Bất chấp những tuyên bố “đao to búa lớn” chống Mỹ, các vụ thử tên lửa-thử hạt nhân của Bình Nhưỡng chủ yếu làm “mất mặt” Bắc Kinh vì thời điểm của chúng trùng với các sự kiện thế giới lớn được tổ chức ở Trung Quốc. Hành động nói trên của Bình Nhưỡng nhằm làm suy yếu vị thế của Bắc Kinh cũng như đặt ra mối đe dọa trực tiếp nhất đối với Trung Quốc, các chuyên gia nói với đài Sputnik.
|
Đám mây chết chóc hình nấm khổng lồ trong một vụ thử bom H. Ảnh: Telegraph |
Chỉ vài giờ trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao BRICS tổ chức tại thành phố cảng Hạ Môn ở phía nam, các cư dân ở Đông Bắc Trung Quốc đã phải trải qua những cơn rúng động mà Trung tâm Địa chấn Trung Quốc nói là trận động đất mạnh 6,3 độ Richter. Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thành công một bom H (bom nhiệt hạch) lắp vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tại khu thử nghiệm hạt nhân phía bắc của nước này hôm 3/9, theo Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA). Một thời gian ngắn sau đó, KCNA cho biết thêm rằng Triều Tiên cũng thành công trong việc thu nhỏ bom H để lắp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Thời điểm thử tên lửa-hạt nhân vô cùng tệ hại đối với Trung Quốc
Bình Nhưỡng ngày càng tỏ ra coi thường Bắc Kinh với các vụ thử tên lửa-hạt nhân, mặc dù dựa chủ yếu vào thương mại với Trung Quốc để tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân. Triều Tiên thử bom H ngay trước khi Hội nghị cấp cao BRIC khai mạc ở Hạ Môn (Trung Quốc) hôm 3/9/2017. Triều Tiên cũng đã phóng thử một trong những tên lửa tiên tiến nhất là tên lửa Hwasong-12 vào ngày 14 tháng 5, khi 29 nhà lãnh đạo quốc gia tụ tập tại Bắc Kinh để tham dự Hội nghị thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường” , theo sáng kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Zhang Liangui, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc , nói với đài Sputnik: "Thời điểm thử hạt nhân của Triều Tiên không phải là trùng hợp ngẫu nhiên và Bình Nhưỡng đã quyết định tiến hành các cuộc thử nghiệm nói trên khi Trung Quốc tổ chức các sự kiện quan trọng”.
Chuyên gia Zhang Liangui lập luận rằng so với Mỹ hay Nga, Trung Quốc là nước bị mất nhiều nhất nếu CHDCND Triều Tiên trở thành cường quốc hạt nhân. Ông giải thích: "Các khu vực trọng điểm của Nga đều nằm ở châu Âu, trong khi các vùng trọng điểm của Trung Quốc lại nằm ngay bên cạnh Bán đảo Triều Tiên. Trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân ở Triều Tiên, thiệt hại đối với Trung Quốc là rất to lớn và nghiêm trọng. Một số người cho rằng Trung Quốc đang giúp Mỹ trong việc phi hạt nhân hoá Bắc Triều Tiên và đây là một quan điểm sai lầm vì nước Mỹ cách Bắc Triều Tiên rất xa, còn Trung Quốc thì ngay sát vách. Trung Quốc là nước bị thiệt hại nhiều nhất, nếu phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên thất bại”.
Bình Nhưỡng muốn phô trương sức mạnh
Dựa vào cường độ trận động đất do bom H của Triều Tiên gây ra, các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc ước tính rằng sức công phá của nó gấp nhiều lần quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống thành phố Nagasaki trong Thế chiến II.
Học giả Zhao Tong, thành viên Chương trình Chính sách hạt nhân của Carnegie tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, nói với Sputnik: “Mặc dù có các báo cáo khác nhau về sức mạnh của trận động đất gây ra bởi vụ nổ, một ước tính thận trọng về sức công phá của quả bom H này đứng ở mức khoảng 100 kilotonne, gấp nhiều lần so với bom nguyên tử 20 kilotonne mà Mỹ ném xuống Nagasaki ".
Ông Zhao Tong cho rằng rất có thể là Triều Tiên sẽ phóng một tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân để chứng tỏ sức mạnh hạt nhân của nước này. Ông giải thích: "Về khía cạnh lịch sử, nhiều quốc gia - trong đó có Trung Quốc - đã tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân… Bình Nhưỡng đang háo hức chứng minh khả năng hạt nhân của mình. Đây là nguy cơ mà chúng ta phải đối mặt ".
Phi hạt nhân hóa hay chế độ ổn định ở Triều Tiên?
Học giả Zhang Liangui gợi ý rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần đưa ra quyết định về điều gì quan trọng hơn đối với họ: phi hạt nhân hoá Triều Tiên hay ổn định của chế độ ở Bình Nhưỡng.
Ông Zhang Liangui nói: "Chúng ta cần phải xác định rõ ràng ưu tiên của chúng ta là gì. Chúng ta ưu tiên việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên hay chúng ta coi trọng sự ổn định của chế độ hiện nay ở Bình Nhưỡng ? Không trả lời được câu hỏi này, (Bắc Kinh) sẽ không có giải pháp hữu hiệu. Chính phủ Triều Tiên hiện nay đã nhắc đi nhắc lại hơn 10 lần rằng họ sẽ không bao giờ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Thật không may, nhiều quốc gia trên thế giới đã không nhận được thông điệp đó”.
Chuyên gia Zhang Liangui nói thêm rằng sẽ là một bi kịch cho nhân loại nếu các chính sách "nhân nhượng vô nguyên tắc " hiện nay tiếp tục được thi hành. Ông nói thêm: "Một số quốc gia hạt nhân mới có thể nổi lên và Trái đất sẽ phải đối mặt với nguy cơ sớm bị hủy diệt”.