Về nhận định Triều Tiên chết chắc nếu đánh nhau với Mỹ, nhà phân tích chính trị, Thượng tương Nga về hưu Leonid Ivashov nói với RT: “Đó là một cuộc chiến không cân sức. Mỹ là một siêu cường, trong khi Bắc Triều Tiên chỉ là một nước nhỏ. Bắc Triều Tiên không thể so bì với Mỹ về bất cứ phương diện nào”. Ông Ivashov lo ngại khả năng Mỹ tấn công Triều Tiên là “không thể loại trừ”, một khi Tổng thống Donald Trump củng cố được vị thế ở Washington.
|
Thượng tướng về hưu và hiện là Viện trưởng Viện Các vấn đề địa chính trị (Nga) Leonid Ivashov. Ảnh: WordPress.com |
Theo Thượng tướng về hưu và hiện là Viện trưởng Viện Các vấn đề địa chính trị (Nga) Leonid Ivashov, các công nghệ giám sát hiện đại cho phép Mỹ biết " chính xác vị trí của tất cả các hệ thống tên lửa và các cơ sở sản xuất hạt nhân" của Triều Tiên.
Tướng Ivashov nói: "Người Mỹ có thể tấn công Triều Tiên, trung tâm phát triển tên lửa hạt nhân, các cơ sở công nghiệp, cố gắng loại bỏ mọi thứ mà Triều Tiên tạo ra trong chương trình tên lửa tầm trung, tầm xa và chế tạo vũ khí hạt nhân ".
Các máy bay ném bom chiến lược B-1B của Mỹ sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho các cơ sở phát triển hạt nhân dưới lòng đất của Bình Nhưỡng và các hầm phóng tên lửa, nếu "có tính đến sự yếu kém về khả năng phòng thủ tên lửa của Bắc Triều Tiên".
Thượng tướng Leonid Ivashov cũng tỏ ý hoài nghi những lời đe dọa của Bình Nhưỡng tấn công đảo Guam của Mỹ, trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Ông cho biết thêm: "Xét theo khía cạnh nào đó, đây chính là một trò lừa gạt của Bắc Triều Tiên, một nỗ lực để gỡ thể diện và tránh đòn tấn công của người Mỹ thông qua những lời hùng biện”.
Viên tướng Nga giải thích: "Mỹ có hệ thống phòng thủ tên lửa phòng thủ mạnh ở ngoài khơi Bán đảo Triều Tiên ... có thể đánh chặn tên lửa của Bình Nhưỡng. Căn cứ không quân Guam, mà Bắc Triều Tiên đang có kế hoạch tấn công, cũng được hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ bảo vệ nghiêm ngặt”.
Đầu tuần này, CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã lên kế hoạch bắn tên lửa đạn đạo tầm trung về phía đảo Guam vào giữa tháng 8 và được coi là một cuộc diễn tập chiến tranh với Mỹ.
Thông báo này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ đáp trả bằng “lửa và cơn cuồng nộ”, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục khiêu khích bằng tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Hôm 11/8, Tổng thống Trump cảnh báo Triều Tiên trên Twitter: "Các giải pháp quân sự hiện nay đã được đặt đúng chỗ, mục tiêu đã bị khóa và đạn đã lên nòng, nếu Bắc Triều Tiên hành động thiếu khôn ngoan”.
Theo Thượng tướng Ivashov, Triều Tiên vẫn có khả năng gây ra "một số thiệt hại" cho phía Mỹ, nhưng không thấm vào đâu so với những thiệt hại mà Hoa Kỳ gây ra cho chế độ ở Bình Nhưỡng.
Nhà phân tích chính trị Ivashov nói điều quan trọng là cộng đồng quốc tế phải lái cuộc khủng hoảng Mỹ-Triều Tiên theo hướng “giải pháp ngoại giao". Ông nói thêm: “Trung Quốc và Nga nên can thiệp ngay bây giờ. Cần tăng cường gây áp lực chính trị và kinh tế đối với Triều Tiên, cần có thêm các lệnh trừng phạt. Điều quan trọng là lái diễn biến tình hình hiện nay ra xa triển vọng (xung đột) quân sự”.