Trong một bài viết đăng trên trang mạng War on the Rocks, Tiến sĩ Patrick M. Cronin - Giám đốc Cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm An ninh Mỹ mới - đã nhận định như trên về chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc.
|
Tiến sĩ Patrick M. Cronin - Giám đốc Cấp cao của Chương trình Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm An ninh Mỹ mới. |
Giành lại vị trí “thiên triều” trong lịch sử
Theo Tiến sĩ Cronin, Châu Á đang ở trong một giai đoạn cạnh tranh ngày càng gia tăng. Động lực chính của cuộc cạnh tranh này là một Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, quyết tâm thiết lập các luật lệ can dự mới xung quanh phạm vi lãnh thổ rộng lớn của mình và Biển Đông là tâm điểm của sự cạnh tranh này.
Nhằm mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, Trung Quốc đang tìm cách lấy lại vị trí “thiên triều” trong lịch sử với tư cách là cường quốc thống trị khu vực.
Tuy nhiên, Trung Quốc biết rằng trật tự thế giới hậu Chiến tranh Thế giới II sẽ cản trở mục tiêu này. Vì vậy, Trung Quốc vừa mong muốn thay thế vị trí của Mỹ, vừa muốn dần dần thống trị các nước láng giềng theo cách không gây ra các phản ứng đáp trả tức thời hoặc mạnh mẽ.
Không may là Mỹ chưa đưa ra được một chính sách nào để ngăn cản khả năng trên biến thành hiện thực. Nếu người ta cứ chờ đợi các diễn biến ở Đông Nam Á tự vận hành theo chiều hướng hiện nay, Mỹ cùng với các nước đồng minh và đối tác sẽ sớm mất đi những lợi thế đáng kể liên quan đến các quy tắc và chuẩn mực ứng xử ở khu vực và sẽ còn gặp nhiều rủi ro an ninh hơn nữa trong tương lai.
Triệt tiêu sức mạnh Mỹ trong khu vực
Bị thúc đẩy bởi các thế lực theo chủ nghĩa dân tộc, Trung Quốc đang thúc đẩy nỗ lực nhằm thay thế, cản trở và loại bỏ sức mạnh Mỹ. Trung Quốc đang tìm cách vô hiệu hóa năng lực quân sự truyền thống đáng kể của Mỹ thông qua khả năng chống tiếp cận/phong tỏa khu vực, đồng thời ngăn chặn các nỗ lực của Washington trong việc đoàn kết các nước Đông Nam Á chống lại sức mạnh Trung Quốc.
|
Tuy không phải là kẻ thù, nhưng rõ ràng Trung Quốc là một đối thủ đáng gờm - một đối thủ đang vượt qua Mỹ. |
Vì vậy, tuy không phải là kẻ thù, nhưng rõ ràng Trung Quốc là một đối thủ đáng gờm - một đối thủ đang vượt qua Mỹ. Tận dụng các xu thế toàn cầu, Trung Quốc có thể cùng với Nga và các nước khác nhằm thúc đẩy một thế giới đa cực, giúp cho Trung Quốc có lợi thế hơn trong hành xử với các nước láng giềng.
Trên vị thế là đối tác kinh tế hàng đầu của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc đang tô vẽ hình ảnh “sức mạnh quân sự Mỹ” là một rào cản và là căn nguyên gây ra tình trạng đối đầu trong khu vực.
Trong vài năm qua, Trung Quốc đang cố xây dựng hình ảnh một cường quốc không chỉ quan tâm đến kinh tế mà còn đến sự phát triển của khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc khắc họa hình ảnh Mỹ là một quốc gia tìm cách chia rẽ khu vực, từ các quan hệ đồng minh cho đến một hiệp định thương mại chỉ dành riêng cho 12 nước (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) hay như sự phản đối của Washington đối với sáng kiến Ngân hàng Đầu tư và Cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
“Tiến hai bước, lùi một bước”
Chiến lược của Trung Quốc không hẳn là “không đánh mà thắng” theo binh pháp Tôn Tử mà là tìm cách đặt mình vào một vị thế có lợi hơn thông qua các chiến dịch tuyên truyền, pháp lý và tâm lý kết hợp với cách tiếp cận gián tiếp khi đụng đến các vấn đề về quốc phòng thủ.
Các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc đủ để thay đổi nhận thức của các nước láng giềng nhỏ hơn, nhất là khi họ vẫn nghi ngờ về sức mạnh tương lai và ý chí chính trị của Mỹ trong việc bảo vệ họ hay duy trì một cán cân quyền lực khu vực.
Sự phát triển của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng đủ nhanh và tiến bộ đến mức có thể gây khó khăn một cách nghiêm trọng cho khả năng phát huy sức mạnh Mỹ tại Đông Á. Nhưng Trung Quốc chưa phát triển đến mức có thể đấu ngang ngửa với Mỹ. Trung Quốc có vẻ ngần ngại trước Liên minh Mỹ-Nhật đang được tái củng cố.
Lập trường cứng rắn của liên minh Mỹ-Nhật về vấn đề Biển Hoa Đông đã phần nào chuyển hướng sự quyết đoán của Trung Quốc sang Biển Đông, nơi không có một cam kết tương tự và có quá nhiều chủ thể cũng như yêu sách chồng lấn.
Đối với Bắc Kinh, “quyền lực thông minh” bao gồm việc sử dụng một loạt công cụ chính sách kết hợp “sức mạnh cứng” với “sức mạnh mềm” ở nhiều mức độ khác nhau để có lợi cho Trung Quốc, vào thời điểm hiện tại lẫn trong tương lai.
Việc thường xuyên điều chỉnh các công cụ chính sách khác nhau của Trung Quốc có thể được tóm gọn trong cụm từ “tiến hai bước, lùi một bước”. Trung Quốc luôn tìm cách gia tăng quyền lực trong khu khu vực, không ngần ngại đẩy nhanh tiến độ khi cơ hội xuất hiện và thay đổi hướng đi cũng như thông điệp khi cần thiết để giảm bớt sự chống đối.
Chiến lược của Trung Quốc cũng chú ý đến yếu tố thời gian trong các diễn biến chính trị ở khu vực. Trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ điều chỉnh thái độ tùy theo thời điểm của các diễn biến chính trị quan trọng trong khu vực như các cuộc bầu cử hoặc chức chủ tịch luân phiên trong các tổ chức như ASEAN.
Trung Quốc cũng sử dụng cả con bài lịch sử, hoặc cụ thể trong trường hợp Biển Đông là con bài “quyền lịch sử”. Mời gọi hợp tác trên “đảo nhân tạo” - một đảo mà theo luật quốc tế chắc chắn không thuộc về Trung Quốc và cũng sẽ không ảnh hưởng đến yêu sách lãnh thổ bởi vì ban đầu nó là một thực thể chìm dưới nước - là cách để Trung Quốc cố gắng tìm kiếm sự chấp thuận của cộng đồng quốc tế đối với yêu sách “quyền lịch sử” rất đỗi mơ hồ.
Nhiều nghiên cứu quan trọng đã chỉ ra những thách thức mà nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang phải đối mặt trong việc cai trị một Trung Quốc hiện đại, đa dạng nhưng cũng dễ bị tổn thương. Việc nắm rõ những bất ổn và nhược điểm của Trung Quốc sẽ rất quan trọng trong việc đưa ra được một lập trường hiệu quả nhằm khiến cho Trung Quốc từ bỏ lối hành xử “cưỡng ép đơn phương” và chuyển sang hợp tác đa phương.