Theo tờ báo Hồng Kông trên, căng thẳng tiếp tục leo thang ở Biển Đông có thể dẫn tới một số sự cố nghiêm trọng giữa Quân đội Trung Quốc và máy bay giám sát Mỹ. Và điều này có thể khiến Chủ tịch Tập Cận Bình hoãn thăm Mỹ vào cuối năm nay.
Trước đó, vào tháng 2/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo qua điện đàm với Tổng thống Obama về chuyến thăm Mỹ sắp tới. Như thông lệ, trước mỗi chuyến thăm của các vị nguyên thủ, truyền thông hai nước hữu quan sẽ cố gắng xoa dịu mọi mâu thuẫn, bất đồng hay hiềm khích nhằm tránh mọi vấn đề khó xử về sau.
|
Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Bắc Kinh hôm 17/5.
|
Tuy nhiên, tờ Ta Kung Pao nhận định, trong
chuyến thăm tới Trung Quốc hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thẳng thắn bày tỏ những quan ngại của Washington về các hoạt động bồi đắp trái phép của Bắc Kinh ở Biển Đông. Dư luận và báo Hồng Kông nhận thấy, tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ông Vasily Kashin, chuyên gia phân tích cấp cao của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ ở Moscow cho rằng, Trung Quốc rất có thể khai hỏa hoặc tiến hành các hành động nguy hiểm để “đuổi” máy bay trinh sát Mỹ tuần tra ở Biển Đông.
Theo lời chuyên gia Kashin, Washington có thể chắc chắn một điều là Bắc Kinh sẽ không làm điều gì đó quá quyết liệt. Tuy nhiên, “Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp trả nếu như Mỹ tiếp tục can thiệp ở Biển Đông”, ông Kashin chia sẻ quan điểm.
Trong khi đó, quan hệ Trung-Mỹ thời gian gần đây trở nên xấu đi. Điển hình, Bắc Kinh vừa gửi công hàm phản đối Washington sau khi một máy bay trinh sát P-8A Poseidon thuộc biên chế Hải quân Mỹ hôm 20/5 tuần tra gần các "đảo nhân tạo" mà Bắc Kinh bồi đắp trên các rạn san hô ở Biển Đông. Bỏ qua 8 lần cảnh báo xua đuổi của Trung Quốc, phi hành đoàn Mỹ trong chuyến tuần tra trên khẳng định, phi cơ của họ bay trên không phận quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi sự hiện diện của máy bay trinh sát Mỹ là "nguy hiểm và vô trách nhiệm". Bà tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Mỹ sửa chữa sai lầm, giữ chừng mực và dừng ngay những hành động khiêu khích”.
|
Hình ảnh công trường xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông hiện lên trên radar máy bay trinh sát Mỹ P-8A Poseidon.
|
Tiếp sau đó, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khác là Hồng Lỗi tố cáo hoạt động giám sát, tuần tra của Mỹ “gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với Trung Quốc...có thể dẫn tới phán đoán sai lầm mà có thể gây ra các tai nạn trên biển và trên không”.
Trong khi đó, Washington khẳng định, máy bay tuần tra P-8A Poseidon bay trên không phận quốc tế ở Biển Đông và Hải quân Mỹ tiếp tục hoạt động ở khu trực trên.
Trong một cuộc họp báo ở Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Russel khẳng định, các chuyến bay tuần tra của Mỹ ở Biển Đông “hoàn toàn phù hợp” với thông lệ và luật pháp quốc tế. Và, máy bay quân đội Mỹ “tiếp tục thực thi đầy đủ” quyền hoạt động ở vùng biển và không phận quốc tế.
Còn hôm 22/5, trong bài diễn văn ở lễ tốt nghiệp ở Học viện Hải quân Mỹ, Phó Tổng thống Joe Biden khẳng định, Washington không nghiêng về bên nào trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ “hoàn toàn ủng hộ cho một giải pháp hòa bình và công bằng đối với cuộc tranh chấp đó”.
“Các nguyên tắc trên sẽ được kiểm chứng bởi chính những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Đó là lý do tại sao 60% lực lượng Hải quân Mỹ sẽ được triển khai ở Châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2020”, Phó Tổng thống Biden nói.