|
Khủng hoảng Syria bao trùm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở St Petersburg.
|
Ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị G20, Tổng thống Nga đã đề nghị các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về cuộc tấn công quân sự chống Syria .
Theo RIA Novosti, phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Cung điện Constantine ở ngoại ô St Petersburg, Tổng thống Vladimir Putin đề nghị thảo luận về Syria trong bữa ăn tối 5/9 để không làm phân tán chương trình nghị sự đã được chuẩn bị trước.
Mỹ bênh vực hành động quân sự
Tổng thống Obama đang tìm kiếm sự hậu thuẫn rộng rãi hơn, cả trong lẫn ngoài nước, dành cho các cuộc tấn công quân sự nhắm vào chính phủ của Syria vì cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân.
Theo VOA, một ngày trước hội nghị thượng đỉnh G20, với 10 phiếu thuận và 7 phiếu chống, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn một kế hoạch đề nghị các cuộc tấn công có giới hạn nhưng loại trừ việc sử dụng bộ binh. Dự luật này sẽ được đưa ra toàn thể Thượng viện vào tuần tới và phải được thông qua ở đó, cũng như ở Hạ viện, nơi dự luật có thể vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa.
Tại Thụy Ðiển, Tổng thống Obama tuyên bố nếu không phản ứng trước việc sử dụng vũ khí hóa học ở Damascus, điều này sẽ chỉ làm gia tăng rủi ro là các loại vũ khí này sẽ lại được sử dụng.
Tổng thống Obama nói thế giới lâu nay đã xác định rằng sử dụng vũ khí hóa học là điều không thể tha thứ và nói:
“Uy tín của cộng đồng quốc tế sẽ bị lâm nguy. Và uy tín của nước Mỹ cũng vậy bởi vì chúng ta sẽ chỉ nói mà không hành động gì…”
Tổng thống Obama thừa nhận rằng nhiều nước Âu châu còn do dự về hành động quân sự chống lại Syria bởi vì những tố giác không chính xác về vũ khí hóa học đã dẫn tới cuộc chiến tranh ở Iraq. Ông Obama tin rằng chính phủ của Tổng thống Assad đã dùng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân trong vụ tấn công hôm 21 tháng 8, khiến hơn 1,400 người thiệt mạng ở gần Damascus.
Một cuộc thăm do của báo Washington Post và hãng tin tức ABC cho thấy 59% người Mỹ phản đối các vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ nhắm vào Syria so với 36% người ủng hộ. Một cuộc thăm dò khác của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 48% người Mỹ phản đối các cuộc tấn công so với chỉ có 29% người tán thành.
Nga phản đối tấn công Syria
Hôm 4/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng các cuộc tấn công của Tây phương mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an sẽ là một hành vi “xâm lược” không thể chấp nhận được. Nhưng ông nói ông sẽ ủng hộ một cuộc tấn công nếu có bằng chứng “thuyết phục” rằng Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học.
Ông Putin kêu gọi Mỹ trình bày cho Liên Hiệp Quốc thấy bằng chứng “thuyết phục” về vũ khí hóa học. Ông nói nước Nga đã ngừng chuyển giao cho Syria các bộ phận của hệ thống tên lửa phòng không S-300, nhưng sẽ xét lại nếu phương Tây “vi phạm các nguyên tắc quốc tế.”
Thế giới kêu gọi giải pháp chính trị
Trong khi Mỹ vận động cho tấn công quân sự, Liên Hợp Quốc tiếp tục trông đợi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.
Đặc sứ của Liên đoàn Arập và Liên Hợp Quốc về Syria Lakhdar Brahimi đã đến St. Petersburg để giúp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tổ chức một hội nghị về hòa bình Syria.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon từng tuyên bố việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria là một “tội ác chiến tranh” và kêu gọi Hội đồng Bảo an “đoàn kết và khai triển một sự đáp ứng thích đáng” để đưa những kẻ phạm tội ra trước công lý. Tuy nhiên, ông nói một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc là phương cách tốt đẹp nhất.
Trong cuộc họp báo chung ở St Petersburg ngày 5/9, theo RIA Novosti, hai quan chức cấp cao nhất của Liên minh Châu Âu là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Barroso đã kêu gọi một “giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng Syria. Ông Barroso nói: “Liên minh châu Âu cho rằng cần phải nỗ lực hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột (Syria)”.
Theo Reuters, trong bức thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân Hội nghị thượng đỉnh G20, Giáo hoàng Francis ngày 5/9 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới "từ bỏ theo đuổi giải pháp quân sự vô ích" ở Syria.
Trong thư, Giáo hoàng Francis viết: "Tốt hơn là hãy tiếp tục cam kết tìm kiếm một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và đàm phán giữa các bên bằng sự can đảm và quyết tâm, được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế."
Quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên hợp quốc (LHQ) Silvano Tomasi cũng nhấn mạnh Vatican phản đối can thiệp vũ trang vào Syria, đồng thời kêu gọi đối thoại "không có điều kiện tiên quyết" và một "chính phủ chuyến tiếp".
Ông Tomasi nói rằng "kinh nghiệm với Iraq và Afghanistan đã cho thấy can thiệp vũ trang không đem lại kết quả mang tính xây dựng", đồng thời kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho cả chính phủ và phe đối lập Syria.