|
Tổng thống Nga Vladimir Putin: Nga sẽ hỗ trợ Syria trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quân sự từ bên ngoài vào quốc gia này.
|
Đây là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo hôm 6/9 về kết quả Hội nghị thượng đỉnh G20. Ông Putin nói thêm rằng ngay bây giờ Nga cũng đang giúp đỡ Syria, “cung cấp vũ khí, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế”.
Trong quá trình thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20, các nước Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Pháp, Saudi Arabia và Vương quốc Anh ủng hộ việc tấn công Syria. Còn Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Nam Phi và Italy tuyên bố phản đối hành động quân sự.
Tổng thống Putin lưu ý rằng Tổng Thư ký LHQ và Đức Giáo hoàng cũng đã lên tiếng phản đối một cuộc tấn công quân sự vào Syria. Phát biểu về tình hình tại Syria, ông Putin nhấn mạnh xét theo góc độ kinh tế, sự bất ổn của tình hình Trung Đông trong thời kỳ phức tạp này là tiêu cực. Theo ông, tình hình ở Trung Đông ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, “bởi vì đây là khu vực cung cấp năng lượng cho toàn bộ nền kinh tế thế giới”.
Ông Putin cũng lưu ý rằng một hành động quân sự bạo lực chống lại Syria có thể làm phức tạp đáng kể việc giải quyết vấn đề từ bỏ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ông nhấn mạnh rằng công cuộc đấu tranh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ( WMD) trên thế giới cần phải thực hiện bằng cách tuân thủ vô điều kiện những tiêu chuẩn luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng hành động quân sự .
Phát biểu về tình hình tại Ai Cập, ông Putin bày tỏ hy vọng tình hình trong nước này sẽ nhanh chóng ổn định. Ông cho biết Nga sẽ hợp tác với bất kỳ chính phủ hợp pháp nào của Ai Cập . Tổng thống Putin cũng cảnh báo về những hậu quả nguy hiểm của bất ổn chính trị tại Ai Cập đối với toàn bộ khu vực Trung Đông .
Bình luận về kết quả của hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Putin nhận xét rằng tình hình kinh tế thế giới đã trở nên ổn định hơn so với 5 năm trước đây, nhưng vẫn còn nhiều rủi ro. Ông Putin nói rằng mỗi quốc gia đã thông qua kế hoạch trung hạn nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách và đây là một bước đi cấp bách để điều tiết thị trường lao động và thuế, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, điều chỉnh các thị trường hàng hóa.
Các nhà lãnh đạo G20 đã thông qua tuyên bố cuối cùng sau Hội nghị thượng đỉnh St Petersburg. Nội dung của tuyên bố dày 35 này trang bao gồm các vấn đề về tăng trưởng bền vững và cân bằng nền kinh tế toàn cầu, tạo việc làm và đầu tư tài chính. Các chương riêng biệt được dành cho vấn đề cải thiện thương mại, giải quyết các vấn đề về thuế và cấu trúc tài chính quốc tế. Một trong những chương có khối lượng lớn nhất được dành cho các vấn đề về quy chế tài chính - đề cập đến sự ổn định của các tổ chức tài chính, đấu tranh chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.