Nhật Bản - nền kinh tế thứ ba thế giới - đang gắn bó với Hiệp hội các nước Đông Nam Á phát triển năng động bằng mối quan hệ mật thiết và lâu dài.
|
Tính riêng năm ngoái, Thủ tướng Abe đã thăm 10 nước ASEAN.
|
Nhật Bản là đối tác thương mại quan trọng thứ ba của ASEAN sau Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU), đồng thời là nhà đầu tư thứ hai vào các nền kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, quan hệ Nhật Bản-ASEAN không chỉ hạn chế trong lĩnh vực kinh tế. Nhật Bản tăng cường quan hệ với Đông Nam Á trong bối cảnh quan hệ phức tạp của nước này với Trung Quốc và Hàn Quốc do các vấn đề lãnh thổ, di sản lịch sử.
Tính riêng năm ngoái, Thủ tướng Abe đã thăm 10 nước ASEAN, ngoài ra là các chuyến đi liên tục đến khu vực của Bộ trưởng Ngoại giao và quan chức cấp cao khác nhau trong nội các Nhật Bản.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Viễn Đông (Viện HLKH Nga) Valery Kistanov nhận xét: "Nhật Bản theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Biển Đông. Các nước ASEAN có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, không khỏi quan ngại trước việc Trung Quốc ráo riết hoạt động, tăng cường hiện diện hải quân, kỳ vọng sở hữu vùng lãnh thổ rộng lớn trên Biển Đông. Trung Quốc đã cho bồi đắp đảo mới và xây dựng đường băng. Nhật Bản theo dõi sát tình hình này, song song những tranh cãi với Trung Quốc về quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông. Tokyo tìm cách hợp nhất các tranh chấp tại hai vùng biển thành nỗ lực chung đối đầu cái gọi là mối nguy Trung Quốc, làm phân tán tiềm lực quân sự của Trung Quốc. Ở đây, Nhật Bản đã có những việc làm cụ thể như cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam và Philippines”.
Theo chuyên gia Nga Valery Kistanov, Nhật Bản muốn thoát khỏi những hạn chế của Hiến pháp hòa bình và điều này đã xảy ra. Chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Abe tới Washington đã kết thúc bằng việc điều chỉnh phương hướng hợp tác quốc phòng giữa Washington và Tokyo. Từ nay, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ có thể cùng tham gia hoạt động quân sự ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Người Mỹ lâu nay đã đề xuất Nhật Bản tham gia tuần tra trên Biển Đông, phía Nhật bày tỏ thái độ tích cực với đề xuất này. Nhật Bản quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho các tuyến vận tải biển.
Ông Valery Kistanov cho rằng việc lôi kéo ASEAN giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Mỹ-Nhật Bản, diễn ra trên hai lĩnh vực kinh tế và quân sự.
Về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phương Đông Dmitry Mosyakov nói: " Người Trung Quốc sử dụng nhiều phương pháp để đạt mục tiêu, đặc biệt trong đó có gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Để đối phó thành công, ASEAN cần đoàn kết. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng. Những quan điểm khác nhau về vấn đề Biển Đông đang làm xói mòn sự đoàn kết trong ASEAN. Một số nước ASEAN nghiêng về phía Trung Quốc, trong khi số khác lại tỏ ra gần gũi với Mỹ”.