ngoại giao Phó Oánh, một người được cho là cứng rắn và có tài hùng biện. Nhà phân tích Malcom Cook nhận xét: “Trung Quốc đã cử đại diện cấp cao hơn đến tham dự diễn đàn (Đối thoại Shangri-La) lần này. Tôi tin rằng việc Thủ tướng Abe có mặt góp phần vào quyết định đó của Bắc Kinh”.