|
Giữa Trung Quốc và Philippines từng xảy ra một cuộc "chiến tranh về chuối".
|
Kênh
Channel News Asia ngày 6/8 đưa tin, hoạt động thương mại giữa Philippines với Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước trên Biển Đông.
Điển hình cho động thái hạn chế nhập khẩu từ Philippines là việc Hải quan Trung Quốc đã gây khó dễ, giữ lại 500 kg gạo trưng bày của công ty SL Agritech Philippines khi công ty này tới tham dự hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc.
Brian O Lim, quản lý chuỗi cung ứng của SL Agritech cho biết khi đi quanh hội chợ, lúa gạo của các nước ASEAN như Campuchia, Thái Lan và Việt Nam xuất hiện đầy đủ trong gian hàng triển lãm, chỉ có Philippines là không có, ngoại trừ 3 túi gạo nhỏ mang theo hành lý, số còn lại vẫn nằm ở cơ quan hải quan Trung Quốc.
Ngoài ra, các mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh của Philippines như dầu dừa, nước ép Noni cũng đang gặp phải những rào cản thương mại tương tự.
Michael Chen Guzman, Giám đốc tiếp thị của Philnoni cho biết, trước đây Trung Quốc chỉ kiểm tra 8 tiêu chí đối với dầu dừa như bây giờ họ đòi kiểm tra 12 tiêu chí.
Tăng thời gian xét nghiệm là tăng chi phí và tăng thời gian chờ đợi, đôi khi các sản phẩm Philippines phải mất một tháng để làm các thủ tục thông quan, nên rất khó khăn cho các doanh nghiệp Philippines.
Tổng thống Philippines Aquino đã không tham dự Hội chợ triển lãm Nam Ninh bởi đến phút chót, Trung Quốc đặt điều kiện không thể chấp nhận được đối với chuyến đi: Philippines phải rút đơn kiện Trung Quốc (áp dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông).
Căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp. Nói cách khác, Trung Quốc đang dùng đòn kinh tế, thương mại kết hợp với ngoại giao, quân sự và truyền thông để gây sức ép tổng thể đối với Philippines.
Các doanh nghiệp xuất khẩu dầu dừa Philippines cho biết họ đã phải cắt giảm nguồn cung vào thị trường Trung Quốc mặc dù nhu cầu đang tăng trưởng 20 đến 30% mỗi năm.
Trong khi thị trường Trung Quốc quá lớn để có thể bỏ qua, các doanh nghiệp Philippines chỉ còn biết chờ đợi. Nhưng hàng hóa Philippines xuất khẩu sang Trung Quốc (chủ yếu là nông sản) bị gây khó, kéo dài thời gian đồng nghĩa với rủi ro hư hỏng và thiệt hại kinh tế.